![]() |
Bói tình duyên, thi cử... |
Theo giới thiệu của một người quen, PV Người Lao Động tìm đến một con hẻm bên hông chùa Giác Lâm, số 118 Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP HCM. Người bạn đi cùng rỉ tai: “Thầy nói linh lắm. Đến đây, có thể hỏi về chuyện học hành, tình duyên, công danh sự nghiệp...”. Mới hơn 9 giờ nhưng trước sân có khoảng 20 cô cậu trong tuổi học sinh, sinh viên, kẻ đứng người ngồi chờ đến lượt mình.
Trong nhà, một người đàn ông vận áo vàng khoảng 60 tuổi, trên bàn làm việc có một cái đĩa đựng tiền của khách thập phương để vào, mấy cuốn sổ dày chữ Hán viết về thuật bói toán, những phiếu đăng ký ngày cất nhà, ra riêng..., một số mẩu giấy be bé để ghi tên tuổi của khách, một cây bút. Thầy chuyên coi chỉ tay. Trong khi chờ đến lượt, mọi người nghe thầy phán cho một cô gái trạc 18 tuổi: “Số cô thi đâu hỏng đó. Phải về nhà ăn chay niệm Phật đến tháng 2 năm tới”. Chưa nghe hết câu, cô gái đã ôm mặt khóc rưng rức, mong thầy ra tay cứu giúp. Thầy phán tiếp: “Giữa tháng 3 sang năm, cô đến gặp thầy, may ra còn kịp”. Cô gái ngưng khóc, đôi mắt ngơ ngác chưa hoàn hồn. Xem ra các cô cậu học sinh, sinh viên không phải tới đây để mua vui!
Đến lượt một thanh niên, gương mặt phờ phạc, mệt mỏi, hỏi về tình duyên: “Bạn gái chê con nhà nghèo. Xin hỏi thầy, tuổi của con có hợp với bạn gái con không?”. Anh bạn đi theo người thanh niên giải thích với chúng tôi: “Nó chẳng chịu học hành mấy tháng nay rồi. Tui khuyên hết lời cũng vậy. Chỉ còn cách nhờ thầy coi thử ra sao”. Thầy giở cuốn sổ ra dò, nói tuổi anh thanh niên hợp với tuổi con gì, cứ thế nói vanh vách về vận hạn năm nay. Một lát, thấy người thanh niên nói cám ơn, đặt tiền. Nhìn vào đĩa, thấy rất nhiều tờ 50.000 đồng. Càng trưa, số khách đến càng đông hơn.
Mất hơn 20 phút loay hoay trong con ngõ ngoằn ngoèo trên đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp cũng tìm được đến nhà bà thầy. Một nhóm năm bảy cô cậu học trò, sinh viên cũng đang ở đó. Bà thầy đi ra và nói rất khẽ: “Xem gì, chuyện học hành à?”. Khách gật đầu, rất khẽ khàng, bà đưa mắt bảo đi ra sau nhà. Chỗ hành nghề của bà thầy chính là phòng ngủ, bà trải chiếu, lấy cái đĩa đựng tiền và một bộ bài. Ra hiệu cho khách ngồi xuống cạnh nhóm học sinh, sinh viên đến trước, chờ đến lượt mình.
Bà bảo một cô gái, độ tuổi sinh viên, đặt tiền. Cô gái hỏi bao nhiêu, không ngần ngại bà nói: “Tùy tâm, nhưng ít nhất phải hai chục”. Bà xòe bộ bài bảo rút ra 5 lá, 1 lá đặt giữa, 4 lá chung quanh để đoán tương lai hậu vận. Sau đó bà thầy hỏi năm sinh, tra sổ. Bà thầy phán cô gái đang bị sao Thái Dương chiếu mệnh, nếu không giải hạn có thể gặp tai ương bất kỳ. Cô gái tái mặt hỏi cách giải hạn, bà bảo cứ gửi tiền, ghi họ tên, bao nhiêu tuổi người ta sẽ cúng cho... như thế mới tai qua nạn khỏi. Bà cứ nhắc đi nhắc lại: “Cô khuyên con nên giải hạn cho con và cả người yêu con nữa. Nam La Hầu, nữ Kế Đô độc lắm, không mất của cũng bị người ta ganh ghét, ốm nặng... Năm nay, tháng nào con cũng gặp nạn”. Cô gái đặt tiền, đứng lên, mặt buồn rười rượi.
Cô gái cho biết: “Năm nay em thi ra trường. Bà thầy nói như vậy em lo quá, chắc phải nhờ cúng giải hạn thôi”. Đám khách trẻ ngồi bên im thin thít, ra vẻ tin tưởng vào lời phán của bà thầy lắm lắm...
Còn ở Hà Nội, mới đầu tháng 10 âm lịch, giới học sinh, sinh viên ở Hà Nội đã kháo nhau đi xin bùa dán xe ngăn ngừa tai nạn giao thông. Theo lời kể của những cô cậu thường đi lễ chùa thì lá bùa phòng tai nạn được nhà chùa thỉnh vào lúc không giờ các đêm rằm, càng cận Tết bùa càng linh. Ở một chùa có tiếng ở Hà Nội, người đến xin giải hạn khá đông. Có người đi mấy ngày mới xin được một lá. Một bạn nam nói: “Không phải ai cũng có thể biết để mà xin đâu, có chùa có, có chùa không. Nếu muốn, rằm tháng 7, các cậu cứ liên lạc với tớ... ”.
Sau đó, một người mặc áo nâu đến chỉ cho cậu thanh niên nói trên cách dán lá bùa. Đó là một đề-can hình hoa sen thật đẹp, phải dán ngay vào trên đầu xe gắn máy, ngay trên đèn xe để cản những tai ương bất trắc trước khi đụng vào thân. Sau lần đó, ra đường mới té ngửa khi nhìn thấy rất nhiều xe đi trên đường có gắn đề-can này. Ngôn ngữ của dân săn bùa gọi tấm đề-can và lời chú mang theo người là chú “tiêu tai cát tường”.