Một ngày của Thuỳ Linh bắt đầu từ lúc 9h, cô "ngồi thiền" ở quán cà phê tại ngõ Bảo Khánh, Hà Nội. Buổi trưa, Linh dùng bữa trưa cùng bồ. Chiều, cô đi chăm sóc sắc đẹp. Còn buổi tối thì tranh thủ đánh bóng các sàn nhảy và "nốc" rượu như nước lã.
Lịch của cô gái chưa đầy 20 tuổi này không lạ gì đối với dân chơi đất Hà Thành. Điều đáng ngạc nhiên, hiện Linh là sinh viên của 2 trường đại học có tiếng ở thủ đô. Chẳng phải lúc được nghỉ hè, nghỉ Tết, nhẽ ra thời gian này cô phải bù đầu vào học tập.
Theo Linh, một tay chơi sành điệu bây giờ không chỉ đi xe SH, Dylan... xài "dế" đời xịn nhất mà còn phải "trí thức đầy mình", nghĩa là "đã hoặc đang" là sinh viên của các trường danh tiếng.
Thanh Lan, bạn của Linh, phả một hơi thuốc lá, đầu lắc lư theo điệu nhạc: "Thuê người học thay để rảnh rang lượn lờ đang là mốt thời thượng đấy".
Cả Linh và Lan đều thản nhiên gọi những người học thay mình là "kẻ ăn mày trí thức". Các cô nhắc đến họ với thái độ đầy miệt thị rồi cười khúc khích.
Cả nhóm "Ngũ Long công chúa" đều thuê oshin học thay như thế. Khi được hỏi trường nào nhiều nhất, khoảng bao nhiêu người như các cô, Linh lừ mắt: "Hỏi gì mà hỏi lắm thế. Cứ đến cổng trường đại học nào danh tiếng sẽ có khối đứa "xin chết" thay cho ông anh đấy".
Hôm sau, ra quán cóc mà Linh đã chỉ cho, mới biết đây là địa điểm được mệnh danh "Chợ oshin trí thức", nơi diễn ra "dịch vụ" này.
Ảnh minh họa. |
Lúc chuông reo báo hiệu kết thúc tiết học thứ 5. Sinh viên túa ra ngồi nhâm nhi ly trà nóng, rít điều thuốc lào trong cái lạnh đến run người của tiết trời Hà Nội. Bỗng một cô gái rất ăn chơi đỗ xịch chiếc SH 150 màu đen, hất hàm hỏi bà chủ quán: "U ơi, có thấy con Thi lảng vảng ở đâu không vậy?".
Bà chủ quán nhanh nhảu: "À, lúc sáng nó vừa hỏi cô đấy, nghe bảo đang tìm cô lấy tiền học hành gì đấy".
Cô gái móc ví lấy tờ 500.000 đồng xanh lét đưa cho bà chủ quán rồi bảo: "Lát nữa nó quay lại, u đưa tiền cho nó học hộ môn triết rồi bảo nó gọi ngay cho con nhé. Con đang cần nó học thay mấy môn vì tháng tới bận đi nâng mũi ở Thái Lan. U giúp con nhé". Nói xong cô gái nhảy lên xe vù mất.
Theo lời bà chủ quán, sự việc vừa chứng kiến chỉ là "chuyện thường ngày" ở đây. Mỗi buổi tối học thay có giá chung là 25.000 đồng, gồm cả thảy 5 tiết học. Người thuê chỉ cần nói họ tên, địa điểm giảng đường là OK ngay.
Mỗi một bài kiểm tra học trình sẽ được thêm 15.000 đồng. Dĩ nhiên để tránh phát hiện, người được thuê phải học hết môn đó và làm đầy đủ bài kiểm tra hòng đánh lừa giáo viên khi chấm bài.
Còn nữa khi kết thúc môn, nếu làm tiểu luận, "gia chủ" sẽ khoán trắng cho oshin 500.000-700.000 đồng/bài. Tính ra những môn như thế kiến thức mà gia chủ nhận được chỉ là tên môn học.
"Con bé lúc nãy mỗi kỳ học được 7 môn, nó thuê người ta học đến 4- 5 môn. Đám bạn nó cũng thế, 4-5 đứa suốt ngày tụ tập. Chẳng biết chúng học hành kiểu gì nữa", bà chủ quán lắc đầu thở dài.
Có hiện tượng này là do quan niệm "Có cung ắt có cầu". Bắt đầu từ việc bạn bè nhờ nhau học hộ khi có việc bận như: bận làm thêm, về quê, bị ốm... dần dần việc nhờ vả biến tướng thành mục đích thương mại.
Theo Tiếp Thị & Gia Đình, sở dĩ, dịch vụ trên tồn tại ở nhiều trường đại học là do một số lớp, sinh viên đông đến hàng trăm người, việc quản lý chỉ dựa trên điểm danh đầu người. Cán bộ lớp phát hiện ra có người đi học hộ cũng xuề xoà cho qua. Còn thầy cô làm sao mà biết hết mặt sinh viên.
Ngoài việc thuê người đi học thay như Linh, cô gái chạy SH "để rảnh rang chơi bời", nhiều sinh viên còn viện nhiều lý do để biện minh cho việc tìm người học thay cho mình.
Hoa hiện theo học ngành Quản trị Kinh doanh nhưng đồng thời cũng là bà chủ của hai cửa hàng mỹ phẩm trên trục phố chính. "Em phải thuê mấy đứa đi học thay, chứ bỏ bê cửa hàng không yên tâm. Mỗi tháng mất 2-3 triệu đồng nhưng bù lại, em kiếm được mười mấy triệu đồng. Chỉ bốn năm là có tấm bằng đại học đỏ chói, bằng thật hẳn hoi, chẳng nhọc công gì", Hoa cho biết.
Dường như với những người như Hoa, bằng cấp là một thứ đồ trang sức, là bùa hộ mệnh, còn kiến thức thu nhận trong quá trình học chỉ "là cái đinh".
Với Thắng, việc thuê "hình nhân thế mạng" là một giải pháp. Anh ra trường từ năm 2002 nhưng chưa được cấp bằng do nợ lại 4 môn . Anh đang làm việc ở Vinh (Nghệ An) trong một công ty thiết kế.
Bỗng đầu năm, phòng nhân sự yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp để cất nhắc lên vị trí cao hơn. Không thể bỏ công việc để trả nợ môn học trong mấy tháng, anh đành nhờ người thuê một cậu sinh viên học thay.
Còn trường hợp của Lệ Chi khá đặc biệt. Cô bị hẹp van tim bẩm sinh nhưng học khá và đã thi đỗ vào ĐH Kinh tế. Nhập học được mấy tháng, cô bỗng đổ bệnh nặng. Các bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai yêu cầu phải thay van tim mới có hy vọng sống.
Đáng lẽ chỉ cần làm đơn xin bảo lưu kết quả, chữa bệnh xong học tiếp, Lệ Chị nằng nặc đòi bố phải "nhờ người học hộ rồi vài tháng về con học tiếp, thua bạn bè một năm thiệt thòi nhiều lắm".
Hồng là cựu sinh viên của ĐH Tổng hợp (cũ). Xong năm thứ hai, cô bị dừng học 1 năm do không đủ tiền đóng học phí. Hồng đành bảo lưu kết quả, kiếm tiền để tiếp tục học. Được một người bạn giới thiệu, cô nhận học cho ba người khác nhau ở ba trường khác nhau.
"Dân học thuê chuyên nghiệp, em quen cũng tầm 15-20 đứa. Có đứa đang là sinh viên, có đứa là học sinh lớp 13... Nói chung tụi em đều cần tiền để giải quyết việc nên mới "to gan" làm việc này chứ hay ho gì", Hồng nói giọng buồn buồn.
Còn Lâm từng là sinh viên ĐH Giao thông Vận tải, bị đuổi học do đánh nhau. Muốn bám víu thành phố, Lâm không chịu về quê. Cậu kiếm một chân học thuê. "Bây giờ sinh viên đông như ruồi, có phải đứa nào cũng ngọt giọng làm gia sư được đâu. Thôi thì cố kiếm ít tiền trụ lại, sang năm thi tiếp", Lâm ngượng nghịu tâm sự.
Tên nhân vật đã được thay đổi.