PV làm việc với ban phụ trách sinh viên Việt Nam tại ĐH Santa Clara. |
Trước khi sang Cuba công tác, chúng tôi cũng đã nhận được không ít thông tin về tình hình học tập và sinh hoạt của học sinh Việt Nam tại Cuba và nói chung là xoay quanh sự khổ cực, thiếu thốn...
Sáng ngày 26/11, trên đường từ quê Fidel về La Habana, tôi và anh Đặng Văn Dũng, Tham tán Đại sứ Việt Nam tại Cuba nảy ra ý định vào thăm sinh viên (SV) Việt Nam tại hai trường đại học Santa Clara và Matanzat.
Nghe chúng tôi đặt vấn đề, Trung tá Humberto gọi điện cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và đề nghị cho làm việc chính thức với Ban Quản lý học sinh quốc tế của hai trường. Mặc dù hôm đó là chủ nhật nhưng Ban Giám đốc các trường đều vui vẻ sắp xếp thời gian, còn các SV Việt Nam nghe tin có phóng viên đến thì cũng tổ chức tiếp đón chu đáo, đồng thời bảo nhau... dọn nhà.
Cũng phải nói thêm rằng, về giáo dục, Cuba được xếp ngang hàng với các nước phát triển như Đan Mạch, Thụy Điển... Về thể thao, Cuba xếp thứ 10 thế giới, còn về y tế thì đứng số 1. Hiện nay, có 37.000 SV của 68 quốc gia đang học tập ở Cuba và đều được Chính phủ Cuba nuôi ăn, cung cấp giấy bút, sách vở.
Việt Nam là nước được Cuba nhận đào tạo cho từ những năm 1961 và trong cuộc chống trả quân Cuba lưu vong được CIA giúp đỡ đổ bộ lên bãi biển Giron, đã có 16 SV tham gia vào lực lượng dân quân 200.000 người... Tổng cộng từ năm 1961 cho đến nay, Cuba đã đào tạo cho Việt Nam 2.000 SV đại học và sau đại học. Và nhiều SV được đào tạo ở Cuba đã trở thành Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh, Đại sứ... Và với tất cả những ai đã học ở Cuba thì không bao giờ quên được tình cảm nồng hậu, chân thành của người dân Cuba.
Trong quá trình học tập, SV Việt Nam có tiếng là học giỏi và đoàn kết, giữ gìn kỷ luật tốt. Nhưng đến những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chất lượng học tập của SV Việt Nam bắt đầu xuống dốc không phanh và đã có lúc tụt xuống hàng...17. Nguyên nhân là do công tác tuyển chọn “đầu vào” đã không được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng đúng mức. Vì thế, có không ít những SV chất lượng kiến thức “đáng ngờ”.
Từ năm 2003, sau nhiều biện pháp quyết liệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba thì chất lượng học tập và kỷ luật của SV đã có bước vượt trội. Năm ngoái, học sinh Việt Nam được xếp thứ 3, tuy nhiên, năm nay có thể bị tụt xuống một bậc bởi vì có học sinh bị kỷ luật vì tội quay cóp bài.
Ở Cuba có khẩu hiệu: “Universidad para revolucionario” - nghĩa là: “Trường đại học là dành cho người Cách mạng”, vì thế, tính trung thực được đưa lên hàng đầu. Học kém, có thể thi lại lần 1, lần 2, và học sinh có thể đề nghị giáo viên dạy cho mình đến bằng hiểu bài thì thôi, nhưng chỉ một lần quay cóp là bị đuổi thẳng, không một ai có thể xin xỏ, can thiệp được. Mà ở bậc đại học, đã bị đuổi vì tội thiếu trung thực thì không còn có thể xin học ở đâu trên đất Cuba nữa.
Có một môn học được Bộ Giáo dục Cuba đặc biệt quan tâm, đó là môn lịch sử. Số giờ dạy cho môn lịch sử nhiều hơn tiếng Anh, ngang môn toán, văn và lịch sử là môn thi bắt buộc ở tất cả các bậc học. Chính vì thế mà kiến thức lịch sử của học sinh Cuba rất cao.
Anh Đặng Văn Dũng, từng nhiều lần dẫn SV đi giao lưu với học sinh Cuba, đã cay đắng nhận xét: “Buồn nhất là thấy SV ta hiểu về lịch sử cận đại nước mình nhiều khi không bằng học sinh lớp 5 của Cuba”. Không hiểu lịch sử nước mình cũng chẳng khác gì con cái không biết bố mẹ mình là ai, xuất thân từ đâu?
SV Việt Nam tại Cuba hiện nay được coi là có tổ chức chặt chẽ nhất trong tất cả các nước có SV Việt Nam. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự trở thành nòng cốt trong việc đoàn kết, giúp đỡ SV và tham gia tích cực vào các hoạt động của từng trường và Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba. Vừa qua đã có những SV xuất sắc được kết nạp Đảng tại Đảng bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba.
Tại Trường đại học Santa Clara, ông Luis Ranero, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, và bà Melia, phụ trách SV Việt Nam đã cho chúng tôi biết những thông tin rất lạc quan về tình hình học tập của SV. Trường đại học Santa Clara là một trong 10 trường đại học lớn của Cuba và đang có 200 SV nước ngoài của 72 nước học tại đây. Đây là trường được coi là có “kỷ luật như trại lính” và cũng ở một nơi biệt lập như “trại lính” vì cách xa thành phố tới gần 20 km. Chính vì thế mà không hiếm SV một số nước châu Âu và châu Phi đã xin đi nơi khác.
SV Việt Nam tại đây có 41 em và xếp hàng đầu về học tập, thứ ba về văn nghệ, thể thao. Bà Melia, người được các SV Việt Nam gọi là “mẹ” thì hết lời khen ngợi SV Việt Nam ngoan, lễ phép, hát hay... Cho đến nay, chưa phát hiện được vấn đề gì bất thường về học tập, đạo đức của số SV Việt Nam tại đây.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng rất không hài lòng về một số SV Việt Nam ở đây là hay hút thuốc lá, uống rượu và “lười đi ăn tập thể”. Chuyện nam nữ SV “góp gạo thổi cơm chung” và sống buông thả vài năm trước khá phổ biến, nhưng gần đây, do nhà trường thường xuyên cứ người đi “tuần” nên cảnh đó có “giảm” nhưng chắc chắn vẫn còn. Bà Melia cho biết thêm là qua đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ vừa rồi đã phát hiện một số SV ta bị viêm gan B.
Ông Luis Ranero cũng thẳng thắn trình bày về những khó khăn của nhà trường, trong đó có việc do số lượng SV quá đông nên nơi ở khá chật chội và nhà cửa đang bị xuống cấp. Điện hay bị cúp và sụt áp, nước dùng thì có khá hơn, ngày được bơm ba lần. Khẩu phần ăn của SV như sau: Bữa sáng là được 1/3 lít sữa tươi, bánh mì và bánh quy mặn. Bữa trưa, chiều là cơm đậu đen, súp ngô, canh rau, trứng gà quấy... mỗi tuần được từ 1 đến 2 bữa có thịt gà hoặc thịt lợn (khoảng 100g).
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, Trung tá Humberto cho biết tiêu chuẩn thịt như vậy đã là cao hơn cán bộ như ông. Các SV Việt Nam có mặt tại buổi gặp gỡ cũng xác nhận là chế độ ăn của trường là đủ chất, nhưng kém “chắc dạ” và không hợp khẩu vị lắm. Với những SV xuất thân là con nhà nghèo thì ăn thế là được, nhưng với đám con nhà khá giả, tất nhiên là “khó nuốt”.
Chúng tôi đi thăm một số gian phòng của SV Việt Nam và sửng sốt trước cảnh ăn ở bẩn thỉu, cẩu thả, luộm thuộm của các em. Nhà cửa chật và vôi ve nhem nhuốc vì lâu không được tu sửa cộng với những chăn màn không gấp, vỏ chai nước, lon bia vứt đầy gậm giường, nồi niêu, soong chảo để lủng củng ở xó nhà... tất cả đã tạo nên một không gian sống ngột ngạt, bức bối và đầy vẻ tạm bợ.
Hóa ra SV nhà ta dư thừa thời gian ngồi uống trà, uống rượu, tán phét, dư thừa thời gian đi thâu đêm suốt sáng, dư thừa thời gian chơi đôminô và cả đánh chắn nữa... nhưng luôn thiếu thời gian dọn dẹp nhà cửa?
(Theo An Ninh Thế Giới)