Các số liệu chuyên môn đều cho thấy sau giai đoạn trẻ thơ, sự phát triển thể chất, mà đặc biệt là chiều cao của con người đều tập trung trong lứa tuổi học sinh. Trong khi đó, học sinh VN đang lùn hơn so với học sinh nhiều nước trên thế giới, và cả những nước lân cận...
Cuối giờ chiều. Cổng Trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình đầy nghẹt phụ huynh chờ đón con tan trường, tiếng học sinh rộn rã. Số học sinh còm nhom, thấp bé nhiều hơn hẳn các em cao to.
Bên cạnh những gương mặt hiếu động, nhanh nhẹn, không ít nét mặt mệt mỏi, lờ đờ tìm bố mẹ. Tuy nhiên, đến lúc này, nhiều em vẫn chưa được về nhà, mà phải tiếp tục đến một “trường học” tại gia nào đó hoặc các trung tâm ngoại ngữ.
Một người đàn ông tên Hòa vội vã gí ổ bánh mì vào tay đứa con trai đang leo lên yên xe: “Tranh thủ ăn lẹ lẹ đi con”. Vừa nổ máy xe, ông ta vừa than thở: “Đến miếng ăn nóng còn không có thời gian nữa. 17h30, lớp học ngoại ngữ của cháu bắt đầu rồi”. Ái ngại nhìn cậu học sinh lớp 9 mà vóc người nhỏ thó, lại phải mang cái cặp sách nặng trĩu trên vai, ông Hòa gục gặt: “Thời buổi này mình phải lo cái đầu cho các cháu trước đã...”.
Người phụ huynh đang chờ đứa con gái uống vội bịch nước mía bên cạnh, nghe chuyện, tỏ vẻ tâm tư: “Ông ta nói đúng đấy. Bây giờ mà cháu không học thêm thì có đứng bét lớp“. Bà ta kể con mình đang chuẩn bị vào buổi học... thứ ba trong ngày ở nhà riêng của giáo viên. “Học còn không kịp thở nữa, làm sao mà nuốt miếng ăn cho ngon nổi?”.
Ở các trường học khác, thậm chí cả vùng ven như quận 9, Hóc Môn, Bình Chánh, PV Tuổi Trẻ cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự. Bà Hai Vi, phụ huynh một học sinh Trường trung học cơ sở Phú Xuân, Nhà Bè, cho biết vợ chồng cùng đi làm công chức, không có nhiều thời gian “nên đành giao tiền cho con tự xử”.
Mỗi ngày bà cho con 17.000 đồng, gồm tiền ăn sáng và trưa. Số tiền này không nhiều nhặn gì so với nhu cầu hai bữa ăn của một học sinh lớp 8, nhưng thỉnh thoảng bà kiểm tra cặp con vẫn thấy tiền cuộn tròn ở trong đó.
Cháu kể đủ lý do, từ ăn không hết, ăn không ngon, đến không có thời gian ăn... nên dành dụm tiền. Lúc đầu bà còn rất vui vì thấy con nhỏ mà đã có tính tiết kiệm, nhưng sau đó lại đâm lo khi thấy nó ốm yếu quá so với chúng bạn.
Nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là khu vực nội thành, hiện rất quan tâm tới bữa ăn của con cái nhưng vẫn đành bất lực trước... những cái bụng hình chẳng bao giờ thấy đói.
“Lúc đầu tôi còn nghĩ khả năng nấu nướng của mình, sau hiểu ra nguyên nhân con ăn không ngon miệng là do học hành quá nhiều, đâm ra mệt mỏi, chán ăn...”. Nhiều người cũng đồng tình với quan điểm của vị phụ huynh ở quận Tân Bình này. Họ lo lắng cho tầm vóc của con, nhưng khi phải chọn lựa giữa học hành và ăn uống, vui chơi thì đành phải ưu tiên cho học hành.
Thực tế là hầu hết phụ huynh đều thừa nhận con cái họ đang học ít nhất hai buổi mỗi ngày. Ngoài chính khoá bắt buộc ở lớp, chúng còn học thêm ngoại ngữ, toán, lý, hóa. Thậm chí, nhiều người còn ép thêm thời gian hiếm hoi của con cái vào các môn năng khiếu như nhạc, vẽ, và vì vậy thời gian học hành cả ở trường lẫn nhà lên đến 16-18 giờ mỗi ngày. Cuối giờ học, các học sinh “to đầu, nhỏ xác” này chỉ còn một thèm muốn duy nhất là... híp mắt lại ngủ!
Hiện, không chỉ các phụ huynh mà chính giới giáo viên và các nhà dinh dưỡng học cũng đang rất lo lắng trước tình trạng suy dinh dưỡng của học sinh. Sau nguyên nhân khó khăn kinh tế hoặc thiếu hiểu biết về dinh dưỡng, thì sự quá tải học hành chính là “thủ phạm”.
Để giải quyết, nhiều ý kiến cho rằng không thể làm gì tốt hơn ngoài việc “tăng cường giáo dục dinh dưỡng và thể chất” cho chính đối tượng học sinh. Nhưng thực tế vẫn chưa có bất cứ một trường học nào làm được hiệu quả chuyện này.
Bên cạnh dinh dưỡng, việc vận động cơ thể qua các hoạt động thể thao phù hợp là yếu tố rất quan trọng để phát triển thể chất. Ai cũng biết điều đó, nhưng đến cả thời gian dành cho ăn uống còn hạn hẹp thì làm gì có rộng chỗ cho thể thao.
Bên cạnh dinh dưỡng và thể thao, chăm lo y tế học đường cũng là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển thể chất học sinh. Tuy nhiên ở VN vấn đề này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nông thôn, vùng sâu, vùng xa hầu như không hề có đội ngũ y tế học đường chuyên trách. Ngay cả ở TP HCM cũng chỉ có 34,4% trường có cán bộ y tế chuyên trách. Nguyên nhân chính là do không có biên chế, nhà trường phải tự hợp đồng và trả lương...
Ông Tư Quang, phụ huynh một học sinh Trường trung học cơ sở Trần Đại Nghĩa, quận 1, kể mỗi ngày từ lúc thức giấc đến khi nhắm mắt ngủ, con ông hình như chẳng bao giờ phải dùng... đến chân. “Đi ăn học thì ngồi sau xe bố mẹ, đến trường lớp, thậm chí về nhà thì lại gắn chặt với cái bàn, cái ghế.”.
Câu chuyện gia đình này còn được các giáo viên thể thao minh chứng thêm: việc vận động viên lứa tuổi học sinh hay thanh niên VN đi thi đấu nước ngoài thường không thua kém mấy về kỹ thuật, nhưng cứ so tài độ bền của đôi chân là hụt hơi...
Cuối cùng, việc vận động cơ thể của học sinh đành trông vào nhà trường. Nhưng thực tế dù bộ môn thể thao học đường đã rất cố gắng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu. Ông Lê Văn Quang, chuyên viên thể dục thể thao, Sở Giáo dục - đào tạo TP HCM, cho biết trước năm 2000, học sinh chỉ được học một tiết thể dục mỗi tuần.
Không chỉ quá ít về thời lượng, tiết học còn chạy theo lý thuyết kỹ thuật, mà quên mất mục đích tăng cường sức khỏe và phát triển thể chất cho học sinh. Gần đây, nhiều trường được tăng lên hai tiết mỗi tuần và phương pháp giảng dạy cũng thoáng hơn. Trong đó ngoài phần học bắt buộc, học sinh được tự chọn một số môn như bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, võ thuật...
Nhưng nỗ lực này vẫn còn ở phía sau rất xa so với nhu cầu. Theo ông Quan, ngay các nước lân cận như Nhật, Singapore, thời lượng thể dục ít nhất cũng được 4 tiết mỗi tuần. Đó là chưa kể vấn đề sân bãi quá thiếu, quá kém và không đủ giáo viên thể dục đã hạn chế khả năng thể thao học đường VN.
Thậm chí ngay ở TP HCM, nơi dẫn đầu cả nước về hạ tầng giáo dục, cũng vẫn thiếu hụt cơ sơ thể thao trầm trọng. Các trường mới xây dựng còn đỡ, hầu hết trường cũ đều không có nhà tập, sân tập thể thao dành cho học sinh...
Tuy nhiên, hiện cũng có một số ý kiến trong giới giáo viên cho rằng mục đích đến trường là “lo cái đầu”, là học văn hóa, còn thể dục thể thao chỉ là phần hỗ trợ mục đích trên và thuộc trách nhiệm gia đình.
Trong khi đó, các phụ huynh lại tâm tư với đặc điểm nhà cửa đô thị chật chội như hiện nay làm gì có “đất” cho con họ chạy nhảy, còn đến các câu lạc bộ thể thao thì không thể “đào” đâu ra thời gian nữa. Thế là phần quan trọng để phát triển thể chất học sinh này được gia đình trông vào nhà trường, rồi nhà trường lại đẩy về gia đình... và cả hai cùng bí!
Trong lúc bài toán “thấp, cao” của nòi giống dân tộc đang loay hoay chưa giải được, thì các ý kiến chuyên môn tiếp tục cảnh báo một nguy cơ mới trong phát triển thể chất. Đó là bên cạnh thế hệ học sinh gầy còm, suy dinh dưỡng lại có không ít học sinh phát bệnh phì vì thừa ăn, thiếu vận động.