Mới đây, CLB Hàng không phía Nam - Sư đoàn Không quân 370 lần đầu tiên tổ chức khoá huấn luyện kỹ thuật nhảy dù từ máy bay tại TP HCM, tôi đã quyết định đăng ký tham gia. Có lẽ tôi là một trong số ít học viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia khoá học muộn nhất. Bởi trước đó, một số đồng nghiệp xì xào: "Mày đeo kính làm sao nhảy dù?", "Nhảy ra khỏi máy bay, dù không bung thì tan tành theo mây khói, cưng ơi".
Những lời bàn tán của đồng nghiệp làm tôi mất hẳn tự tin, dè dặt việc nộp hồ sơ. Mãi đến khi lớp học được khai giảng, có dịp trao đổi với trung tá Nguyễn Hoài Nam - Chủ nhiệm CLB Hàng không phía Nam, trấn an: "Em cận không đến nỗi nào, nên nhảy dù có sao đâu. Quan trọng là đủ sức khoẻ, không mắc các bệnh về tim mạch, thần kinh, tiền đình".
Bước vào lớp khoảng 40 học viên. Hoá ra, lớp học cũng có học viên đeo kính cận. Học viên tham gia khoá học rất đa dạng: Luật sư, kiểm sát viên, kỹ sư, học sinh, giáo viên, nhà báo, nhân viên văn phòng...
Ai bảo những môn thể thao mạo hiểm chỉ dành cho phái mày râu? Nhẩm đếm lớp học có ít nhất khoảng một chục cô "chân yếu tay mềm", đủ mọi lứa tuổi.
Nguyễn Thị Ngọc Hiền - làm việc tại một công ty chuyên về thiết bị điện ở Bình Dương, cân nặng chưa đầy 40 kg, đeo kính cận - máu lửa nói: "Coi ốm vậy chớ khoẻ và máu lắm à nghen. Tinh thần thép đó không vừa đâu!". "Tạng người chị ốm yếu thế này, chắc dù bay hoài trên bầu trời không thèm rơi là cái chắc" - tôi nửa đùa, nửa thật.
Hiền phản ứng: "Sợ gì chứ. Tôi hỏi rồi, nếu không đủ ký thì đeo thêm bao nước hoặc cát vào người". Mà nào chỉ những cô gái trẻ mảnh khảnh như Hiền, ngay cả một số phụ nữ đã gần bước sang thế hệ U50 cũng không hề sợ sệt. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan - người phụ nữ lớn tuổi nhất lớp (47 tuổi), tính cách trẻ trung - tự tin cho biết: "Tuổi tác đâu là vấn đề. Đảm bảo đủ sức khoẻ, chơi môn thể thao nào chẳng được. Lâu nay, tôi khoái những môn thể thao cảm giác mạnh, nên hay tin mở lớp học nhảy dù, là đăng ký ngay, thậm chí ông xã còn chưa biết".
Mọi người đến với khoá học đều có chung mục tiêu là để được nhảy dù và tìm cái cảm giác mạnh của một môn thể thao vẫn còn khá xa lạ với người dân Việt Nam. Có lẽ, bởi điều này khiến không ít người dù chỉ mới 17 tuổi như Nguyễn Đắc Thiên Tâm - thành viên nhỏ tuổi nhất lớp - hay bậc tiền bối (55 tuổi) với mái đầu bạc trắng như anh Trí Quang... không chút ngần ngại khi tham gia.
Nguyễn Đắc Thiên Tâm (học sinh lớp 11 trường Nguyễn Thị Minh Khai) thích thú nói: "Em từng tham gia các trò chơi cảm giác mạnh như: Tàu lượn siêu tốc, ca nô kéo dù trên biển... nhưng chẳng xi nhê gì. Lần này, muốn thử nhảy dù từ máy bay xuống xem cảm giác có đã hơn không?".
Điều thú vị hơn cả, trong lớp học có đến 3 học viên là phi công: Phạm Duy Long (Long Loco), Đào Anh Đức, Stephane Bulkaen. Cái tên Long Loco chắc hẳn nhiều người đã biết đến. Anh là người đầu tiên tự bỏ tiền túi sang Canada học lái máy bay siêu nhẹ lấy bằng phi công, rồi quay về Việt Nam cùng một nhóm người chế tạo máy bay VAM1 (2 chỗ ngồi) và chính Long Loco đã lái thành công VAM1 trong lần bay thử nghiệm đầu tiên cuối năm 2005, hiện anh còn là huấn luyện viên môn dù lượn...
Tướng người cao, nước da đen, đầu trọc, với bộ râu quái lạ trên khuôn mặt đầy góc cạnh - thoạt nhìn hao hao mấy sư phụ trong các bộ phim kungfu - chàng phi công ngấp nghé tuổi 40, tâm sự: "Tuy có nhiều kinh nghiệm trong môn dù lượn (gần nghìn giờ bay dù lượn), nhưng chưa một lần nhảy dù tự do từ máy bay, nên rất tò mò muốn thử xem thế nào. Mỗi môn đều có đặc điểm riêng, vì vậy mình cũng phải học thôi".
Đào Anh Đức là phi công tàu lượn - máy bay không động cơ (học tại Ba Lan). Anh tiết lộ: "Tôi đang theo học lớp lái máy bay siêu nhẹ tại Ba Lan (anh định cư tại Ba Lan, hiện về VN làm ăn). Dự kiến tháng 5 tới sẽ quay sang bên đó tiếp tục khoá học". Nhảy dù thật ra không xa lạ với Đào Anh Đức, trong thời gian ở Ba Lan, anh đã nhiều lần tham gia nhảy dù tự do từ máy bay ở độ cao khoảng 4.000m, song đó là những lần nhảy đôi. Còn bây giờ, anh muốn được tìm cảm giác khi nhảy dù một mình.
Stephane rơi tự do ở độ cao hàng nghìn m, trong đợt nhảy dù tại Thái Lan vừa qua. |
Một nhân vật khá đặc biệt, được nhiều học viên đặt cho cái tên "võ lâm đại cao thủ" - đó là phi công, chuyên gia dù Stephane Bulkaen đang làm việc tại một công ty bảo vệ ở TP HCM. Stephane là người Pháp, lấy vợ và sống ở Việt Nam đã được 15 năm, nói tiếng Việt rất tốt. Trò chuyện với Stephane sau chuyến tham gia ngày hội nhảy dù thường niên diễn ra tại Thái Lan vào giữa tháng 3 vừa qua mới biết thêm, "võ lâm đại cao thủ" này có thâm niên nhảy dù hơn một chục năm, gần như những cuộc thi nhảy dù trên thế giới anh đều không bỏ lỡ. Tính đến nay, số lần Stephane nhảy dù ước khoảng hơn 1.500 lượt.
Stephane kể: "Tôi vừa qua bên Thái Lan nhảy dù được 25 lượt. Thích lắm! Hàng trăm người trên 4 chiếc máy bay ở độ cao hơn 6.000m cùng nhảy xuống một lúc và kết nối lại thành hình một bông sen, trông rất tuyệt...". "Anh nhảy dù chuyên nghiệp vậy, tại sao còn tham gia lớp học này?". Stephane cười thân thiện: "Đi học cho vui. Làm quen được với nhiều bạn bè người Việt". Trong lúc trò chuyện, đại uý Chiên - huấn luyện khoá học - tiến đến hỏi thăm: "Chuyến đi nhảy dù ở Thái Lan vui không, Stephane?". Stephane trả lời nhanh bằng một cái giọng lơ lớ: "Hay chết!". Đại uý Chiên nghe không rõ lại tưởng "hai người chết", nên trố mắt hỏi tiếp: "Làm sao chết? Sự cố à?". Lúc này, Stephane cười và nói chậm rãi từng chữ một: "Hay... chết... được".
Người tham gia nhảy dù cần nắm vững và thực hành thuần thục 3 động tác cơ bản: Rời cửa máy bay, điều khiển dù và xuống tiếp đất. Đây là 3 động tác quan trọng đối với người nhảy dù, chỉ cần sơ suất đều có thể gặp không ít nguy hiểm như: Dù vướng vào máy bay, xoắn dây dù, dây dù vắt qua đỉnh vòm dù, dây dù vướng vào chân (đối với động tác rời cửa máy bay không tốt); hay người nhảy dù phía trên rơi vào đỉnh vòm dù người dưới, người trên chui vào dây dù người dưới (khi điều khiển không đúng cách).
Đặc biệt, động tác tiếp đất cực kỳ quan trọng, quyết định người nhảy dù có an toàn và thành công hay không. Tiếp đất không chuẩn có thể khiến người nhảy dù bị gãy chân, chấn thương, trầy xước... Vì vậy, sau những buổi học lý thuyết, tất cả học viên đều ra bãi tập đi tập lại những động tác nhảy dù trên các bệ mô hình cao khoảng 2m. Ai nấy đều miệt mài tập luyện, mặc cho thời tiết oi bức và nắng rát cả mặt. Một số học viên nói với nhau: "Hãy chịu khó tập nhuần nhuyễn ở độ cao 2m để được nhảy ở độ cao 1.000m".
Ngoài 3 động tác cơ bản, người nhảy dù cũng được huấn luyện kỹ một số phương pháp xử lý bất trắc ở trên không, mặt nước, mặt đất. Khi nghe giáo viên kể một loạt bất trắc xảy ra với những người nhảy dù thời gian gần đây như: Dù rơi vướng vào dây điện cao thế, vướng dù ở cửa máy bay, dù chính không mở..., không ít người tỏ ra rất lo lắng. Anh Chu Hoàng Việt ngồi cạnh tôi thì thào: "Dù không mở chỉ có nước toi mạng. Hấp dẫn đâu chưa thấy, sao mà nghe hồi hộp quá trời".
Thậm chí có học viên còn phát biểu: "Đáp được dù xuống đất, chắc quần ướt nhẹp"... "Các bạn yên tâm. Cố gắng thực hành thật tốt và tự tin, bình tĩnh sẽ không gặp trở ngại gì cả. Chẳng may gặp các sự cố trên không hoặc khi dù rơi với vận tốc nhanh, thì cứ việc bung dù phụ" - thấy lớp nhốn nháo, giáo viên liền bày cách. Mấy cô ngồi sau nghe vậy bèn nói: "Chắc chị em phải mặc thêm cái váy nữa để phòng khi cả dù phụ cũng không bung ra".
Theo trung tá Nguyễn Hoài Nam - Chủ nhiệm CLB, dự kiến từ 23-28/4, CLB tổ chức cho học viên nhảy dù thực tế ở sân bay Biên Hoà - Đồng Nai. Trước đó, CLB sẽ cho học viên đi máy bay trực thăng để làm quen với độ cao.
(Theo Lao Động)