![]() |
Trước khi chọn trung tâm phải cân nhắc hai điều: Mục đích học và túi tiền |
Các trung tâm ngoại ngữ mọc nhiều hơn nấm. Cao cấp có, thấp cấp cũng nhiều. Trước khi chọn trung tâm phải cân nhắc hai điều: Mục đích học và túi tiền.
Các trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở Hà Nội hiện có thể chia làm 3 nhóm:
- Top đầu có thể xét đến Hội đồng Anh, Apollo, Language Link, Oxford… chất lượng đào tạo được đánh giá tốt và học phí tỷ lệ thuận với chất lượng.
- Nhóm bình dân cao cấp như SITC, London - Cambridge, Việt Anh… học phí khoảng từ 1,5 đến 3 triệu.
- Và cuối cùng là các lớp bình dân do người Việt mở, học phí chỉ vài trăm nghìn đồng một khóa.
Ngoài ra những lớp học tư của các “cây đa, cây đề” người Việt có uy tín như thầy Thái Bá Tân luyện dịch ở Bách Khoa, thầy Nghiêm ở Kim Mã, thầy Hoàn ở Trần Hưng Đạo… cũng thu hút nhiều người học.
Mỗi người có một thế mạnh và phong cách riêng. Thầy Tân luyện dịch cực kỳ hài hước, học vui nhưng quá đông, hơn 200 người/lớp. Học phí chỉ 100.000/tháng hoặc 150.000/tháng. Sinh viên xứ Nghệ được giảm một nửa học phí.
Nếu chọn trung tâm “xịn”, ngoài điều kiện trang thiết bị như phòng máy lạnh, cách âm, có máy tính, TV, DVD, máy chiếu thì bạn có thể yên tâm về chất lượng giáo viên. Còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa như party, dancing, picnic, CLB Tiếng Anh, chiếu phim cùng dịch vụ đi kèm như cơ hội du học, học bổng, tài liệu thông tin.
Với các trung tâm bình dân, chọn giáo viên là điều quan trọng. Đừng coi thường những người trẻ. Họ là những người thường tiếp cận với cái mới và cũng là những người nhiệt tình nhất. Tạo mối quan hệ tốt với giáo viên, coi họ là những người bạn, họ có thể giúp bạn rất nhiều. Đôi khi tìm được thầy tâm huyết ở một trung tâm trung bình cho bạn hiệu quả không ngờ.
Ngọc Lan, SV Kinh tế, vừa thi TOEFL đạt điểm cao, chia sẻ với Sinh Viên Việt Nam: “Nên học ở lớp trình độ phù hợp. Lớp cao quá khiến bạn trở thành kẻ ngoài cuộc trong những tình huống giao tiếp, dễ nảy sinh tâm lý chán nản. Mình là người khá trong lớp, sẽ có cơ hội được nói nhiều hơn, được giáo viên chú ý hơn và sẽ tự tin, hứng thú hơn”.
Một lời khuyên chung cho những người học ngoại ngữ là cố gắng tạo cho mình một môi trường tốt. Linh Chi kể: “Vừa học, tôi vừa gõ cửa các quán bar, bán hàng cho người nước ngoài. Có thu nhập lại được “xì xồ” ngoại ngữ. Đến năm thứ 3 mình đã có thể tự tin đi dịch nói, năm thứ 4 săn được học bổng sang Mỹ học tiếng”.
Phòng 310, Ký túc xá ĐHQG HN cũng đang trong quá trình tạo ra môi trường Anh ngữ. Ai không chấp hành phạt 5.000 đồng/lần vi phạm. Giấy dán tường toàn màu trắng để ghi tiếng Anh, giấy note stick vàng dính từ cửa đến “khu sau”. Tối tối, sau 11h là giờ giới nghiêm ngoại ngữ. Giường nọ thi với giường kia học thuộc cấu trúc.
“Sư phụ” của cả phòng là Hồng Đức, SV năm cuối ĐH ngoại ngữ, giúp họ chiến đấu với những bài khó. Thế là từ 1-2 người “nhai” từ mới, đến nay từ nào một người biết là cả phòng đều biết, bài tập của một người là bài tập chung của cả phòng.
Những tên lười nhất cũng phải dán giấy lên tường, thua cuộc, sẽ phải mua xôi cho cả phòng. Ngày nghỉ cuối tuần, cả phòng lại lên hồ Gươm giải trí và thực hành tiếng Anh với khách du lịch.