Học viên lớp gia chánh Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM. |
Không chỉ Hằng, nhiều bạn gái hiện nay trước ngưỡng cửa hôn nhân cũng tranh thủ “lận lưng” vài khóa học làm... bà xã tương lai.
“Cô ơi, cho nửa muỗng tiêu, chút muối, bột nêm ngần này đủ không vậy?”, “Sườn xắt như vậy vừa chưa cô?”… Các “đầu bếp gia đình” tương lai liên tục “chất vấn” người hướng dẫn một lớp nấu ăn gia đình (sáng thứ sáu) tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM như thế. Đứng gần với chảo sườn đang rim, bạn Thu Hương (quận 1) vừa cầm cuốn tập vừa viết rất cặn kẽ: “Món xíu mại có nặn sườn thì sườn non xắt nhỏ thôi, ướp một hồi mới cho vào chảo rim kỹ, thịt bằm vo tròn, để miếng sườn vào giữa, cà chua xẻ nhẹ bốn cánh trước khi luộc dễ bóc vỏ...”. Hương thú thật: “Ở nhà bao nhiêu việc đã có mẹ và người giúp việc làm hết. Cuối năm dự tính lên xe hoa nên đi học cho biết nấu ăn với người ta”.
Chiều, vừa tan sở làm, vẫn còn trong bộ trang phục công sở, Nguyễn Bảo Khánh vội vàng phóng đến Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM với lớp nấu ăn gia đình. Khánh dí dỏm: “Nghe nói đường đến trái tim chàng là phải đi qua cái bao tử mà”. Kết thúc khóa nấu ăn gia đình, Khánh tiếp tục “luyện” tay nghề với khóa nấu ăn đãi tiệc, lớp hướng dẫn làm bánh để “phòng khi nhà có tiệc tùng…”. Riêng lý do đến với lớp học nấu ăn của Tuyền, một học viên nơi đây, khá đơn giản: “Tôi muốn học bằng được cách nấu bún bò Huế vì ông xã tương lai của tôi rất thích món này”.
Ngoài chuyện các bạn gái chủ động trang bị kiến thức nữ công gia chánh trước khi làm dâu cũng có những nàng được chàng “dìu dắt” đi học. Là con trai một, biết chắc cưới vợ sẽ không thể ra riêng, anh Nguyễn Bá Dũng, kỹ sư cơ khí, đã cùng bà xã tương lai dành ngày nghỉ chủ nhật để vào “chơi” ở… lớp nấu ăn tổng hợp. Anh Dũng chia sẻ: “Ở nhà mẹ rất quan tâm đến bữa ăn, luôn đổi món sao cho gia đình ngon miệng. Hai đứa cùng đi học để cô ấy tập... hội nhập với nhà chồng sau này”.
Không chỉ trang bị kiến thức nữ công gia chánh làm “hành trang” về nhà chồng, nhiều bạn gái còn quan tâm đến chuyện ứng xử với gia đình chồng thế nào cho phù hợp. Chuẩn bị việc trọng đại cả đời, Phi Yến đã có thêm kiến thức từ lớp “tiền hôn nhân” do Cung văn hóa Lao động TP HCM tổ chức. Sau ba năm sống với gia đình chồng, Yến chia sẻ: “Nhờ thầy trao đổi cách xử lý những tình huống của cô dâu mới về nhà chồng hồi trước, mình đã giải quyết ổn thỏa những lấn cấn ở gia đình mới”.
Chuyên đề “Cô dâu mới và những mối quan hệ với nhà chồng” do Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM tổ chức vừa qua đã thu hút hàng trăm bạn gái trẻ tham dự. Cùng tham gia xử lý những tình huống của cô Lý Thị Mai, phó giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, nhiều bạn đã “thực tập” để chuẩn bị tâm lý về làm dâu nhà người. Thanh Trúc (nhân viên bán hàng) thú thật: “Mình cứ nghĩ lấy chồng thì về sống chung với anh ấy thế thôi, ai dè làm dâu nhà chồng sẽ có rất nhiều mối quan hệ mà ứng xử không khéo dễ căng thẳng”.
Hôn nhân, con đường mới có thừa sự ngọt ngào nhưng cũng không kém phần chông gai. Sau khi “thọ giáo” người đi trước, bạn Nguyễn Thị Lan Vy tìm đủ cách thuyết phục người yêu cùng đăng ký lớp học tiền hôn nhân để “vừa biết kiến thức về tâm sinh lý trong đời sống vợ chồng, vừa biết cách ứng xử với bên gia đình chồng”, Vy chia sẻ.
Có bạn không kịp đăng ký các lớp tiền hôn nhân (các nhà văn hóa tổ chức không thường xuyên) đã “học nói” tại lớp nghệ thuật giao tiếp. Bạn Trần Thị Thu Trang nói vội tại phòng ghi danh của Nhà văn hóa Phụ nữ: “Tôi đăng ký theo khóa nghệ thuật giao tiếp để biết cách nói chuyện... dễ thương, và quan trọng là tự tin hơn trong giao tiếp, trước hết với những thành viên gia đình ông xã tương lai”.
(Theo Tuổi Trẻ)