Vì vậy nếu chẳng may người bạn đời của bạn cũng đang buồn rầu, chán nản về một vấn đề nào đó, bạn hãy thể hiện sự quan tâm và tình yêu chân thành của mình, bằng những cách dưới đây.
Tránh nhắc lại chuyện cũ
Trong khi lắng nghe người bạn đời tâm sự, bạn nên tập trung vào vấn đề hiện tại của họ. Ngay cả khi bạn thấy rằng tình huống của họ có vẻ giống như họ đã từng trải qua thì cũng đừng nên thốt ra câu: “Lại giống chuyện ngày trước của anh (em) à?”. Như thế, người bạn đời của bạn sẽ cảm thấy hẫng hụt, như thể bạn đang xem đó là điều nhỏ nhặt, không đáng phải quan tâm.
Bạn cũng chớ nên liên tưởng vấn đề của bạn đời với một việc nào đó bạn đã từng trải qua rồi áp đặt cách giải quyết của bạn.
Không kết luận một cách bàng quan
Sau khi đã rõ bầu tâm sự của bạn đời mà bạn lại chỉ biết đưa ra kết luận một cách chung chung, với những câu an ủi tựa như “anh (em) cứ yên tâm đi, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi” thì người bạn đời sẽ hiểu rằng bạn chẳng mấy nhiệt tình giúp họ tìm hướng giải quyết.
Cho nên, dẫu có phải bận rộn vì nhiều công việc khác, bạn vẫn nên dành thời gian nỗ lực tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề cũng như làm vai trò của người tham vấn, cùng bạn đời tìm ra các giải pháp khác nhau giúp họ lựa chọn được cách tối ưu nhất.
Không kết tội, trách móc
Vì hạnh phúc, bất hạnh của người này cũng là hạnh phúc, bất hạnh của người kia, cho nên một khi bạn đời của bạn gặp thất bại, chắc chắn bạn cũng phải gánh chịu một phần nào. Đó là chưa kể trên thực tế, có những người vì thất bại trong công việc mà dẫn đến lụi bại cả gia sản.
Nếu bạn vì quá sợ hãi hoặc thất vọng về bạn đời mà chỉ trích, trách móc họ thì vấn đề cũng chẳng vì thế mà được giải quyết. Ngược lại, nó càng làm cho quan hệ vợ chồng giữa các bạn thêm căng thẳng, càng đẩy bạn đời của bạn vào hố sâu tuyệt vọng hơn nữa.
Không đứng ra giải quyết thay mọi vấn đề
Thông thường, khi bạn đời của chúng ta gặp khó khăn, họ sẽ tìm đến những người thân yêu để nhận được sự cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp họ có thêm sự tự tin vào bản thân. Tuy nhiên, có một số người vì quá yếu đuối hoặc mệt mỏi lại trông đợi một sự làm thay, làm giúp.
Vì tình yêu với người bạn đời, có thể bạn sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm nặng nề đó thay cho họ. Tuy nhiên, về lâu dài, đó không phải là một phương án tối ưu. Bởi một khi sự hỗ trợ đó lại trở thành sự giải quyết thay, bạn đời của bạn sẽ không có cơ hội rút kinh nghiệm cho những việc làm của mình để tránh lặp lại ở những lần sau.
Không ngừng động viên tinh thần
Khi phải đối mặt với thất bại, lẽ dĩ nhiên trong đầu người bạn đời của bạn sẽ luôn thường trực sự buồn chán, u uất. Hãy giúp người ấy xua tan những cảm xúc tiêu cực bằng cách lôi kéo họ vào những hoạt động chung của gia đình như: đi tham quan, picnic cuối tuần, thăm thú bạn bè... hoặc đơn giản là chỉ có hai người ngồi với nhau để ôn lại những kỷ niệm vui trong cuộc sống vợ chồng. Khi người ấy cảm thấy vui vẻ hơn, bạn cũng cảm thấy tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhõm hơn trước khó khăn.
Không chỉ nói mà hãy hành động
Những lời an ủi, động viên của bạn dành cho bạn đời là vô cùng cần thiết, nhưng hành động của bạn còn đáng giá gấp vạn lần. Hãy hỏi người ấy để biết bạn có thể giúp đỡ họ bằng việc làm cụ thể nào và thể hiện thái độ nhiệt tình, tích cực khi thực hiện. Trong quá trình đó, luôn dành thời gian trao đổi để biết cách bạn thực hiện liệu có đúng với ý của người ấy cũng như họ có cần sự hỗ trợ nào khác không. Chắc chắn sự quyết tâm của bạn sẽ sớm giúp bạn đời vượt qua được mọi điều không may.
(Theo Hạnh Phúc Gia Đình)