Đây là vụ án từng gây chấn động trong giới kinh doanh văn hóa phẩm ở VN giữa năm trước.
Tại phần thẩm vấn, bị cáo Lê Kim Dung, nguyên nhân viên kế toán phụ trách ngân hàng của Fafilm TP HCM, đã thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số lãnh đạo của Fafilm cũng thừa nhận sai sót do tin tưởng Dung nên mới dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, đại diện Fafilm cho rằng, cáo trạng truy tố Lê Kim Dung chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng của Fafilm là chưa thỏa đáng vì "đó là khoản tiền mà các đối tác của Fafilm nhờ Dung nộp vào tài khoản Fafilm. Số tiền Dung chiếm đoạt là của các đối tác trên. Còn số tiền mà Fafilm đã chuyển vào tài khoản của các đối tác là đã được chuyển trước". Trả lời thẩm vấn, bị cáo Dung cũng cho rằng mình chiếm đoạt tiền của các hãng phim chứ không phải chiếm đoạt của Fafilm TP HCM.
Theo cáo trạng, từ năm 2000 đến 2002, Công ty Fafilm và hãng TVB1 Hong Kong ký kết một số hợp đồng kinh tế với nội dung TVB1 cung cấp băng hình, đĩa VCD do mình sản xuất để Fafilm TP HCM in sang, phát hành và chiếu tại các rạp và chia lợi nhuận. Fafilm thanh toán bằng tiền đồng VN hoặc chuyển tiền về tài khoản của TVB1 bằng USD qua ngân hàng Ngoại thương TP HCM.
Do không có tư cách pháp nhân tại VN nên TVB1 đã nhờ Fafilm mua USD và chuyển về tài khoản của hãng ở Hồng Kông. Từ năm 2001 đến 2003, TVB1 nhờ Fafilm chuyển 9 lần với tổng số tiền là 415.000 USD.
Lợi dụng sự tin tưởng của chị Hồ Mỹ Hoa (nhân viên đại lý của TVB1 ở TP HCM), sau khi nhận tiền, thay vì đổi ngoại tệ, gửi vào tài khoản công ty rồi chuyển cho đối tác, Dung lại đút vào túi riêng của mình.
Cũng với thủ đoạn trên, trong quá trình "giúp" hai đối tác của Fafilm là Pro-Vision (Canada) và San Yang, Dung cũng qua mặt 2 hãng trên, báo cáo gian dối với lãnh đạo Fafilm để các vị này ký lệnh chuyển số tiền gần 170 triệu đồng.
Theo khai nhận của Dung, để qua mặt được lãnh đạo Fafilm trong việc nộp tiền vào tài khoản tại ngân hàng Ngoại thương, Dung đã làm giả giấy nộp tiền của ngân hàng bằng cách lấy giấy nộp tiền ở quầy giao dịch ngân hàng, sau đó dùng con dấu giả "Đã nhận tiền" đóng lên. Khi nhận sổ hạch toán chi tiết (sổ phụ) từ ngân hàng, Dung làm một cuốn sổ hạch toán giả với số liệu được cân đối cho phù hợp số tiền đã chiếm đoạt.
Thay vì kiểm tra, lãnh đạo Fafilm chỉ tin tưởng và ký lệnh chuyển tiền ra nước ngoài cho các hãng phim. Sự việc bị phát hiện khi ngày 27/11/2003, bà Nguyễn Thu Hằng - trưởng phòng kế toán Fafilm - giao nhiệm vụ cho Dung và thủ quỹ ra ngân hàng rút 300 triệu đồng tiền mặt, thì thấy tài khoản tiền gửi của Fafilm không còn đủ. Thấy sự việc sắp bị phát hiện, Lê Kim Dung bỏ trốn, đến ngày 29/11/2003 bị bắt.
VnExpress cho biết, theo nhận định của cơ quan điều tra, các lãnh đạo của Fafilm là giám đốc Cao Văn Sâm, kế toán trưởng Phan Thị Chi Yến, trưởng phòng kế toán tài chính Nguyễn Thu Hằng, mặc dù đã kiểm tra công tác kế toán ngân hàng của Dung, nhưng chưa thực sát sao nên đã để cho Dung làm chứng từ giả chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng. Với sai phạm này, bà Hằng đã bị cách chức trưởng phòng kế toán tài chính, ông Sâm bị cảnh cáo và buộc phải có trách nhiệm cùng tập thể lãnh đạo công ty bàn các biện pháp khắc phục hậu quả số tiền bị chiếm đoạt trong thời gian ngắn nhất. Cơ quan điều tra nhận thấy, hình thức kỷ luật trên đối với lãnh đạo Fafilm là thỏa đáng nên không cần xử lý trước pháp luật.