![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị nhóm tư vấn cho VN. |
Một diễn tiến khác với mọi năm là Bộ Giao thông - vận tải ngay trong phiên họp mở màn sáng qua trình bày một báo cáo riêng về vụ PMU 18 và phái đoàn Nhật, nhà cung cấp vốn ODA hàng đầu cho VN, cử phái đoàn đông nhất (36 người) dự hội nghị, trong đó có nhiều viên chức đến từ Tokyo. Điều này cho thấy việc giám sát hiệu quả sử dụng vốn ODA ở VN đang là mối quan tâm lớn của cả Chính phủ lẫn các nhà tài trợ.
Năm 2005, mỗi người VN “nợ” nước ngoài 14 USD Số liệu của Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố tại hội nghị cho biết tổng giá trị giải ngân ODA năm 2005 đạt hơn 1,7 tỉ USD, chiếm 8,5% trong khoảng 20 tỉ USD tổng vốn đầu tư tại VN. Tuy nhiên, trong số viện trợ đã giải ngân này chỉ có 64% là vốn vay, còn lại là viện trợ không hoàn lại. Như vậy, trung bình mỗi người VN năm ngoái đã đi vay nước ngoài khoảng 14 USD. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thông báo trước mắt đề nghị sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoàn trả cho Nhật 4,126 tỷ đồng do việc PMU18 mua bốn xe sai chủng loại.
Sau đó, các xe “đã lỡ mua” sẽ được bán hóa giá, và yêu cầu những người làm trái bồi hoàn phần còn thiếu để trả lại ngân sách. Báo cáo của bộ cũng cho biết dự án nâng cấp quốc lộ 18 “có một số thiếu sót, tồn tại”, còn dự án cầu Phả Lại qua kết quả giám định độc lập và thị sát của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đều khẳng định “không nghi ngại về an toàn khai thác”.
Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori nói rằng vụ việc PMU18 tạo nên dư luận quan ngại từ bên trong Nhật Bản về việc tiếp tục viện trợ cho VN. Tuy vậy, ông vẫn tỏ ra lạc quan: “Tôi nghĩ cách Chính phủ đang xử lý vụ PMU18 hết sức nghiêm túc và đáng tin. Nhưng vấn đề là Chính phủ phải đưa ra cơ chế tổng thể để kiểm soát ODA trong tương lai. Hiện nay chưa có kết quả điều tra chính thức và tôi hi vọng quá trình điều tra vụ việc không bị chậm lại. Tuy nhiên, cam kết ODA của Nhật Bản năm nay sẽ cao hơn năm ngoái”.
Nhóm các nhà tài trợ đồng chí hướng (gồm 13 nhà tài trợ song phương) kêu gọi Chính phủ VN sớm tham gia công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (UNCAC). Nhóm này cho rằng “tham nhũng ở VN đã được “thể chế hóa” và được xã hội chấp nhận ở mọi cấp độ”. Tuyên bố của nhóm nêu rõ các thành viên sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ phát triển một chiến lược chống tham nhũng tổng thể với một kế hoạch hành động dựa trên cơ sở thực thi UNCAC. Trong khi đó, đại diện Thanh tra chính phủ báo cáo rằng: “Thủ tướng Chính phủ đang xem xét báo cáo kết quả chuẩn bị việc triển khai thực thi UNCAC ở VN để trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn”.
Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN Klaus Rohland tại hội nghị các nhà tài trợ 2006. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua trở thành thủ tướng đầu tiên của VN đối thoại với các nhà tài trợ kể từ khi hội nghị CG được tổ chức lần đầu năm 1992. Ông trấn an các nhà tài trợ bằng các thông điệp về nỗ lực chống tham nhũng và cam kết sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài. Nói về vụ PMU18, Thủ tướng khẳng định: “Vụ việc sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật và công khai cho toàn xã hội”.
Theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng của VN đã tiến hành kiểm toán và nghiệm thu các công trình do PMU18 quản lý, nhanh chóng yêu cầu nhà thầu khắc phục sai sót nhằm bảo đảm chất lượng các công trình từ vốn ODA. Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng trong năm 2006, nhận thức được sự nghiêm trọng của vụ việc, VN đã ban hành và sửa đổi một loạt văn bản pháp qui liên quan nhằm hoàn thiện và đổi mới thể chế quản lý ODA.
Chúng tôi khẳng định với các nhà tài trợ Chính phủ VN rất có trách nhiệm trong việc sử dụng ODA. Chúng tôi ý thức đầy đủ rằng vốn ODA là do đóng góp của nhân dân các nước để hỗ trợ VN. Mặt khác, đây cũng là một nguồn vốn vay mà VN phải trả theo đúng cam kết nên Chính phủ phải có trách nhiệm trước nhân dân trong nước. Chúng tôi nêu quyết tâm không phụ lòng tin của bạn bè quốc tế cũng như không thể để thế hệ mai sau của VN phê phán những người đi trước đã không quản lý hiệu quả nguồn vốn này. (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết tại hội nghị) |
Thủ tướng hi vọng VN sẽ giải ngân được 11 tỷ USD vốn ODA trong giai đoạn 2006-2010. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên sử dụng để xây dựng những công trình hạ tầng qui mô lớn ở Hà Nội và TP.HCM, các tuyến đường giao thông lớn nối Bắc - Nam, trục giao thông đông - tây ở miền Trung và hệ thống giao thông ở ĐBSCL.
Trong lần đối thoại trực tiếp với đông đảo các nhà tài trợ quốc tế này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiều lần nhắc tới việc phát huy dân chủ xã hội và quyền làm chủ của người dân. Ông nói việc đảm bảo dân chủ và các quyền tự do giúp tạo nên kết cấu xã hội ổn định. “Quá trình này là một quá trình liên tục hoàn thiện và phải phù hợp với tiến trình phát triển của VN. Rất mong các bạn quốc tế chia sẻ thực tiễn này. Với những điểm còn khác biệt, chúng tôi sẵn sàng đối thoại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại sứ Phần Lan Kari Alanko bình luận rằng sự xuất hiện của Thủ tướng tại hội nghị CG là một tín hiệu tích cực cho cộng đồng nhà tài trợ. Ông chia sẻ: “Chúng tôi được khuyến khích khi ngài Thủ tướng dành thời gian tới lắng nghe các quan điểm của chúng tôi. Các đại biểu quốc tế đánh giá rất cao điều này. Thủ tướng đã có phản hồi về hầu hết các vấn đề mà các nhà tài trợ nêu, bao gồm cả vấn đề tạo không gian hoạt động rộng lớn hơn cho báo chí như một trong những biện pháp chống tham nhũng”.
(Theo Tuổi Trẻ)