Ông Phan Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm (Sơn Tây) xử phạt hành chính họa sĩ đoàn phim Chuyện làng Bồm vì hành vi viết, vẽ, làm bẩn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được quy định tại Nghị định 38 của Chính phủ.
Chủ tịch UBND xã Đường Lâm yêu cầu họa sĩ đoàn phim khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu của giếng cổ. Việc xử phạt cũng là biện pháp răn đe với các đoàn phim, tổ chức, cá nhân khác khi đến làng cổ Đường Lâm thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm - cho biết hôm 9/11, êkíp cọ rửa phần vôi ve trên thành giếng. Tuy nhiên, việc cọ rửa làm mất lớp rêu phong tự nhiên bao quanh thành giếng. Ban quản lý đang tham khảo ý kiến các chuyên gia lĩnh vực tu bổ, lên kế hoạch phục hồi vẻ rêu phong.
Theo ông Thạo, thông thường các đoàn muốn quay phim phải liên hệ phòng Văn hóa Thông tin xã Đường Lâm, viết đơn xin phép, văn bản cam kết để ban quản lý phối hợp giám sát. Êkíp Chuyện làng Bồm chỉ xin phép miệng mà chưa thực hiện đầy đủ các bước theo quy định. "Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát, quản lý để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc tại các di tích", ông nói.
Hôm 7/11, người dân làng cổ Đường Lâm phát hiện một đoàn phim tự ý tô màu, làm mới giếng cổ ở đình Mông Phụ. Để xây dựng bối cảnh cổ xưa, các thành viên đoàn phim dùng vôi ve màu đỏ phủ lên bề mặt giếng, dùng bút vẽ màu đen phủ trát tạo hình viên đá ong.
Nhận phản ánh của người dân chiều 8/11, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm yêu cầu dừng quay phim và khắc phục hậu quả, hoàn trả hiện trạng ban đầu của giếng.
Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào ngày 19/5/2006. Đường Lâm gồm chín làng, trong đó năm làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng nghìn năm nay không thay đổi. Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Hệ thống đường của Đường Lâm rất đặc biệt vì có hình xương cá. Đình Mông Phụ đặc trưng cho đình Việt truyền thống, được xây dựng năm 1533 trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng, rộng khoảng 1.800 m2. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ 19. Đình Mông Phụ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984. |
Đông Vũ