Ma Văn Kháng
Sau, anh nghĩ có lẽ là nhờ ở mảnh vườn nhỏ trước nhà. Mảnh vườn có một cây bồ kếp hoa vàng, hai gốc cam sành, một cây ổi, một cây mít tơ, vài cây cau và chen chúc ở dưới tầng thấp là dược thảo và hoa các loài, với hàng rào dâm bụt vây quanh ba phía. Mảnh vườn chỉ có vậy, nhưng toàn bộ hiện thực hình như lại không nằm trong cái hiện hữu đo đếm được, nó còn tồn tại ở dạng tiềm ẩn, như một tiếng nói thầm chưa được phát ra. Mảnh vườn được chăm tỉa kỹ càng, nhưng vẫn có cảm giác nó tồn tại chỉ là để nhằm trình bày một trạng thái cân bằng, điềm đạm và mơ màng ước vọng thôi. Mảnh vườn toả bóng vào tâm hồn Đông, vật phân thân của anh.
- Hoa à! Anh muốn nói với em một câu nữa. Em hãy nghĩ lại một lần nữa đi.
Tiếng Đông nhẹ như hơi gió từ mảnh vườn thổi qua khuôn cửa, lạc lối vào nhà. Và anh biết, cũng như hơi gió vô tình kia thôi, đó là một lời nói vô nghĩa. Hoa, người vợ sắp chia tay anh, một vóc hình đầy đặn, một khuôn mặt trăng rằm, không đáp lời anh, lặng lẽ xếp nốt mảnh áo mưa vào chiếc va li đã mở nắp trong cái dáng hơi cúi xuống, lộ vầng trán phẳng và cái dọc mũi cao xinh xắn của chị lấm tấm mồ hôi. Có lẽ lúc đó chị cũng có phần xúc động. Anh hiểu chị. Chị là nữ diễn viên chèo. Chị đa cảm như bản chất nghệ sĩ.
Chị đang xúc động, anh nhận ra thế, vì nhìn thấy mắt chị đẹp như mắt vẽ lúc này nhớt nhát ánh nước. Anh nhận ra thế, khi chị ngẩng lên, đưa mắt nhìn căn buồng nhỏ, cái nhìn lần cuối trước khi ra đi. Nghĩa là khi dứt áo ra đi chị cũng áy náy, cũng bứt rứt, dù là tí chút. Nghĩ vậy, anh thở ra nhè nhẹ, anh thấy được an ủi. Có thế chứ! Vì lẽ nào chị không hiểu rằng những ngày gian khó nhất của chị và anh đã qua. Ôi, lấy nhau mười năm thì năm năm trời là vật lộn với miếng ăn, việc nuôi nấng hai đứa con thơ. Anh dạy học. Lương ông giáo trơ hoẻn không đủ đút miệng. Chị theo đoàn đi diễn, dù là đóng đến vai chính như Xuý Vân, cũng không đủ ăn, nếu không biết chắt bóp tằn tiện, bòn mót bán từ quả cam quả ổi, mớ bồ kếp trong mảnh vườn nhỏ này.
Nhưng mà chẳng lẽ trong tâm ức chị chỉ rặt những kỷ niệm u buồn? Không, những ngày gian khó nhất đã qua đi như tất yếu của phép biện chứng khổ tận cam lai. Hai đứa con sởn sơ. Anh đỡ gầy gùa, dẫu anh đã sống với một tình yêu có đặc điểm là từ bỏ bản thân mình. Còn chị, lúc này chị đã có thể chuyên tâm vào vai diễn của mình. Xuý Vân, một vai diễn nặng, riêng màn nàng giả dại mệt bẳng cả một đêm diễn các vai khác. Chị vào vai nhuần nhuỵ đến mức mỗi đêm diễn xong, mãn nguyện sung sướng như biến đổi cả tâm tính. Anh à, diễn xong, em vào hậu trường thì có một ông trung niên bước vào: Thưa chị, chị cho phép tôi hỏi: Mái tóc dài mượt như huyền thoại của chị là thật hay là giả? Anh có biết em trả lời ông ta thế nào không? Em bỏ cặp, thả cả mớ tóc xoã xuống tận khoeo chân em. Cả một thác nước đen huyền. Trời! Người nọ kêu to sung sướng. Anh có biết bí quyết gì mà tóc em dày và mượt thế không? Chị lay vai anh và nhí nhảnh như thiếu nữ bảo rằng: đó là vì chị năng gội đầu bằng quả bồ kết hái từ cây, bồ kết ở trong vườn nhà. Náo nức hiện ra ở trong giọng nói. Chị bỗng biến thành kẻ đa ngôn và nhiều khi sâu sắc nữa. Vai diễn đâu có phải chỉ là những câu hát và những động tác hình thể. Chị khoe với anh rằng, chủ đề của vở chèo Xuý Vân trước đây chị vẫn đóng là phê phán thói bạc tình của đàn ông. Còn bây giờ, sở dĩ chị đóng vai này trội bật hắn lên, là vì ông đạo diễn đã xoay đổi chủ đề vở diễn sang trách cứ người đàn bà nhẹ dạ, và chị là người đầu tiên thể hiện thành công chủ đề này.
Cầm chùm bồ kết, từ mảnh vườn, anh bước vào nhà và đặt nó lên chiếc va ly đã đóng nắp của chị. Cám ơn anh. Chị nói khe khẽ, không ngẩng lên. Rồi nhấc chùm bồ kết bỏ vào túi xách tay và đứng dậy, nhìn đồng hồ tay. Còn một giờ nữa. Mười giờ có chuyến bay Hà Nội - Paris.
***
Chuyện buồn thế mà không lọt ra khỏi cửa, nếu không phải là người có gan lớn, thì ắt hẳn còn có lý do ngoại cảnh. Đồng là thế. Ngoài giờ dạy, anh chăm chút mảnh vườn. Hái hoa kim ngân, tỉa lá cây bạch đồng nam, vun gốc cam, bẻ cành khô cây bồ kết, công việc quay vòng tuần hoàn. Cây lá không chỉ là cây lá. Cây lá còn là hương thơm sắc màu, là nhịp điệu thời gian và hy vọng. Thêm nữa, về lâu dài, con người không thể sống mãi trong khinh miệt và hận thù. Huống hồ, cạnh anh còn bạn bè.
Ông giáo Tuân bạn anh, có căn nhà hai tầng, một bận đi dạy học về, giữa ban ngày bắt gặp cảnh vợ mình đang say đắm trong cuộc tình với người học trò cũ. Lặng lẽ ông đi lên gác trên và từ đó lấy căn gác làm nơi trú ngụ, sau khi được người vợ trả lời rằng: chị không còn yêu ông, chị đã yêu người học trò nọ.
- Tình yêu bao giờ cũng đi xa hơn lẽ phải thông thường.
Đến chơi với Đồng, ngồi uống nước trà ở hàng hiên, nhìn ra mảnh vườn yên tĩnh đã thưa lá khi vào thu, ông giáo Tuân nói. Hai người đàn ông quay lại nhìn nhau. Liệu có ai trên thế gian này có nỗi đau đời ê chệ hơn họ không?
Đồng lẩm bẩm nhắc lại câu nói của ông giáo Tuân, rồi khe khẽ thở dài. Thật sự, anh vẫn nhớ Hoa nỗi nhớ nôn nao. Nhưng trong cảm nhận sự trống vắng bóng hình người phụ nữ vẫn thấy nó hao hao giống như những ngày chị đi diễn ở những nơi xa.
- Thời gian là ngọn gió lớn, dai dẳng, nó sẽ sẵn sàng thổi tắt nghỉm những cuộc tình ngắn ngủi.
Bất thần, nghe câu nói gần như buột miệng của Đồng, ông giáo Tuân liền bỏ cặp kính viễn, ho hó cặp môi nhỏ, khe khẽ kêu.
- Sao? Anh định nói gì, Đồng?
- Đó là một câu thơ của một nhà thơ tôi yêu.
- Tôi biết. Nhưng sự thể câu chuyện là thế nào.
Chẳng lẽ, chỉ là một lần chị ấy lưu diễn ở Paris?
Ông giáo Tuân nói vội vã. Vội vã vì biết rằng Đồng sẽ không bao giờ trả lời. Đừng động vào cây mùa lá rụng. Lại một tứ thơ của một nhà thơ Đồng yêu như chợt đến với ông.
Trên mảnh vườn, trời thu lúc ngả chiều ngổn ngang mây xám.
***
Thương Đồng gặp điều bất hạnh, bà nội từ Hưng Yên lên đón hai đứa con anh về quê. Bà cụ bàn, hay là bán mảnh vườn, căn nhà này đi, xin chuyển về dạy ở trường huyện, phần nữa cũng là để Đồng kế thừa mảnh vườn, căn nhà của mẹ ở làng quê. Bà cụ có còn ai là con trai nữa đâu, ngoài anh. Thấy anh im lặng, bà cụ chép miệng. Người tiếc còn chẳng được, tiếc gì đất đai, nhà cửa. Đồng vẫn không nói. Lòng dạ dẫu ngổn ngang thì vẫn đang rì rầm chảy một dòng hoài niệm trong trẻo thương nhớ. Con người sống theo cảm xúc bằng bản năng, biết đâu là dại, biết đâu là khôn, là may, là rủi mà lường.
Hết giờ dạy học, soạn bài, chấm bài, Đồng lại một mình một bóng tha thẩn trong mảnh vườn. Bồ kết ra hoa, bồ kết kết quả. Quả bồ kết xanh xanh ngả sang vàng tro, rồi đen bóng như sừng. Ông giáo Tuân đến xin mấy quả về đốt trong buồng thằng cháu nội ba tuổi đang lên sởi.
- Bồ kết làm không khí thanh sạch. Đồng nói: Hồi chiến tranh, tôi làm cần vụ kiêm trợ lý văn hoá cho một ông tướng, cứ ba ngày một lần tôi phải đốt bồ kết xông căn nhà hầm cho ông.
Câu chuyện chỉ dừng ở đó. Còn đoạn Đồng gặp Hoa trong đoàn văn công đến biểu diễn ở binh trạm, anh không nói. Những ngày ấy nhẹ và thơm như một làn hương vương vấn mãi, và mơ hồ như không có thực.
Ông giáo Tuân nói:
- Đứa cháu nội là một liều tiên dược với tôi. Càng sống càng thấm thía, cái nghĩa sâu kín của cuộc đời đi mãi vẫn không hết.
Đồng im lặng. Đồng biết, cũng như Đồng, ông vẫn không nguôi thương nhớ người vợ bạc bẽo nọ. Gần đây, chị cùng gã chồng trẻ chuyển cư vào Sài Gòn. Gã đàn ông thật sự là một kẻ cả thèm chóng chán. Mà tình yêu thì không phải là một cuộc phiêu lưu, không phải một sự việc tự đặt ra để thoả mãn tính tò mò. Nghe nói, giờ chị sống trong sự hắt hủi của gã. Thằng cha trẻ hơn chị cả chục tuổi. Bốn mươi nhăm tuổi, chị đã ở bên kia dốc của đời người rồi.
- Khi cô ấy chuyển cư vào Nam, rao bán cái căn nhà dưới, tôi đã có ý khuyên, nên giữ lại để phòng thân - Ông giáo Tuân kể. Nhưng cô ấy không nghe. Chắc là sợ tôi chiếm lại. Chậc, ra toà rồi, nhà cửa, tài sản chia đôi hết, tôi chiếm lại sao được. Anh có biết cái bi hài khi phân chia tài sản không? Hai tầng nhà, mỗi bên một. Hai cái nồi, mỗi bên một. Cứ thế, đến cái quạt tai voi. Cô ta bảo: Anh lấy cái cánh, tôi lấy cái bầu. Thật là cưa đúc đục suốt, thật là cạn tàu ráo máng!
- Trời!
- Tất nhiên, ai lại thế. Tôi bảo: Thôi, cô lấy hết đi.
Tôi cho cô ấy tất. Hừ, người còn không tiếc nổi, huống hồ...
Thốt kêu thầm trong lòng, Đồng ngẩn ngơ trong xót xa, và đăm đăm nhìn ông giáo, bỗng thấy kính trọng ông vô cùng. Dẫu sao thì Đồng vẫn còn may mắn hơn ông. Đồng chưa mất hết. Đồng còn mảnh vườn, mảnh vườn cho anh sự cân bằng, yên tĩnh và những ước ao, mơ mộng.
Mùa đông năm ấy rét se sắt. Cây cối trong vườn rụng lá nhiều hơn mọi năm. Riêng hàng rào dâm bụt vây quanh hoa nở rộ, đỏ gay gắt, xa xỉ và phung phí vô cùng, đến độ mỗi sáng trở dậy, ra vườn thấy chúng, Đồng lại ngẩn ngơ: Hoa định kết thành dải băng lớn đón chào nỗi vui nào vậy? Sau này, một đêm cuối mùa đông, đang hậm hụi lao lưỡi thuổng để bưng đi một gốc cau ra khỏi bóng râm của cây mít, Đồng bỗng dừng tay. Hình như có tiếng ai đó vừa mở cửa vườn bước vào. Thót tim, Đồng đứng lặng. Lạnh rợi mà trán Đồng nháng một lớp mồ hôi mỏng. Cạnh nơi anh đứng, hoa nhài nở trắng rười rượi, loa loá cả một vùng đất. Sát khóm nhài, trên cái chồi lớn xanh ngắt, một đoá ngọc trâm đang xoè cánh, trắng và lớn như hoa đại. Vương vương trong không khí anh hít thở là hương thơm của các loài hoa nở đêm. Hoa không chỉ là hoa, hoa còn là giấc mơ của con người.
- Ai đó?
Thảng thốt, Đồng quay lại phía sau, ngơ ngác như giữa chiêm bao. Cuộc sống, nếu không còn mong ước thì chẳng có gì để mất cả nữa, thì thật sự là chẳng nên sống làm gì nữa!
Mùa đông năm ấy qua, mùa xuân năm sau tới, như đêm qua ngày tới, không hấp tấp, vội vàng, vì chẳng có toan tính, cũng chẳng vì xót thương ai. Thời gian như ngọn gió lớn thổi bền bỉ qua tất cả những ngọn lửa tình. Càng nghĩ, càng thấy cái nghĩa sâu kín của đời sống ân tình chẳng bao giờ đi thấu tới tận cùng được. Đêm ấy, Đồng mơ một giấc mơ rất kỳ lạ. Anh đang đánh cây cau non trong vườn thì thì Hoa vợ anh đẩy cánh cửa vườn bước vào. Ôi, Hoa đã về! Vợ anh, người anh yêu quý không gì sánh nổi đã trở về. Vẫn gương mặt hồn hậu xinh đẹp ấy. Vẫn mái tóc dài mượt mà như huyền thoại được nuôi dưỡng bằng nước bồ kết hái trong vườn nhà. Nhưng chị khóc nghẹn ngào và day dứt. Chị nói: Anh mắng em đi. Anh đánh em đi. Em đã phản bội anh. Sao em ngu dại, hư hỏng thế!
Ông giáo Tuân đến chơi. Đồng kể lại giấc mơ nọ cho ông nghe.
Nghe xong, ông nói: Tôi tin sẽ là như thế! rồi ông ngả người lên lưng chiếc ghế mây, đưa mắt lặng lẽ ngắm nhìn mảnh vườn trước mặt. Ông ước có được một mảnh vườn nho nhỏ như của Đồng.