Trước đó, khi cùng đội bóng Ngân hàng Công thương Việt Nam dự tranh Cup Hoàng gia Thái Lan, Kim Huệ đã đạt được thỏa thuận sang đầu quân cho CLB Danish Nongrua trong mùa 2015-2016. Đại diện CLB ngành ngân hàng Việt Nam cũng đồng ý, thậm chí Huệ và đội bóng Thái còn thống nhất các điều khoản cơ bản về lương thưởng, chế độ sinh hoạt, di chuyển.
Trong đó, mức lương cứng cô nhận được sẽ ngang ngửa với Ngọc Hoa đang thi đấu cho Bangkok Glass, không dưới 3.000 USD hàng tháng. Tuy nhiên, ngay trước thềm giải vô địch Thái Lan, chuyến đi mà cựu binh rất chờ đợi bất ngờ đổ bể đáng tiếc, không phải do cô mà vì hai đội bóng nảy sinh một số khúc mắc về thủ tục.
Lần thứ hai trong một thời gian ngắn, Kim Huệ xuất ngoại đấu thuê hụt, sau lần trước bất thành với CLB Ayutthaya cũng vì lý do tương tự. Xét đẳng cấp, kinh nghiệm, cô vẫn hoàn toàn đáp ứng được các đòi hỏi chuyên môn đặt ra ở mức cao. Chưa kể, Kim Huệ còn có thể mang đến sức hút, giá trị quảng bá lớn cho bất cứ đội bóng Thái Lan nào, với vị thế của ngôi sao được hâm mộ bậc nhất của bóng chuyền Việt Nam.
Có vẻ như cựu đội trưởng tuyển Việt Nam không có duyên với các chuyến xuất ngoại đấu thuê. Từ cả chục năm trước cô đã nhận được những lời mời với thu nhập cao, điều kiện tốt từ các CLB của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia nhưng các thỏa thuận cũng luôn bất thành.
Mùa giải mới trên đất Thái vừa khởi tranh vì thế vẫn chỉ có phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa là VĐV Việt Nam duy nhất. Hoa tự tin là trụ cột của CLB đương kim vô địch Thái Lan và đương kim vô địch châu Á Bangkok Glass. Có một sự thay đổi thú vị với cô gái Việt Nam ở mùa giải mới là cô mang số áo 20 thay vì 18, đồng thời thi đấu ở vị trí chủ công chứ không phải phụ công sở trường.
Theo ông thầy Aphisak, điều này vừa để phát huy tối đa lực lượng hiện tại của đội, vừa nhằm thử nghiệm, phát huy nguồn lực dồi dào cùng khả năng đa đạng đặc biệt của Hoa. Thực tế qua chiến thắng thuyết phục của Bangkok Glass ở trận ra quân, tay đánh Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò mới của mình.
Thư Minh