- Cơ duyên nào đưa chị đến nghề giảng viên?
- Đó cũng là may mắn bởi tôi có bằng thạc sĩ loại ưu ngành Quản trị Sự kiện Quốc tế tại Đại học Salford, thành phố Manchester, Anh. Khi tốt nghiệp, thời gian đầu tôi làm việc tại công ty tư vấn tài chính và phát triển dự án. Các chương trình đào tạo ở Việt Nam hầu như không có chuyên ngành dạy riêng về môn Quản trị Sự kiện, thường chỉ là học phần trong ngành Ngoại thương, Marketing hoặc Quản trị khách sạn và du lịch. Đại học Hoa Sen trong năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu mở ngành Quản trị sự kiện, nên phía nhà trường có chủ động liên hệ mời tôi về giảng dạy.
Tôi biết tấm bằng thạc sĩ chỉ là điều kiện cần. Muốn đi dạy, tôi phải trau dồi nhiều thêm nữa. Nhưng đây là cơ hội tốt, mình cứ thử xem thế nào. Tôi bắt đầu học thêm khoá chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm, rồi đi dự giờ, làm trợ giảng, tham gia sinh hoạt chuyên môn. Tôi còn có một buổi giảng dạy thử trước phòng nhân sự, thầy Phó khoa để đánh giá phong cách đứng lớp, phương pháp giảng dạy. Nói chung, cần trải qua sáu tháng tập sự, tôi mới được chính thức làm giảng viên của Đại học Hoa Sen, dự kiến vào cuối năm nay. Còn hiện tại, tôi vẫn là giảng viên tập sự để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô.
- Trên bục giảng, Ngân Anh là cô giáo như thế nào?
- Nếu là một giảng viên bình thường, tôi không quá áp lực. Nhưng tôi là người của công chúng, các bạn sẽ ít nhiều biết đến và để ý hơn. Cùng với đó là sự kỳ vọng và dò xét xem cô giáo Ngân Anh sẽ thế nào khi đứng trên bục giảng. Thời tôi còn đi học, thầy cô và học sinh thường có khoảng cách với nhau, ít có sự tương tác, như vậy việc giảng dạy không đạt hiệu quả cao. Tôi không muốn mình như vậy với sinh viên, ngược lại cần sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách giúp cô trò tương tác nhiều hơn. Vì tính ra, các bạn sinh viên chỉ cách tôi 3-4 tuổi, ngoài đời có thể xưng hô là chị em. Tôi nghĩ mình có lợi thế nắm bắt được tâm lý của các bạn nên sẽ không quá khó khăn trong việc kết nối, giao tiếp.
Khi đi dạy, tôi vẫn giữ phong cách hàng ngày là nữ tính, thanh lịch. Tôi vẫn mặc đầm, thậm chí đồ hiệu nhưng không quá ngắn, hở hang hay có hoạ tiết cầu kỳ để tránh làm các bạn sinh viên phân tâm (cười). Nghiêm túc mà nói, đây là môi trường sư phạm chứ không phải thảm đỏ sự kiện. Khi là giảng viên, chuyện ăn mặc cần phải chú trọng, đảm bảo phải chỉn chu, lịch sự. Còn trong lớp, tôi đặt ra nguyên tắc sinh viên không được chụp hình hay quay phim khi mình đang giảng bài. Các bạn có thể sử dụng điện thoại, hoặc chụp lại bài giảng. Tôi muốn các bạn sinh viên chú tâm đến nội dung tôi truyền đạt chứ không phải vì xem tôi là một người đẹp đi dạy.
- Chị kỳ vọng gì với nghề giáo?
- Tôi không tiếp cận công việc giảng dạy để làm hình ảnh cho mình. Bất cứ công việc nào tôi làm tôi đều xác định đây không phải là cuộc dạo chơi. Chưa kể là muốn trở thành giảng viên mà được công nhận về mặt chuyên môn, tôi phải nỗ lực rất nhiều.
Tất nhiên, tôi cũng có định hướng công việc và mục tiêu trong vài năm tới là chuẩn bị cho một mô hình kinh doanh giáo dục. Nên đi dạy là cách tôi tiếp cận với những đối tượng phù hợp mà mình muốn lắng nghe ý kiến. Muốn làm tốt việc nào đó, trước tiên mình phải biết rõ đối tượng mình hướng đến cần gì, mong muốn gì và suy nghĩ thế nào. Việc đứng lớp còn rèn luyện cho tôi cách diễn đạt lưu loát, nắm bắt tâm lý từ người học, tạo động lực cho tôi cập nhật không ngừng những nguồn kiến thức mới. Tôi cũng kỳ vọng mình sẽ quan sát, học hỏi thêm về cách vận hành và quản lý trong môi trường giáo dục.
Hiện tôi vẫn có nhiều công việc khác nên dành thời gian cho giảng dạy khá khó khăn. Giảng viên cơ hữu có quy định phải dạy 1.600 giờ một năm, bao gồm ba hoạt động: giảng dạy trên lớp, nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khoá như tổ chức hội thảo, tuyển sinh, công tác xã hội. Tôi phải xin giảm một phần ba số giờ cống hiến vì tôi không thể lên trường toàn thời gian. May mắn, nhà trường đồng ý hỗ trợ và tạo điều kiện cho tôi để đảm bảo việc giảng dạy được tốt nhất nhưng không ảnh hưởng đến những công việc bên ngoài.
- Ngoài giảng dạy, chị đang làm công việc nào khác?
- Tôi đang làm việc ở công ty tư vấn tài chính và phát triển dự án. Chủ yếu công việc của tôi là thu thập dữ liệu, phân tích tính khả thi của dự án để làm đề xuất đầu tư khi công ty có dự án mới. Công việc này linh động về không gian làm việc nhưng chiếm phần lớn thời gian trong ngày của tôi.
Đây là công việc trái ngành học nhưng tôi thấy cũng thú vị, mang đến nhiều trải nghiệm. Tôi vừa thu thập thêm kiến thức về lĩnh vực khác, vừa phát triển các kỹ năng mềm. Cụ thể, vì tính chất công việc, tôi được rèn luyện thêm về kỹ năng phân tích, sự nhạy bén trong việc liên kết dữ liệu. Mỗi lần đi cùng sếp gặp khách hàng để tư vấn hợp tác đầu tư, tôi tranh thủ rèn luyện học hỏi thêm về kỹ năng đàm phán và thuyết phục. Nhờ vậy, tôi dần lanh lợi hơn.
- Mới đây, chị cũng lấn sân làm kênh YouTube. Từ đâu chị có hướng rẽ mới này?
- Tôi ấp ủ dự án YouTube này từ đầu năm nay. Vốn thích xem YouTube về những nội dung phát triển bản thân và lĩnh vực tài chính - kinh doanh, tôi cảm thấy mình được truyền cảm hứng và thôi thúc ngay ý nghĩ tạo lập một kênh riêng. YouTube không chỉ để giải trí mà đã có nhiều kênh thành công trong việc sáng tạo ra những nội dung có ích, trở thành một nền tảng tìm kiếm thông tin như Google vậy.
Khoảng 7-8 năm trước khi là học sinh, nếu muốn tìm hiểu những vấn đề trong cuộc sống, tôi thường tìm kiếm trên Google cũng chỉ toàn là những lời khuyên qua văn bản. Thời gian đó, việc sáng tạo nội dung qua hình thức video không quá phổ biến. Tôi không tự nhận mình có quá nhiều kinh nghiệm, nhưng về những vấn đề học hành, trải nghiệm đi làm như thế nào, tôi cũng thu lượm được kha khá vấn đề để chia sẻ lại với các bạn trẻ. Tôi mong muốn kênh YouTube của mình có thể là một nơi để các bạn có thể tin tưởng chia sẻ những điều các bạn đang băn khoăn.
Đợt này đang rơi vào thời điểm tuyển sinh và kỳ thi THPT Quốc gia nên tôi muốn đưa chủ đề giáo dục lên trước. Tôi và êkíp đã lên kế hoạch về kịch bản để linh hoạt sản xuất nhiều chủ đề khác, về du lịch - ăn chơi, thời trang, kinh nghiệm làm đẹp... để gần gũi và cũng cho mọi người được nhìn thấy nhiều khía cạnh khác của tôi ở ngoài đời.
- Chị cân đối chi phí thế nào khi làm YouTube?
- Bắt đầu từ giữa năm ngoái, tôi làm về mảng quản lý dự án và đầu tư. Cùng với lương cứng và thưởng, tôi có một khoản tiết kiệm kha khá. Thật ra tôi nghĩ mình chỉ cần đầu tư một thiết bị như máy quay cầm tay và ngồi nói trước máy quay ở nhà, như vậy chi phí chưa đến 10 triệu đồng mỗi tập.
Tuy nhiên, chủ đề về giáo dục khá khô khan nên tôi phải thay đổi format cho nhẹ nhàng, giúp người xem dễ tiếp nhận thông tin hơn. Vì vậy, thay vì hình thức ngồi nói trước máy quay tại nhà, tôi quyết định hợp tác với êkíp chuyên sản xuất phim ngắn, sử dụng máy móc 4K, quay nhiều góc máy, có sự tham gia của các diễn viên và khách mời, nên chi phí tăng lên nhiều lần. Sau mùa dịch, các doanh nghiệp và nhãn hàng cũng cắt giảm chính sách quảng cáo, nên trong đợt sản xuất đầu tiên, tôi đành "thắt lưng buộc bụng" bỏ ra toàn bộ chi phí chứ không xin tài trợ. Mà thôi, tính tôi không làm thì thôi, đã làm là làm cho đến nơi đến chốn. Êkíp chưa đặt nặng về việc có lượng xem "khủng" mà là sáng tạo nội dung có ích, hình ảnh chỉn chu.
Tôi hy vọng là sau những sản phẩm đầu tiên, mọi người thấy mình có sự chỉn chu về mặt chất lượng hình ảnh sẽ có các nhãn hàng tài trợ, tham gia cùng để không phải đau đầu nhiều về chuyện kinh phí nữa (cười).
- Bận rộn nhiều dự án, chị dành thời gian cho chuyện tình cảm ra sao?
- Hiện tôi độc thân và muốn tập trung công việc. Nhiều người nhìn vào nghĩ tôi chắc phải nhí nhảnh lắm, nhưng thật ra tôi khá chững chạc so với tuổi. Vì vậy, tôi nghĩ nếu tôi quen một người lớn hơn tầm 5-10 tuổi có lẽ sẽ hợp hơn là một anh trẻ tuổi nào đó. Tôi không có gu bạn trai cụ thể mà quan trọng vào cảm xúc khi gặp lần đầu. Nhưng tôi sẽ ấn tương mẫu đàn ông thông minh, bản lĩnh, có sự cầu tiến và mục tiêu rõ ràng trong công việc. Một người hội đủ những yếu tố ấy, chắc chắn họ sẽ thành công.
- Ngân Anh tuổi 25 trưởng thành thế nào so với trước đây?
- 5 năm trước, khi là một cô sinh viên, tôi đi làm thêm nhưng mức thu nhập khá khiêm tốn. Tôi không cảm thấy hàng hiệu là những thứ quá xa vời vì ba mẹ có thể mua cho tôi. Nhưng để nói tự bản thân mình kiếm tiền để mua thì chắc chắn là chưa. Khi tôi 25 tuổi, có mức thu nhập cao hơn thì quy chuẩn về mức sống, cách chi tiêu sẽ thay đổi. Bây giờ, tôi thấy mục tiêu đó gần hơn, hàng hiệu đã tự sắm được, nhà cửa cũng đang trong kế hoạch, chỉ có siêu xe vẫn chưa (cười). Những món trong tầm thu nhập tôi có thể tự sắm được là quần áo, giày dép, túi xách hay những phụ kiện của con gái.
Đôi khi nhớ lại quãng thời gian mới đăng quang Hoa hậu Đại dương, lúc đó tôi stress kinh khủng, may là tôi có được định hướng của gia đình, sự động viên từ thầy cô, bạn bè, gặp được những anh chị trong nghề tận tình giúp đỡ. Tận bây giờ khi tìm trên Google vẫn những hình ảnh không đẹp trong thời khắc đăng quang hiện lên đầu tiên, thông tin tiêu cực về tôi, nhiều lúc muốn chôn vùi những hình ảnh đó lắm. Nhưng tôi vẫn xem như đó là dấu ấn tuổi trẻ của mình. Có đi qua giông bão thì mới thấy cầu vồng đẹp. Những áp lực ngày ấy là bước đệm để mọi người thấy tôi cố gắng, bản lĩnh cầu tiến hơn. Tôi chỉ sợ là mọi người không biết nói gì khi nhắc đến mình, còn nhìn mình mà thấy có sự thay đổi tích cực rõ rệt, cũng là điều hay.
>> Xem thêm: Không gian sống của hoa hậu Ngân Anh
Anh Tuấn