- Từng trải qua nhiều thành công trong sự nghiệp cầu thủ, danh hiệu nào ý nghĩa nhất với cá nhân anh?
- Được khoác áo CLB Thể Công, tôi đạt nhiều thành tích cá nhân, tập thể trong suốt 15 chơi bóng chuyên nghiệp. Không danh hiệu nào đáng nhớ bằng chức vô địch quốc gia năm 1998. Năm ấy, Thể Công chấm dứt 8 năm chờ đợi để trở lại vị trí số một quốc gia. Kết thúc cuộc đua gay cấn cùng SLNA và Công An TP HCM, chúng tôi xứng đáng có danh hiệu vô địch với 3 điểm hơn hai đối thủ xếp sau.
Vừa đá như thêu hoa dệt gấm, CLB Thể Công còn tỏ ra hiệu quả khâu ghi bàn với đội hình nhiều cầu thủ xuất sắc như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Đức Thắng, Quang Hà, Như Thuần, Mạnh Dũng... Đội hình Thể Công khi ấy đồng đều, xuất sắc mà tôi may mắn được chơi bóng suốt nhiều năm trước khi giải nghệ năm 2007.
- Còn giải đấu nào anh tiếc nuối nhất trong sự nghiệp ở cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia?
- Có lẽ không giải đấu nào tiếc nuối bằng SEA Games 1999 trên đất Brunei. Đó là Đại hội thể thao Đông Nam Á cuối cùng các đội tuyển quốc gia vẫn được thi đấu trước khi nhường lại sân chơi cho đội U23. Năm ấy, tuyển Việt Nam có dàn cầu thủ đồng đều, lối chơi hiệu quả và ăn ý nhất mà tôi từng thấy. Tuyển Việt Nam tiến đến trận chung kết gặp tuyển Thái Lan với thành tích giữ trắng lưới trong 5 trận liên tiếp.
Năm ấy, tôi chơi ấn tượng với 4 bàn vào lưới đối thủ Lào, Myanmar và Phillipines, ngang bằng anh Lê Huỳnh Đức. Chúng tôi có trận đấu ngang ngửa Thái Lan ở trận tranh HC vàng nhưng thất thủ 0-2 bởi hai pha sút xa quá hiểm của Thawatchai và Dusit ở cuối hai hiệp. Thất bại tức tưởi trong thời điểm niềm tin cao nhất từ toàn đội. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi lại thiếu may mắn như thế. Bởi đó là "thế hệ vàng" gồm nhiều cầu thủ giỏi nhưng chúng tôi thua hai trận chung kết Tiger Cup 1998 rồi SEA Games 1999.
- Nhắc lại việc CLB Thể Công bị Bộ Quốc phòng xóa tên 2009, đó có lẽ là nỗi đau quá lớn với người hâm mộ màu áo lính?
- Tiếc nuối vì việc đội bóng cả đời tôi cống hiến bị xóa tên nhưng cơ chế quản lý lẫn mô hình hoạt động CLB Thể Công không còn phù hợp với bối cảnh năm ấy. CLB không còn nhưng anh em cầu thủ Thể Công vẫn duy trì phẩm chất người lính đá bóng trong Trung tâm Viettel. Những người đồng đội cũ của tôi như Hồng Sơn, Hải Biên, Như Thuần... đang đào tạo các cầu thủ trẻ từ lứa U11 đến U19 trong suốt những năm qua. Chúng tôi đang gây dựng lại đội bóng để mơ một ngày trở lại mái nhà xưa V-League trong khoảng 4 năm nữa và hy vọng phục hồi được phiên hiệu Thể Công như xưa chẳng hạn. Tôi đang có lứa cầu thủ U19 đầy triển vọng và đặt mục tiêu lên hạng Nhất vào cuối mùa 2014 này.
- Cuộc sống của anh có gì khác hơn so với thời còn ra sân đá bóng?
- Bây giờ tôi bận rộn và có nhiều việc hơn để lo lắng, quan tâm. Đầu tiên tôi có một gia đình nhỏ sau bao năm lặn lội thi đấu. Một cảm xúc mới lạ hoàn toàn nhưng cũng hạnh phúc như lúc ghi bàn vào lưới đối thủ. Công việc chăm sóc con cái, lo toan nhà cửa, tôi cũng vui thú với nghề HLV đội U19 Viettel. Chưa kể thời gian rảnh tôi cũng viết báo, bình luận trên rồi dạy đá bóng trên truyền hình. Tôi cảm thấy cuộc sống lúc này năng động, cuốn hút và đầy nhiệt huyết không thua kém lúc còn là cầu thủ.
- Sự nghiệp thành công và gia đình hạnh phúc, vậy điều gì anh cảm thấy quý giá nhất với mình vào lúc này?
- Tháng 8/2012, tôi cưới bà xã Cẩm Trang và có con không lâu sau đó. Lo đá bóng cả đời, mãi năm 36 tuổi tôi mới có được cảm giác làm bố. Hạnh phúc lắm nhất là lúc đã cảm thấy mình già đi chứ chẳng còn sung sức như lúc còn đôi mươi. Công việc chăm sóc cô con gái nhỏ Gia Hân giúp tôi sống có trách nhiệm hơn. Có muộn màng, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc lắm khi cháu Gia Hân ra đời lúc mình đã bước sang tuổi 36.
Anh Tuấn thực hiện