Một ngày kia, anh nông dân Nguyễn Đình T. theo cánh đàn ông trong làng tìm đến quán đèn mờ để thử một lần cho biết cảm giác "được em út cho lên tiên" cũng là ngày con HIV đã tìm anh. Sau lần ấy, bị đám cave lột sạch tiền bạc trong người, anh T. quyết tâm không bao giờ đặt chân đến cái quán đèn mờ ấy nữa.
Nhận thấy lỗi lầm của mình, anh chăm chỉ làm ăn và yêu thương vợ con hơn. Khi vợ anh, chị H. có mang đứa thứ hai, anh càng quyết tâm làm lụng để mang lại cho vợ con cuộc sống khấm khá. Nhưng rồi căn bệnh HIV đã cướp đi hạnh phúc cũng như những mộng tưởng tốt đẹp của anh chàng nông dân vốn thật thà như đếm này.
Một ngày cuối tháng 5/2004, vợ anh đến ngày sinh nở, do thai ngược nên phải chuyển đến bệnh viện huyện để mổ đẻ. Kết quả xét nghiệm máu của vợ anh tại bệnh viện huyện là dương tính. Một số hác sĩ, y tá ở bệnh viện quá sợ "con HIV" đã để mẹ con chị H. nằm cách ly với các sản phụ khác và lan truyền tin chị bị nhiễm HIV khắp bệnh viện.
Hậu quả là ngay cả đến họ hàng nội ngoại của vợ chồng anh T. chẳng ai chịu đến thăm mẹ con chị H. Khi chị bế đứa con từ bệnh viện về nhà, bố chồng đã một mực xua đuổi vì sợ lây căn bệnh thế kỷ. Anh T. chạy về nhà mẹ vợ cầu cứu nhưng cũng bị khước từ. Vợ chồng con cái nhà anh T. dắt díu nhau sang làng khác ở. Những tin đồn sau lũy tre làng có sức lan rộng rất nhanh, đến chỗ ở mới, gia đình anh bị xóm giềng tẩy chay, xua đuổi. Đứa con lớn nhà anh đi học bị bạn bè chọc ghẹo, chính cô giáo cũng có thái độ sợ lây bệnh nên không dám gần gũi cháu.
Anh T. đưa vợ cơn đi nhiều nơi sinh sống để chạy trốn dư luận nhưng không hiểu sao vợ chồng anh đến đâu cũng bị phát hiện ra là "nhà nhiễm HIV", vợ anh bán rau chẳng ai mua, làm thợ may chẳng ai tìm đến. Cuộc sống gia đình anh ngày một trở nên cùng quẫn nhất là vào giai đoạn anh T. chuyển sang giai đoạn AIDS. Nhìn cảnh chồng nằm vật vã góc nhà bẩn thỉu, đứa con lớn không được đến trường, đứa thứ hai đang có những biến chứng của căn bệnh HIV, chị H. đã nhiều lần toan tìm đến liều thuốc chuột cho cả nhà để mong kết thúc cuộc sống đầy khổ hạnh...
Cũng là một người vợ quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" khi được cán bộ y tế gọi lên xét nghiệm máu chị G. chẳng hiểu "mô, tê" gì cả, đến khi họ kết luận chí đã nhiễm HIV thì chị mới đoán được ra nguyên nhân của căn bệnh mà chị gọi tên nó còn chưa rành rọt lắm. Không ai khác chính chồng chị sau những lần học đòi thói ăn chơi đã đổ căn bệnh đó sang cho chị.
Chồng chị là một trong 10 đối tượng của xã bị nghi nhiễm HIV đã được gọi đi xét nghiệm và kèm theo đó là 10 người vợ cũng được gọi đi thử máu. Lúc đầu, chồng chị còn tự tin rằng: "Ai có thể bị "ết", chứ tôi thì không bao giờ. Tôi chơi là phải biết cách chơi". Đã gần chuyển sang giai đoạn AIDS là kết quả của việc "biết cách chơi" của ông chồng vốn gia trưởng của chị G.
Khi anh ta tìm đến quán đèn mờ chơi bời, chưa một lần chị G. dám hé răng khuyên nhủ bởi xưa nay câu nói của chồng chị trong nhà là một thứ mệnh lệnh, mấy mẹ con chị nhất nhất phải tuân theo. Giờ đây, biết mình đã nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng, chị G. vẫn không dám một lời oán thán, chị vẫn quần quật làm lụng để mong có tiền mua thuốc điều trị cho chồng, nuôi các con.
Nỗi cơ cực của chị G. hiện tăng lên gấp bội khi người chồng do mặc cảm, buồn chán về bệnh tật, anh ta không những không ăn năn hối cải mà còn suốt ngày chửi bới vợ con và còn dọa "sẽ tiếp tục tìm đến quán cà phê ôm nữa để trả thù đời".
Tại một xã ở Hà Tây dư luận vẫn còn xôn xao câu chuyện: Cave vào tận nhà, chính quyền xã đến kiểm tra thì cô đó lại danh chính ngôn thuận, trở thành người nhà gia chủ, trong khi đó người vợ tội nghiệp phải dắt con thơ ra khỏi nhà chồng.
Câu chuyện như sau: Khi có quán đèn mờ về làng, Đặng Văn C. bỗng thấy chán ghét cô vợ vừa già, vừa xấu lại hay nói cục cằn. Tối nào, anh ta cũng tìm đến mấy ả cave tìm sự ngọt ngào, những cảm giác lạ. Đi chơi ở quán về, nhìn thấy vợ anh ta chỉ muốn đuổi đi cho khuất mắt.
Khi vợ từ chối chuyện chăn gối, muốn dạy vợ một bài học, C. đi đón một cave về nhà, ngủ chung giường, đuổi vợ đi. Cô vợ tức tốc đi báo chính quyền xã. Cán bộ xã đến nhà C. để làm việc, anh ta gọi cave ra và giới thiệu là người nhà ở Thái Bình lên chơi. Bố mẹ của C. vốn chẳng ưa gì cô con dâu nên cũng đồng tình xác nhận ả cave đó là con cháu.
Trong trường hợp này, lẽ ra chính quyền xã V phải hỏi giấy tờ tùy thân của cô cave, điều tra gốc tích, mối quan hệ họ hàng giữa cô ta với gia đình C. để kết luận và xử phạt anh ta tội quan hệ bất chính và tóm được ả cave về tội hành nghề mại dâm. Nhưng nghe C. và gia đình xác nhận là người nhà, cán bộ xã ở đây, "bó tay" luôn. Họ đành để mặc cô cave ngang nhiên sống với C.
Còn cô vợ tội nghiệp của C. chẳng còn cách nào khác đành dắt theo đứa con thơ về nhà mẹ đẻ. Cô chẳng biết kêu cứu ở đâu vì các "bác" chính quyền xã bảo "con cave đấy là người nhà của chồng chị, thì chúng tôi làm sao bắt được nó"...
Một thực tế cho thấy, hoạt động của các quán đèn mờ ở thành thị khó phát hiện, khó triệt phá bởi tính chất phức tạp của địa bàn cũng điều dễ hiểu. Nhưng ở nông thôn, sẽ chẳng có mấy khó khăn cho các cơ quan chức năng đặc biệt là ch quyền sở tại nắm bắt, triệt phá các tệ nạn xã hội trong các quán đèn mờ.
Nhưng không hiểu sao, ở nhiều vùng quê hiện nay, nhiều quán có tệ nạn xã hội vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí có xu hướng gia tăng. Điều đó báo động cuộc sống gia đình của nhiều người nông dân sau lũy tre làng đang đứng trước thảm họa khôn lường của các tệ nạn xã hội.
(Theo Phụ Nữ Việt Nam)