Trong thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng bắt gặp quảng cáo các sản phẩm dầu dừa nguyên chất với lời giới thiệu hấp dẫn: chỉ cần súc miệng mỗi sáng bằng một thìa dầu dừa, mùi hôi sẽ biến mất, nướu khỏe lên, thậm chí "độc tố được đào thải". Trào lưu này có nguồn gốc từ một phương pháp cổ xưa gọi là "súc miệng bằng dầu" (oil pulling), bắt đầu lan rộng ở phương Tây từ năm 2014 sau khi được giới thiệu trong chương trình Dr. Oz Show.
Theo phương pháp này, người dùng ngậm dầu dừa trong miệng từ 10 - 20 phút, đảo qua các kẽ răng, rồi nhổ ra và súc miệng bằng nước sạch.
Bác sĩ gia đình tại Đài Loan - Lý Tư Hiền cho biết việc súc miệng bằng dầu dừa có thể mang lại một số lợi ích hỗ trợ cho sức khỏe miệng, dù không thể thay thế cho việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Theo ông, kết cấu của dầu có khả năng hấp thụ các chất tan trong chất béo. Sau khi trộn và nhũ hóa với nước bọt, nó có thể giúp vi khuẩn chuyển hóa và giảm lượng độc tố trong miệng. Ngoài ra, miệng có hệ vi khuẩn riêng (hệ vi sinh vật đường miệng). Nếu có quá nhiều vi khuẩn có hại, dễ gây ra bệnh nha chu, sâu răng, hôi miệng và axit lauric trong dầu dừa có thể ức chế loại vi khuẩn có hại này.
Bác sĩ dẫn nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí Y khoa Nigeria, thực hiện với 60 bệnh nhân viêm nướu. Sau một tuần súc miệng bằng dầu dừa, nhóm này ghi nhận chỉ số viêm nướu và mảng bám giảm rõ rệt.
Một bài đánh giá có hệ thống năm 2020 trên tạp chí Heliyon cũng cho thấy: trong 12 nghiên cứu được phân tích, dầu dừa có thể giảm vi khuẩn gây hại và cải thiện vệ sinh miệng ở mức độ nhất định. Song, các tác giả đồng thời lưu ý chất lượng nghiên cứu không đồng đều, nguy cơ sai lệch cao và thiếu bằng chứng chắc chắn để đưa ra khuyến nghị chính thức.

Việc súc miệng bằng dầu dừa không gây hại nghiêm trọng nếu thực hiện đúng cách và chỉ dùng như biện pháp bổ trợ. Ảnh minh họa
Trái ngược với những đánh giá tích cực trên một số tạp chí chuyên ngành, Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) từ lâu đã không khuyến nghị súc miệng bằng dầu. Trong tuyên bố năm 2014, ADA khẳng định: "Không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào cho thấy súc miệng bằng dầu giúp giảm sâu răng, làm trắng răng hay cải thiện sức khỏe răng miệng".
Họ cũng nhấn mạnh phương pháp chăm sóc răng miệng chuẩn vẫn là đánh răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng chứa fluoride; dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày và không hút thuốc.
Một bài viết phản biện khác trên tạp chí Nha khoa Anh (2018) có tiêu đề "Khoa học tệ hại: Súc miệng bằng dầu", chỉ rõ rằng oil pulling không chỉ thiếu cơ sở khoa học mà thậm chí có thể khiến môi trường miệng xấu đi nếu người dùng áp dụng sai cách hoặc lạm dụng. Ngoài cảm giác khó chịu khi ngậm dầu trong miệng 20 phút, một số người dùng phản hồi từng bị viêm nướu hoặc đau hàm do thao tác sai hoặc kéo dài thời gian quá mức. Thậm chí, có báo cáo cho thấy tình trạng răng miệng xấu đi nếu người dùng hiểu nhầm đây là phương pháp thay thế hoàn toàn cho việc đánh răng.
Bác sĩ Lý Tư Hiền khẳng định cần đánh răng đầy đủ sau khi súc miệng bằng dầu, thay vì coi đó là bước chăm sóc duy nhất.
Phạm Linh (Theo HK01, Scientific Health Care)