Chuyên gia du học Vương quốc Anh cho người Việt Nam, ông Clive Wood, giải thích: "Với đa số trường ở Anh, học bổng chủ yếu là khoản tiền được bớt từ học phí, nhưng thỉnh thoảng cũng là trợ cấp ăn, ở. Rất hiếm nơi cấp học bổng theo dạng trợ giúp tài chính để chi dùng cho những khoản khác".
Ông Clive Wood cũng cho biết, một số công ty dịch vụ du học thường dùng học bổng như một biện pháp tiếp thị. Thực tế, có nhiều trường đại học không hề cho học bổng, nhưng cũng có những trường cho rất nhiều học bổng. Ở Việt Nam, người ta thường bị chữ "học bổng" lôi kéo. Ví dụ, một trường đại học hay cao đẳng lấy lệ phí một năm tiền học khoảng 15.000 bảng Anh. Trường này sẽ cho học bổng tương đương với khoản giảm học phí 30%. Một trường khác có thể chỉ thu học phí khoảng 7.000 bảng Anh thôi, nhưng lại không cho học bổng. Tính ra, với cùng một khóa học, cùng một chất lượng, nếu sinh viên nộp đơn vào trường không có học bổng sẽ rẻ hơn.
Cô Lương Thị Hương, Công ty Dịch vụ tư vấn du học Sunrise, cho biết: ở Anh, có nhiều em cùng đi học theo hệ A-level, tức là chương trình dự bị đại học, nhận được học bổng nhưng họ cũng đặt điều kiện để được học bổng, ví dụ như dựa vào kết quả học tập, khả năng tiếng Anh, hoặc các thành tích khác trong học lực, như giải thưởng từ các kỳ thi học sinh giỏi. Học bổng ở bậc đại học và sau đại học thường ít hơn chương trình dự bị đại học.
Một trong số những trường năm nay cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam là Regent's College. Cán bộ phòng đào tạo của trường là cô Paula Chessell nói, năm nay, trong số 15 sinh viên Việt Nam được nhận vào trường này có 9 sinh viên được cấp học bổng ở dạng giảm học phí từ 10% đến 50%.
Regent's College hiện có chương trình học bổng trị giá 1 triệu bảng Anh. Tiền này được cấp trên cơ sở ganh đua, tức là dành cho những sinh viên nào có thành tích học tập tốt nhất. Việc sinh viên cần làm là gửi một lá đơn xin học bổng, kèm theo các kết quả học tập. Trường sẽ xét đơn và chọn ra các sinh viên giỏi nhất. Ngoài ra, còn có học bổng John Paigne, dưới dạng thi lập dự án doanh nghiệp. Hàng năm, trường có 3 học bổng như vậy, toàn phần và bán phần, cho các dự án doanh nghiệp nào giỏi nhất.
Tiêu chuẩn xét học bổng
Theo ông Clive Wood, kết quả học tập đang là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng của hội đồng xét duyệt học bổng:
- Những sinh viên với thành tích học tập cao hơn có nhiều cơ hội được cấp học bổng hơn. Hội đồng Anh có thông tin về các nguồn học bổng đến từ các tổ chức độc lập. Ở Việt Nam, học bổng nổi tiếng nhất là Chevening. Cũng có các nguồn học bổng từ các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức từ thiện, trợ cấp tài chính cho sinh viên quốc tế. Ở Hội đồng Anh có bản sao danh sách các tổ chức đó. Thế nhưng tôi phải nhắc nhở là học bổng từ các tổ chức đó thường không nhiều lắm.
Các trường đại học thường có học bổng riêng cho sinh viên trường mình, nhưng số lượng và thủ tục không thống nhất giữa các trường với nhau.
- Mỗi trường có chính sách riêng. Có lúc quý vị chỉ cần viết thư xin học bổng, có trường đòi phải điền vào một bộ hồ sơ đặc biệt. Tuy nhiên, tôi tin là đa số các trường hợp đều xét duyệt trên cơ sở bảng điểm học tập chứ ít khi đặt cơ sở trên tình trạng, hoàn cảnh gia đình của người nộp đơn. Và như tôi luôn nhắc đi nhắc lại, sinh viên có thành tích học tập tốt luôn có cơ hội tốt nhất để có học bổng.
Ông Clive Wood nhắc đến thư xin học bổng, vậy đây có phải là một dạng thư giống như thư xin học mà chúng ta từng đề cập trong bài báo trước?
- Đúng là hầu như cũng giống như thư xin học. Sinh viên phải nhắc lại tại sao chọn đúng ngành học này. Họ phải trình bày muốn làm gì và phát triển sự nghiệp trong tương lai ra sao. Cũng nên giải thích lý do tại sao họ chọn đúng trường đại học này và đúng ngành học này, liên quan đến đường thăng tiến của sinh viên. Sinh viên Việt Nam cần phải hiểu là những người nộp đơn không chỉ là người Việt Nam mà còn đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Vì vậy, cạnh tranh về học bổng rất cao.
Theo Người Lao Động, du học sinh sang Anh không chỉ phải tính đến mức học phí cao mà còn phải nghĩ đến mức sinh hoạt đắt đỏ. Tuy vậy, học bổng không phải là giải pháp tài chính duy nhất. Du học sinh có thể tìm việc làm ở London để kiếm thêm. Đó là loại hình "học bổng công việc".
Chất lượng công việc tìm được phụ thuộc vào trình độ tiếng Anh của sinh viên. Tiếng Anh càng khá thì càng có nhiều việc để chọn. Tuy nhiên, không nên suy nghĩ theo lối là sẽ dùng tiền kiếm được từ việc làm bán phần dùng để tài trợ cho việc học. Tiền học phải là tiền riêng do bố mẹ hay gia đình trợ cấp. Tiền kiếm thêm chỉ nên tính vào khoản giải trí hay tương tự như vậy mà thôi.
Theo cô Paula, vẫn còn có một số giải pháp khác để giải quyết vấn đề kinh phí. London tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên trong các ngành kinh doanh có liên quan đến ngành học, chương trình học của nhiều trường rất mềm dẻo với hệ thống học kỳ mà sinh viên có thể vắng mặt trong 1 hay 2 học kỳ. Thường có nhiều sinh viên Việt Nam tận dụng khả năng này, họ có thể không cần phải có mặt ở London trong liên tục suốt 3 hay 4 năm học theo chương trình, mà có thể chỉ sang đây 1 học kỳ mà thôi. Các trường khuyến khích sinh viên làm như vậy và thực sự họ không cần phải sang Anh sống trong suốt cả quá trình 3 năm học đó. Ngoài ra, giá thuê nhà ở London cũng rất cao nhưng chúng tôi cũng có khá nhiều quan hệ với các nơi cung cấp chỗ ở hợp túi tiền.
Một trong những địa chỉ cung cấp nhiều thông tin là trang www.svuk.org.uk., diễn đàn của sinh viên Việt Nam ở Anh. Ở nơi đây có thể trao đổi trực tiếp với những sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học của Anh, hỏi họ về trường lớp, hay bí quyết xin học bổng, tìm trợ cấp, hoặc kinh nghiệm phân bổ tiền bạc cho học tập và cuộc sống ở tại Anh này.