![]() |
Cửa sổ bị đập để thông khói trong vụ cháy ở Diamond Plaza. |
Vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế ITC cách đây 2 năm là một ví dụ. Dù thiết kế không thật kín, song với lớp gạch kiên cố bao quanh, lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận từ ngoài vào. Trong khi loay hoay tìm lối thoát, khói đã bao trùm làm nhiều người chết ngạt.
Gần đây nhất là vụ cháy tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1). Tuy chỉ là vụ cháy nhỏ nhưng đã gây tâm lý hốt hoảng đối với những người đang làm việc tại đây. Trong lúc hoảng loạn, họ đã đập 2 ô cửa sổ để thoát khói và chống ngạt. Vài ngày sau lại có báo động cháy ở tầng 6 tòa nhà này khiến mọi người lại một phen hú vía, vội vàng chen lấn chạy xuống dưới tạo nên khung cảnh hỗn độn.
Khi được hỏi về nguy cơ tiềm ẩn do việc thiết kế quá kín, đa số người quản lý cao ốc đều khẳng định thiết bị phòng cháy chữa cháy rất yên tâm. Anh Hồng, quản lý của một khách sạn lớn ở quận 5, cho biết, tất cả những nơi cần thiết trong khách sạn đều đặt bình chữa cháy. Mỗi tầng có 2-4 họng nước, đồng thời có 3-4 cầu thang thoát hiểm. Đường đi ở mỗi cầu thang đều có đèn báo hiệu và bảng chỉ dẫn thoát hiểm. Hệ thống hút khói và cản gió cũng được lắp đặt, hạn chế lửa và khói tuôn vào cầu thang thoát hiểm. Còn ở tòa nhà Diamond Plaza, một nhân viên quản lý cho biết, cao ốc 20 tầng này có hẳn một sân rộng dành cho máy bay trực thăng cứu nạn. Cùng một lúc, tại đây có thể tập trung cả 1.000 người.
Về trang bị là vậy, nhưng công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn ở các cao ốc không thực sự làm mọi người yên tâm. "Từ trước đến nay, khi thao diễn phòng cháy chữa cháy, mọi người mới học cách dập lửa chứ chưa chú trọng đến việc sơ tán nạn nhân", ông Hồ Văn Quân, cán bộ hưu trí ngụ tại phường 13, quận 5, nói. Theo ông, nếu có cũng chỉ là ấn chuông báo động cho mọi người chạy và trong điều kiện lý tưởng là không có khói. Còn nếu phát sinh cháy, khói sẽ tỏa rất nhanh và người ta có thể chết ngạt trước khi tìm ra lối thoát.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an TP HCM, cho rằng những tòa nhà cao tầng có thiết kế cửa sổ kính hoàn toàn kín là không thật thuận lợi đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn, khói sẽ là tác nhân gây hậu quả lớn. Vì vậy, cấu tạo cửa sổ của các cao ốc phải mở được ngay khi có khói. Bên cạnh đó, hệ thống thông gió phải thực sự phát huy tác dụng.
Về phía ngành xây dựng, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết, nếu xét riêng về thiết kế và thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ thì các cao ốc mới xây trên địa bàn đều đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho rằng "tòa cao ốc thiết kế kín sẽ không thật sự hoàn hảo đối với công tác cứu hộ". Với những tòa nhà kiểu này, yêu cầu về hệ thống thông gió, thoát khói phải rất khắt khe. Trong những trường hợp đặc biệt thì vẫn phải đập vỡ cửa sổ để phục vụ cho công tác cứu hộ.
Ông Hiệp bổ sung, với những cao ốc, các thiết bị sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như ống trượt, đệm nhảy hay thang dây phải là của lực lượng chuyên nghiệp.