Không chắc chắn đỗ đại học, nhiều gia đình đặt hết hy vọng vào kỳ thi cao đẳng và trung cấp. |
Nỗi căng thẳng từ hai đợt thi trước tạm lắng xuống, nỗi buồn nguôi ngoai và niềm vui cũng tạm giấu kín, các bậc phụ huynh lại khăn gói cùng con bước vào kỳ thi cao đẳng. Không giống đợt thi đại học, các gia đình đưa con đi thi cao đẳng với tâm trạng khác nhau.
Trước cổng trường tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy), người nhà thí sinh đang uể oải chờ đợi. Để chuẩn bị cho 90 phút vạ vật bên ngoài, như đã có kinh nghiệm, nhiều người mang theo áo mưa và quạt giấy để trải xuống vỉa hè và tranh phủ chợp mắt.
Hai phụ nữ trung niên đang nằm thoải mái trên yên xe máy sẽ không làm những người xung quanh phải chú ý nếu như câu chuyện của họ không to quá mức và cũng không liên quan tới con cái thi cử. Vắt chân chữ ngũ, đầu gối lên mũ bảo hiểm cài trên yên xe, hai phụ huynh rôm rả kể chuyện, thỉnh thoảng, họ lấy tờ rơi che lên mặt cho đỡ nắng.
Vừa phe phẩy quạt, cô Nguyễn Thị Tính (Long Biên, Hà Nội) vừa giãi bày: "Con tôi cứ nằng nặc đi thi cao đẳng mặc dù đợt thi khối D vừa rồi nó làm bài khá tốt. Lấy đáp án trên mạng, nó tự chấm cũng được khoảng trên 20 điểm nhưng vẫn chưa yên tâm. Hôm nay đành phải nghỉ buổi họp mặt để đưa con đi thi. Nó còn dọa tôi, năm nay mà đỗ, sang năm nó còn thi tiếp".
"Cùng cảnh ngộ" với người phụ nữ ấy, ông Vũ (Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi bảo không đi nữa nhưng gia đình vẫn muốn thi tiếp nên đành vậy. Thi đại học, thằng con tôi vào sư phạm ngoại ngữ. Tính chặt tay nó được khoảng được 25 điểm. Năm ngoái nghe đâu khoa đó chỉ có 24,5 thôi".
Vẻ tự hào hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông 50 tuổi khi nói tới cậu con trai giỏi giang của mình. Mặc dù ước tính điểm thi khá cao nhưng theo ông Vũ, "hàng xóm đưa con đi nên mình cũng đi. Nó còn thi được thì cho thi để nó toại nguyện". Mặt ông chợt thoáng buồn khi nhắc tới các khoản chi phí đưa con đi ứng thí trong suốt hai ngày: "Đành phải tiết kiệm tối đa thôi".
Nhiều phụ huynh mang theo cả áo mưa để trải nằm chợp mắt đợi con hết giờ làm bài. |
Thấy vị phụ huynh ở Mỹ Đức khoe con mình chấm được 25 điểm, nhiều người nhà thí sinh khác cũng đến góp chuyện. Đưa con từ Mê Linh xuống thi, cô Nguyễn Xuân Thu tâm sự: "Giá như con mình được tầm ấy điểm thì giờ đã có thể ung dung ngồi nhà mà đợi giấy gọi. Đằng này, đại học xem như không có hy vọng nên mới phải cố gắng vớt vát cái cao đẳng".
Biết lực học con mình không khá giỏi, nhiều gia đình nuôi hy vọng ở kỳ thi này. Vừa trở về ít ngày từ Sơn La, bố con ông Toán (Lam Sơn, Thanh Hóa) lại vội vã ngược lên Hà Nội cho kịp ngày thi Cao đẳng Giao thông Vận tải. Người đàn ông hay chuyện còn rõ vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt đen sạm đưa chai nước lên uống trong lúc chờ con thi ngoài cổng trường. Ông kể: "Em nó thi khoa kế toán của Đại học Tây Bắc. Đề năm nay khó, chắc cũng chỉ được khoảng 16 đến 17 điểm thôi. Không chắc ăn nên tôi cố đưa nó đi thi cao đẳng".
Giọng nói ồm ồm, kể chuyện "thật như đất", ông Toán thương đứa con gái gầy chỉ nặng suýt soát 40 kg vẫn còn mệt mỏi sau kỳ thi đại học nhưng vẫn gắng gượng đi thi. "Nó say xe, nằm bẹp từ hôm đi Sơn La về rồi lại lên Hà Nội. Uể oải nhưng nó quyết tâm để thoát cảnh đồng ruộng. Nó bảo, không đỗ năm nay, kiểu gì cũng phải tìm một trường để học, quyết không ở nhà làm ruộng", ông Toán kể.
Ngày mai, thi xong, hai bố con ông lại dắt nhau về quê. Tiếng trống báo hết giờ vang lên, ông đứng dậy ngó mắt vào bên trong sân trường rồi nói với lại: "Gia đình chỉ lo được đến đây thôi, hết khả năng đi tiếp đợt trung cấp rồi. Thôi vậy, năm sau đi tiếp. Mong là đỗ cao đẳng".
Bình Minh