- Cách đây 8 năm, vừa nổi danh trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, cát-xê lên đến vài nghìn USD một show nhưng anh đã về để biểu diễn tại Việt Nam, tại sao vậy?
- Phải hiểu là mình đang làm gì? Với tôi, đơn thuần là làm nghệ thuật, làm nghệ thuật thì đâu cũng vậy, cũng phục vụ bà con, khán giả và vui với anh em bạn bè. Đâu phải ai cũng chống đối mình. Nghĩ thì vậy nhưng lúc đó tôi bị áp lực đè nặng. Tôi đã quyết tâm về vì dù ở đâu, cuộc sống vật chất có giàu sang thì cũng không thoải mái như sống ở Việt Nam, được ăn đồ Việt, nói tiếng Việt của mình thì còn gì khỏe hơn, và còn đi chỗ này chỗ kia cho vui.
Nghệ sĩ Hoài Linh và bạn diễn. |
- Sự trở về ấy có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của anh?
- Để làm một người hề mà người ta không coi rẻ mình thì cần kết hợp nhiều yếu tố. Chính bản thân tôi tự hỏi: Làm hề cuộc đời có bị đau? Và cũng tự trả lời chẳng có gì là đau khi gọi chữ hề đúng nghĩa. Chữ hề khác với "thằng hề". Nghề của mình vẫn là một nghề rất thiêng liêng, ít nhất là đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người qua tiếng cười. Khó lắm, vậy mà mình làm được cũng là hạnh phúc lắm rồi. Với hài, diễn phải có duyên, thâm thúy, châm biếm chứ đừng diễn cương để tạo tiếng cười rẻ tiền; làm hài phải đúng nghĩa là làm hài chứ đừng làm... "hèn".
Tôi trưởng thành, thành danh ở Mỹ nhưng thực sự thích diễn cho bà con ở xa, các tỉnh lẻ... tại quê nhà hơn. Tình cảm bà con dành cho mình ngộ lắm, mình cũng thấy gần gũi hơn khi diễn cho họ xem. Có thể bên Mỹ, tôi diễn ở sân khấu sang trọng, những con người ăn mặc sang trọng để đi xem nhưng con người tôi xem ra lại hợp với... ruộng đồng hơn, với những bài dân ca, những câu vọng cổ, những khán giả là những người nông dân cứ gặp mình là "ôi cha", "ngắt" rồi "nhéo" mình một cái, thật "dzui" với sự biểu lộ tình cảm nặng quá, thương quá như thế.
Tôi cũng chỉ làm hài. Vì thế, về Việt Nam tôi có điều kiện tiếp kiến với thầy Trần Ngọc Giàu để học diễn, học làm kịch và tham gia trong các vai chính kịch để thử sức mình. Tôi không được học bài bản từ trường lớp, về Việt Nam còn là để học, để làm cái gì xa hơn cho sân khấu.
- Anh được khán giả ái mộ, mỗi khi thấy anh trên sân khấu... dù chưa diễn thì họ đã cười. "Chiêu độc" của anh là gì?
- Chắc nhờ cái... duyên hài, đến giờ này tôi cũng không ngờ, không nghĩ mình là diễn viên hài. Tôi thích hát dân ca nhưng lại nhảy qua hài một cách ngang vậy đó. Còn thấy Hoài Linh, khán giả cười chắc là vì họ... thương. Linh có thể nói được giọng ba miền từ thuở nhỏ, giờ hay nói giọng bà con miền Trung vì lạ, ít người biết, khi khán giả nghe họ cười một cách hồn nhiên chứ không phải vì tôi "nhái" giọng hay "pha" tiếng.
- Trong nghiệp diễn của mình, anh sử dụng tiếng cười nhằm mục đích gì?
- Nghề đem tiếng cười đến khán giả là một nghề khó, làm cho khán giả cười được là mình hạnh phúc lắm rồi. Tiếng tăm do khán giả cho mình, mình cảm thấy hạnh phúc vì đáp lại chút gì đó. Duyên hài mỗi người mỗi khác, tôi thì gặp may mắn với những tiểu phẩm hợp với mình. Khán giả cứ nghĩ mình làm hài thì không bao giờ biết buồn. Có những lúc buồn thì vẫn phải cười, cười.
với tâm trạng của nhân vật, phải biết giải tỏa nỗi buồn để cười và cũng chính tiếng cười của khán giả đã giải tỏa, xoa dịu nỗi buồn của mình.
Mỗi khi hát bài Than thân trách phận là tôi buồn, buồn cho mình, cho những người nghèo. Có lúc, tôi khóc, dựa lên vai chị Hương Lan để khóc. Chị là người mà tôi có thể chia sẻ rất nhiều.
- Anh vừa tổ chức liveshow với chủ đề "Nỗi niềm riêng". Vì sao anh lại chọn cái tên này?
- Thành danh, danh vọng, tiền tài... tất cả thật là phù du. Có cái gì đó chưa được như lòng mình mong muốn, tôi cần sự yêu thương của đồng nghiệp, bạn bè, xã hội... Sống trên đời với tôi chỉ cần như vậy.
- Anh có nhận xét gì về sân khấu hài hiện nay?
- Sân khấu hài đang bị bão hòa, lắng lại sau thời gian lạm dụng quá nhiều, ai cũng làm hài được cả, hài rầm rộ từ ngõ ra phố. Hiện rất thiếu những kịch bản có tiếng cười sâu sắc, thiếu những tiểu phẩm mang tính châm biếm, phê phán.