Linh thích xem các vận động viên thể thao rơi vào thế bất lợi để học hỏi cách giải quyết vấn đề của cậu. |
Năm giờ trong phòng thi ở Thailand là khoảng thời gian căng thẳng, hồi hộp của cả Linh, các thầy và người thân ở nhà. Ở ngày thi đấu thứ nhất, đã có lúc cựu học sinh chuyên tự nhiên mất bình tĩnh. Điểm số trồi sụt nhưng cuối cùng Linh cán đích ở những giây phút quan trọng.
Trong số hơn 300 thí sinh đến từ 77 quốc gia, nhiều người từng "chinh chiến" ở Olympic sáu lần. Hầu hết đối thủ đều ở đẳng cấp cao hơn và kinh nghiệm thi đấu dày dạn, trong khi bốn thí sinh của đội tuyển tin học quốc gia Việt Nam đều lần đầu có mặt. Trước khi thi đấu, Linh cũng tìm hiểu đối thủ và thực sự nể phục thành tích của các bạn.
Linh cho hay, khác với mọi năm, thí sinh được biết điểm ngay, vì vậy họ có thể kịp thời tăng tốc khi cần thiết. Ở ngày thi đấu thứ hai, tại 30 phút cuối, Linh ghi được 207 điểm và chắc chắn giành HCB. Đề thi gồm ba bài, mức độ khó tăng dần. Vì mục tiêu ôn luyện ban đầu chỉ giành HCB nên Linh làm theo chiến thuật từ dễ đến khó. Linh chỉ mất 25 phút để làm xong bài dễ. Nhận thấy bài khó nhất có thể lên điểm, cậu tập trung hết sức để hoàn thành. 8 phút cuối cùng, chàng trai sinh năm 1993 bứt phá và giành được 12 điểm quyết định để được HCV.
Theo Linh, thông thường các đối thủ mạnh có mục tiêu HCV thường dùng chiến thuật đánh thẳng bài khó. Tuy nhiên lượng sức mình chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu, Linh ôn luyện các dạng bài để có HCB. Cậu chia sẻ, nhiều trường hợp của đội tuyển Việt Nam thi đấu ở kỳ Olympic trước đặt mục tiêu vàng. Lúc thi đấu do loạn chiến thuật kèm áp lực tâm lý khiến không thể đạt thành tích như mong muốn.
"Tham dự kỳ thi lần này, em giữ cho mình tâm lý thoải mái. Nếu không được giải thì đây là một trải nghiệm quý. Em không muốn vì áp lực huy chương vàng mà phá hỏng mất trải nghiệm thú vị ấy", sinh viên ngành Khoa học máy tính ĐH Công nghệ Hà Nội tâm sự.
Kiệm lời và ít chia sẻ, chàng trai quê xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) cho hay lúc biết được việc giành HCV, cậu vẫn bình tĩnh bởi thời điểm đó thí sinh các nước vẫn đang thắc mắc điểm số. Linh bảo, tính cách này cậu bị ảnh hưởng mỗi lần xem các vận động viên thể thao thi đấu. Cậu thích xem họ rơi vào thế bất lợi để học cách giải quyết tình huống khó. Môn thể thao yêu thích của Linh là đua xe công thức một và cờ vua.
Những lúc ngoài máy tính, Linh thích chơi đùa cùng em gái. |
Kết thúc cuộc thi, cậu cùng các bạn trong đoàn trao đổi bài vở. Có bạn tiếc khi chỉ còn thiếu năm điểm nữa là chạm HCB. Ngồi nghĩ lại, Linh thấy mình có thể đạt HCV ở ngay một giờ đầu tiên nếu phân bổ thời gian hợp lý.
Hơn hai tháng cùng các bạn ôn luyện cho Olympic, Linh bị cách ly với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của cậu chỉ suốt ngày quanh quẩn với máy tính. Có lần đang đi họp lớp cùng nhóm bạn, bị thầy gọi về, cậu cảm thấy buồn nhưng cũng hiểu cần tập trung ôn.
Trước năm lớp 10, máy tính vẫn còn lạ lẫm với Linh. Thời điểm đó, bố mẹ cậu tỏ ra lăn tăn khi con trai thi vào chuyên tin của trường chuyên ĐH Khoa học tự nhiên. Đến giờ, Linh không hối hận với quyết định thi vào đây bởi nhờ đam mê, máy tính đã mang lại cho cậu HCV. Theo Linh, máy tính luôn mang tới điều kỳ diệu và giúp cậu kết nối với thế giới bên ngoài. Hiện tại, cậu vẫn thường xuyên tham gia nhiều cuộc thi tin học trên mạng vừa để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm thi đấu của các bạn thế giới.
Trong mắt người thân, Vương Linh vẫn là cậu bé không biết cách ăn mặc và hiếu chiến. Cậu luôn muốn là người chiến thắng trong mọi cuộc thi. Ở nhà, cậu thích chơi đùa và dạy em học máy tính.
Với thành tích vừa đạt được, Linh đủ điều kiện để đi học nước ngoài nhưng chàng sinh viên trên vẫn còn nhiều dự định ấp ủ trước khi du học. Nhắc tới bạn gái, Linh ngượng ngùng nói vẫn một mình. Không hào hứng như khi nói về máy tính, Linh chỉ tiết lộ thích bạn gái biết thông cảm.
"Ngành của em nhiều khi phải dành cả tháng trời ôn luyện nếu bạn ấy không chịu hiểu thì sẽ khó chia sẻ. Hơn nữa em ăn nói cũng không xì tin như các bạn bây giờ nên không dễ để có bạn gái", "chàng trai vàng" bộc bạch.
Bình Minh