Một ngày giữa những năm 1970, Roy Raymond, thạc sĩ kinh tế Đại học Stanford, nảy sinh ý định mua quà tặng vợ. Sự xuất hiện của Roy trong cửa hàng đồ lót nữ khiến ông chịu cái nhìn khó hiểu của đám nhân viên. Bỏ qua những tiếng cười thầm, điều khiến thạc sĩ Stanford tức giận hơn chính là việc mất nhiều thời gian nhưng không thể chọn bộ đồ lót khiến vợ đẹp hơn.
Khi Roy đề cập vấn đề này với những người bạn khác giới, tất cả họ có chung nhận định nam giới mua đồ lót tặng bạn đời khá kỳ cục. "Tại sao chúng ta không thử làm gì đó khác với suy nghĩ cố hữu này", Roy thốt lên. Sau buổi trò chuyện nhiều tranh luận, ông quyết định thành lập chuỗi đồ lót để thay đổi nhiều định nghĩa về cái đẹp.
Thạc sĩ Stanford nhìn nhận, đồ lót phải quyến rũ và khiến phụ nữ đẹp hơn. Do đó, Roy truyền cảm hứng cổ điển với gam màu trầm, họa tiết hấp dẫn. Không lâu sau đó, cửa hàng Victoria's Secret ra đời tại một trung tâm mua sắm nhỏ vùng Palo Alto, California. Gia sản hai vợ chồng ông cùng gây dựng có số vốn khởi nghiệp vỏn vẹn 80.000 USD.
Ý tưởng của Roy vô tình tạo nên hiện tượng trong ngành công nghiệp đồ lót. Trước đó, vào những năm 50-60, hình thức đồ lót thường không được xem trọng. Những bộ đồ lót gợi cảm chỉ được sử dụng trong dịp trọng đại của người phụ nữ như ngày cưới, tuần trăng mật, lễ kỷ niệm.
Sự ra đời của Victoria's Secret khiến vẻ đẹp người phụ nữ được nâng tầm, giúp họ đẹp, quyến rũ hơn trong mắt người đàn ông. Theo đó, thiết kế của Roy đã loại bỏ tối đa chi tiết thừa, tôn lên bộ phận gợi cảm bằng thiết kế ôm đường cong…
Sau 5 năm hoạt động, Roy mở thêm ba của hàng tại San Francisco. Doanh thu công ty có thời điểm đạt hơn bốn triệu USD. Dù việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, nhưng Roy vẫn thấy có điều gì đó trong chiến lược kinh doanh gặp vấn đề.
Cơ duyên mở rộng thương hiệu của Roy tới khi Enter Leslie Wexner, một trong những nhân vật nổi danh trong ngành trang phục thể thao tình cờ đi ngang qua cửa hàng Victoria's Secret. “Một cửa tiệm nhỏ với tiềm năng lớn. Tôi chưa từng thấy cửa hàng đồ lót nào hấp dẫn như vậy tại Mỹ”, Enter Leslie Wexner, thốt lên.
Với con mắt nhà nghề lọc lõi, Enter không khó nhận thấy những vấn đề trong mô hình kinh doanh của thương hiệu. Điều Roy đang thiếu chính là chỉ tập trung thu hút nam giới mua đồ lót mà bỏ mặc nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn gấp nhiều lần là phái đẹp. Enter tin có thể khiến Victoria's Secret phát triển hơn gấp nhiều lần.
Cuộc giao dịch năm 1982 chứng kiến sự kiện chuyển giao quyền lực giữa Roy và Enter. Theo đó, Roy đã bán Victoria's Secret với giá một triệu USD đồng thời làm chủ tịch điều hành công ty cho tới khi từ chức sau đó một năm.
Rời Victoria's Secret, Roy vẫn nuôi mộng làm chủ đế chế kinh doanh riêng. Lần này, ông rẽ hướng sang kinh doanh quần áo trẻ em và thương hiệu My Child's Destiny ra đời.
Đứa con tinh thần thứ hai chào đời đánh dấu sự xuống dốc của cuộc đời Roy. Chiến dịch marketing yếu kém, sản phẩm không tiếp cận với nhiều khách hàng cùng sự cạnh tranh gay gắt khiến công ty nhanh chóng phá sản sau đó ba năm.
Thạc sĩ Stanford bỗng trở nên tay trắng. Roy ly dị vợ, mất toàn bộ nhà cửa. Năm 1993, ông tự tử ở cầu Cổng Vàng, để lại cho hai đứa con không gì khác ngoài những ký ức thăng trầm về người cha.
Qua nhiều thập kỷ, Victoria's Secret trong tay Enter đổi chiến lược hoạt động toàn cầu. Năm 1995, công ty được định giá một tỷ USD và có 670 cửa hàng toàn nước Mỹ.
Hiện Victoria's Secret là một trong những thương hiệu đồ lót nổi tiếng thế giới, nơi đào tạo nhiều siêu mẫu nổi tiếng như Helena Christensen, Tyra Banks, Adriana Lima, Alessandra Ambrosio..., được hàng triệu phụ nữ khắp thế giới sử dụng. Bên cạnh đó, những bộ đồ lót gắn mác Victoria's Secret còn thường xuyên xuất hiện trong tủ đồ của những người nổi tiếng như Jennifer Lopez, Vanessa Hudgens, Selena Gomez, Megan Fox, Hilary Duff, Holly Madison, Kristin Cavallari, Miley Cyrus…
Huyền Trang