Tiệc trăng máu là phiên bản Việt hóa của phim Perfect Strangers đến từ điện ảnh Italy. Trước đây, phim từng có hơn 10 bản làm lại của Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc...
Câu chuyện phim xoay quanh một buổi hội ngộ của bốn người đàn ông trung niên thân thiết 40 năm và các cô vợ của họ. Tụ tập ăn tiệc và ngắm nguyệt thực (trăng máu), họ bước vào trò chơi đầy may rủi, đó là công khai toàn bộ tin nhắn, cuộc gọi, email gửi đến trong tối hôm đó. Tò mò bí mật của người khác nhưng lo sợ người khác biết bí mật cá nhân, mỗi người tìm cách tự bảo vệ chính mình. Dẫu vậy, từng câu chuyện phía sau màn đen bị lật tẩy khiến tình yêu, tình bạn, tình thân của bảy người rạn nứt.
Được dùng làm tên phim, hình ảnh trăng máu mang tính biểu tượng, phản ánh một phần hiện thực của xã hội đương đại. Muôn chuyện trên đời giống như nguyệt thực, luôn có một phần bị che khuất đi theo cách vô tình hoặc hữu ý.Với ý tưởng như vậy, Tiệc trăng máu mang đến bữa tiệc của những dối gian, biến người thân trở nên xa lạ.
Bảy nhân vật chính của phim che giấu trong lòng nhiều chuyện khó nói. Có người che giấu bản ngã bởi sợ bị dè bỉu, bị làm tổn thương. Có người che giấu tình trạng sức khỏe, tâm lý, tiền tài vì trọng sĩ diện. Có người che giấu ác cảm với người đối diện vì muốn giữ mối quan hệ giả lả, bằng mặt không bằng lòng. Có người che giấu thói trăng hoa để thỏa mãn lòng tham trong tình cảm. Cùng là một sự che giấu, ở góc nhìn này là hợp tình hợp lý, ở góc nhìn khác lại trở thành không thể chấp nhận.
Những lừa dối trong Tiệc trăng máu được đặt vào nhiều kiểu quan hệ giữa các nhân vật: giữa vợ với chồng, giữa hai người bạn, giữa một nhóm vài ba người với một người bị "đá" ra bên lề.
Bác sĩ thẩm mỹ Quang (Hứa Vĩ Văn đóng) và bác sĩ tâm lý Nguyệt Ánh (Hồng Ánh đóng) là cặp vợ chồng kiểu mẫu khiến ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ, thậm chí đố kỵ. Họ hạnh phúc, giàu có, thành đạt, có con gái ngoan. Nhưng đúng như ông bà xưa có câu: "Ở trong chăn mới biết chăn có rận". Phía sau những hào nhoáng bề ngoài, Quang và Ánh có nhiều rạn nứt vô hình, những bí mật khó nói, những nỗi buồn suy tư mà chỉ họ mới sáng tỏ.
Trái lại, nhà báo Phan "Bất" Bình (Thái Hòa đóng) và bà nội trợ yêu thơ Thu Quỳnh (Thu Trang đóng) lại là cặp đôi nhìn bề ngoài đã thấy cơm khó lành, canh khó ngọt. Quỳnh một lòng cung phụng chồng con. Đáp lại, Bình luôn hướng về vợ ánh nhìn định kiến, khinh thường. Bình cất giữ nhiều điều không thể cho Quỳnh biết. Còn sau lưng Bình, Quỳnh cũng âm thầm làm những việc cô biết chắc sẽ làm chồng nổi cơn thịnh nộ.
Chưa thực sự bước vào hôn nhân, Nhật Linh (Kiều Minh Tuấn đóng) và Kathy (Kaity Nguyễn đóng) tô hồng tình yêu với nhiều mơ mộng. Mấy ai biết rằng phía sau những lời đường mật, cử chỉ tình tứ bất kể lúc riêng tư hay ở trước đông người là nhiều điều gian dối khởi nguồn từ thói trăng hoa.
Những mối quan hệ thiếu thật thà dẫn đến bao bi kịch với từng nhân vật. Tiệc trăng máu dễ khơi gợi sự đồng cảm, liên hệ cá nhân nơi khán giả bởi sự thiếu tiếng nói chung giữa cha mẹ và con cái, ác cảm mẹ chồng - nàng dâu hay bố vợ - con rể, sự kỳ thị giới tính, thói quen hối thúc cưới hỏi, những tọc mạch đời tư người khác, nỗi tủi thân của người bạn dị biệt thường bị gạt ra bên lề cuộc vui chung.
Rõ ràng, mỗi nhân vật trong Tiệc trăng máu khổ nhiều hơn vui. Có lúc, họ phải rơi nước mắt. Nhưng phim không bi lụy mà đậm tính giải trí. Bởi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và biên kịch Bình Bồng Bột dùng cách kể hài hước, trào lộng để phản ánh và châm biếm những gian dối, mặt xấu của đời thường. Xem phim, ta cười mỏi miệng vì những mảng miếng bông đùa, nói kháy nhau giữa các tuyến vai chính. Nhưng sau những tiếng cười đã đời, ta phải suy ngẫm nhiều, cảm thấy đồng cảm nhưng cũng có thể thấy chột dạ vì sự đồng điệu giữa tình huống trong phim với chuyện thật của mình.
Điều hấp dẫn nhất trong kịch bản Tiệc trăng máu là những cú "lật mặt" liên tục của tình huống và nhân vật. Đã là phiên bản thứ 15 của Perfect Strangers, phim khó gây bất ngờ với những người đã xem các bản phim trước, nhưng hoàn toàn có thể tạo nên sự hứng khởi và thích thú trong lòng những khán giả lần đầu biết tới câu chuyện này.
Dù là phim remake, Tiệc trăng máu được khéo léo thổi hồn Việt thông qua các chi tiết như văn hóa ẩm thực, địa danh, lối sống, cách xưng hô và thành công nhất ở lời thoại. Những câu bông đùa hơi tục, hơi thô nhưng không phản cảm giữa cánh mày râu; những kiểu từ lóng, chơi chữ dí dỏm được vận dụng hiệu quả, mang đến tiếng cười và tạo độ thâm sâu trong ý tứ châm biếm.
Trong 14 phiên bản trước đó của Perfect Strangers, Tiệc trăng máu gần gũi nhất với bản Hàn Quốc - Người quen xa lạ. Tuy nhiên, tác phẩm của Việt Nam có ưu điểm lớn hơn phiên bản tiền nhiệm ở việc cài cắm các tình tiết nhỏ - thái độ, ánh nhìn các nhân vật dành cho nhau, đặc biệt là ở nhân vật Nguyệt Ánh. Khi xem, khán giả có thể thấy lạ lùng, hồ nghi và đưa ra phán đoán với những điểm này. Nhưng tới cuối phim, khi màn kịch bí mật buộc phải hạ màn, người xem sẽ vỡ òa ẩn ý dẫn dắt trong đó.
Khép lại với thông điệp: "Mỗi người đều sống ba cuộc đời: công khai, riêng tư và bí mật", Tiệc trăng máu đưa ra giả thiết: nếu những bí mật tiếp tục được giấu giếm, các nhân vật sẽ yên ổn thế nào. Làm người xem bật cười liên tục, bộ phim sau cùng đặt khán giả vào giữa hai lựa chọn: hạnh phúc trong dối lừa hay đổ vỡ, chia ly vì sự thật. Bộ phim tiếp tục chiếu tại các rạp toàn quốc.
Phong Kiều