Lá thư nặc danh và gói thuốc lạ!
Trước khi quyết định tổ chức đám cưới với anh tại Việt Nam, tôi đã có một người bạn trai tên N. ở bên Mỹ. Tình cảm của chúng tôi cũng từng tính đến chuyện hôn nhân. Tuy nhiên, vì N. lớn lên ở Mỹ, còn tôi vẫn là một cô gái rất Việt Nam, nên có những thứ khiến chúng tôi cứ mãi khác biệt. Ví dụ như tôi thích ăn những món như mắm tôm, kho quẹt,... vốn là những thứ rất Việt Nam, còn N. lại thích ăn hamburger, chicken,... là những thứ rất Mỹ.
Tôi chỉ biết tiếng Việt, còn gia đình N. ngồi bên nhau chỉ nói toàn tiếng Anh. Tôi thích tụ tập ồn ào bạn bè sôi nổi, còn N. thích lặng lẽ đi tìm một góc riêng. Chính những chuyện nhỏ nhặt như vậy không dẫn đến mâu thuẫn, xung đột gì nhưng chúng tôi cảm thấy vẫn có điều gì đó vẫn còn xa cách, vẫn chưa chia sẻ hết được với nhau. Chúng tôi tạm thời xa nhau một thời gian để suy nghĩ kỹ hơn.
Trong thời gian đó, tôi được gặp anh. Lần đầu gặp nhau ở Mỹ, qua sự giới thiệu của mấy người bạn, tôi cũng không ấn tượng gì đến anh. Chúng tôi chỉ trao đổi những câu xã giao với nhau, nhưng khi trở về Việt Nam, anh lại một lần đến thăm nhà tôi. Lúc đó nhà tôi đang tổ chức nấu nướng thì anh đến với những người bạn. Bây giờ nhớ lại, tôi chợt nhận ra rằng kể từ sau lần đó, anh thay đổi thái độ với tôi khác hẳn. Những ngày sau anh luôn chủ động mời tôi đi ăn tối, rồi kể cho tôi nghe những câu chuyện của cuộc đời mình.
Anh kể cuộc hôn nhân đầu tiên không được hạnh phúc vì người vợ ngoại tình, khiến anh hay uống rượu cũng vì buồn. Bảy năm sau đó, anh lại kết hôn với một người nữ Việt kiều khác ở Mỹ, rồi mang hai đứa con gái sang đó định cư. Cô vợ này sinh cho anh đứa con trai nên anh rất vui mừng vì có đứa nối dõi tông đường. Anh cũng chuyển hết tiền bạc qua Mỹ để mua nhà cửa.
Tuy nhiên, như theo lời anh kể thì người phụ nữ này chỉ quan tâm đến tài sản của anh mà không tỏ ra tử tế gì với ba cha con anh. Anh kể, người vợ này luôn tỏ ra rất xét nét, chi li trong từng chuyện ăn ở của ba cha con anh. Giữa nước Mỹ đầy đủ vật chất, tiện nghi mà ba cha con anh phải sống như những người thiếu ăn, thiếu mặc. Có lần người vợ này nhốt cả ba cha con anh ngoài trời tuyết lạnh, mặc ba cha con anh lên tiếng van xin, nài nỉ như thế nào đi chăng nữa.
Chỉ vì người đàn bà đó muốn gây áp lực về tài sản và không muốn cho hai đứa con anh ở chung. Sau đấy, cô còn đòi li dị để lấy luôn căn nhà và anh ra đi với hai bàn tay trắng. Anh kết luận rằng, cuộc đời anh quá bất hạnh và chưa biết thế nào là hai chữ hạnh phúc. Chính những câu chuyện khổ sở trên đất Mỹ được anh kể ra trong những dòng nước mắt đã khiến tôi đồng cảm trước hoàn cảnh của anh nên rơm rớm khóc theo!
Ngay từ nhỏ, ký ức lớn nhất của tôi là chuyện ly hôn của cha mẹ, là sự bạc bẽo và hành hạ khổ sở của người mẹ kế. Năm tôi lên 10 và em trai 7 tuổi thì ba tôi cưới vợ khác. Tôi coi như “mất” ba từ đó. Mỗi lần chị em tôi muốn thăm ba là mỗi lần khó khăn, luôn bị cản ngăn không cho gặp bởi người mẹ kế. Bà luôn muốn cắt chia tình cảm của chị em tôi với cha. Nếu có những buổi ăn chung mâm, bà soi xét từng miếng cơm miếng cá. Rồi khi tôi lớn lên, trở thành một người nghệ sĩ, tôi muốn cha mình đến xem buổi diễn của tôi nhưng cha tôi phải “trả giá” cho những lần xem sô diễn của tôi ở Nha Trang là khi về nhà, ông bị đóng cửa nhốt ở ngoài cả đêm, cũng dưới trời giá rét.
Hay những lúc tôi bước lên bục vinh quang, giành giải thưởng cho một diễn viên hài thì trong đêm ấy ba tôi lại lẳng lặng lên tàu từ Sài Gòn về Nha Trang vì bị áp lực. Tôi nhớ mình đã khóc thét lên trong điện thoại với ba như thế nào với nỗi uất ức, đau xót như bóp nghẹt con tim ấy. Cuộc sống của tôi, sau những vai diễn hài là nước mắt!
Ký ức đó đã theo chị em tôi suốt năm tháng tuổi thơ, cho đến khi trưởng thành, bằng những giọt nước mắt xót xa, tủi thân không biết chia sẻ cùng ai. Không có gì trong con người tôi có thể mạnh hơn cái ký ức tuổi thơ có thể bật khóc bất cứ lúc nào đó. Không hiểu sao qua cách kể chuyện của anh, tôi cảm giác như câu chuyện của anh là câu chuyện của tôi ngày xưa, tình cảnh của hai đứa con anh chính là tình cảnh của hai chị em tôi hồi xưa. Hình ảnh anh cũng bị người phụ nữ ấy toan tính, ích kỉ và tham lam giống như cha tôi cũng từng bị vậy.Giữa hai chúng tôi như có một điểm chung về số phận.Anh chạm đến nỗi lòng, chỗ mềm yếu nhất của tôi lúc nào không biết!
Những lần qua thăm gia đình anh sau này, mẹ và các chị em gái của anh cũng đối đãi với tôi lịch sự và đầm ấm. Họ thường ngồi vây quanh tôi, trong câu chuyện về anh họ luôn xót xa rằng anh bất hạnh trong hạnh phúc. Điều đó đã tác động đến tôi rằng nếu có thể giúp anh được gì thì tôi sẽ hết lòng giúp đỡ.
Có một chuyện khiến tôi cứ thắc mắc mãi trong suốt những năm qua. Đó là thời gian tôi bỗng dưng bị bệnh, anh đã chủ động săn tìm những loại "thuốc lạ" cho tôi uống.Anh còn nói loại thuốc này rất quí và hiếm anh phải tìm Thầy giỏi để mua với giá gần mười triệu đồng. Anh đưa cho tôi một chai nước màu đỏ, bảo tôi uống thường xuyên để chữa bệnh và khỏe mạnh,còn gói bột màu hồng thì bảo tôi nên mang theo bên mình để "phòng thân"để không bị tiểu nhân hãm hại.Lúc đấy,tôi rất cảm kích với tấm lòng của anh.
Tuy nhiên, tôi chẳng hiểu sao cứ uống mỗi khi uống xong chai thuốc màu đỏ là đầu óc tôi bị mê muội,cứ như người "mất hồn". Vài ngày sau tôi không uống nữa vì thấy hơi ghê ghê, còn gói bột hồng tôi cũng sợ sợ nên không bỏ vô người để phòng thân như anh dặn.Bởi thế, sau khi uống loại thuốc được chứa trong chai màu đỏ xong, anh nói gì tôi cũng nghe theo, thậm chí trong nhà băng có bao nhiêu tiền tôi cũng rút sạch. Tôi hoàn toàn tin tưởng anh một cách mù quáng và mê muội.
Nhờ sự gần gũi của việc chăm sóc bệnh tật đó, chúng tôi càng thêm thân thiết. Lúc này anh mới nói với tôi rằng anh đang có một dự án về xử lý môi trường rất lớn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nên muốn tôi nên hùn vốn cùng đầu tư. Anh thuyết phục tốt, còn tôi vì tin tưởng anh nên đã ủy quyền để anh thế chấp căn nhà lấy 6 tỷ đồng mà có tiền đầu tư vô dự án.
Thời gian đó, có những đêm nằm mơ, tôi thấy mình có những giấc mơ lạ và rất khủng khiếp. Tôi thấy ngôi nhà của mình không hiểu sao bị cháy rụi hết chỉ còn trơ lại mấy cây cột. Tôi đã khóc trong giấc mơ của mình cho đến sáng. Nhưng rồi, tôi biết đó cũng chỉ là chuyện giấc mơ, là cảm giác lo lắng, sợ hãi mơ hồ thoáng qua sớm bị xua đuổi đi bởi bao tất bật đời thường.
Rồi một ngày tôi nhận được một lá thư giấu tên, được gửi đến từ cơ quan hải quan cũ của anh. Lúc đầu họ gửi bằng e-mail, nhưng tôi thì vốn "dốt" về internet nên chỉ biết la lên: “Anh ơi, xem người ta gửi gì mà nói xấu anh tùm lum nè!”. Lúc đó, tôi còn chưa đọc được kỹ. Tôi nhớ anh có ghé mắt xem, rồi anh nhanh chóng tự tay xóa đi e-mail đó và anh nói, vì họ vu khống, nên anh sẽ cho người bắt họ.
Sau đó, họ không bỏ cuộc mà còn gửi lại lá thư dài qua đường bưu điện. Lần này tôi giấu anh nên để đọc một mình. Những lời lẽ trong thư rất lịch sự và từ tốn, đã vạch cho tôi biết những chuyện của anh kể với tôi trước đây đều không phải là sự thật. Không có chuyện người vợ trước không chung thủy với anh nên gia đình đổ vỡ. Cũng không có chuyện người vợ thứ hai hành hạ cha con anh như những gì anh đã kể. Họ nói rất nhiều về lý lịch, về sự trưởng thành của anh và những lý do họ cảm thấy lo lắng vì tôi không hiểu biết gì về anh. Họ khuyên tôi rằng hãy cẩn thận, vì con người anh chỉ biết tiền chứ không biết đến chữ tình.
Lúc này tôi hoang mang và hơi có chút lo sợ vì tài sản tôi đã giao cho anh. Tôi muốn rút tiền bạc ra nhưng vì tất cả dự án đã bắt đầu khởi công xây dựng tôi có muốn rút ra cũng không được theo như lời anh nói. Tôi bắt đầu tính phóng lao thì phải theo lao!