Thanh Hoa sinh năm 1982, học võ từ 17 tuổi và bén duyên với công việc cascadeur 5 năm sau đó. Cô từng đóng thế cho nhiều ngôi sao, diễn vai quần chúng trong nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Năm ngoái, cô được công chúng biết đến rộng rãi nhờ vai bà trùm Thanh Sói của phim Hai Phượng.
Đối lập với vẻ dữ tợn trên màn ảnh, Thanh Hoa ở ngoài hiền lành và hay ngượng. Kể về những vui buồn trong nghề và cuộc sống riêng, cô hay cười lạc quan nhưng đôi lúc khóe mắt hoe đỏ. Sau hơn một năm hào quang chợt đến, cô không còn quá stress vì bất ngờ nổi tiếng, nhưng gặp nhiều áp lực trên con đường chuyển hướng làm diễn viên. Dù nhiều cơ hội phim ảnh tìm tới, Thanh Hoa vẫn duy trì cửa hàng cá ngoài chợ và công việc dạy võ. Hơn 10 năm trải nhiều sóng gió sau khi ba mẹ mất, cô vùi đầu vào công việc để chăm lo cho các em, dành dụm với mong ước sửa sang căn nhà của gia đình.
Biết điệu sau phim 'Hai Phượng'
- Sau vai Thanh Sói trong phim ‘Hai Phượng’, cuộc sống của chị thay đổi thế nào?
- Chỉ sau một đêm phim ra mắt, cuộc sống của tôi thay đổi nhiều. Lúc đến với Hai Phượng, tôi chỉ đơn giản nghĩ vai diễn hợp với mình và tôi đóng phim để kiếm tiền như trước giờ vẫn vậy. Được khán giả, báo chí quan tâm, đương nhiên tôi rất vui, nhưng tôi cũng stress một thời gian vì chưa có sự chuẩn bị về tâm lý. Tôi sợ mình quen thói có sao nói vậy, chẳng may nói gì nhạy cảm. Một số báo đài ngỏ ý tới quay cửa hàng của tôi ở chợ, nhưng tôi từ chối. Tôi ngại phô bày quá nhiều chuyện riêng tư. Có những người sẽ thương hại tôi và cũng có những người sẽ định kiến rằng tôi mượn chuyện nghèo khó để PR bản thân.
Nhờ vai Thanh Sói, tôi ra đường được nhiều người nhận ra, đề nghị chụp ảnh chung. Nhiều anh em trong nghề gửi lời chúc mừng. Hàng xóm, bạn hàng ở chợ trêu tôi ở ngoài hiền khô mà lên phim "hổ báo" quá. Đó là những niềm vui mới đối với tôi. Nhưng khi về với cuộc sống đời thường, tôi vẫn là tôi. Sáng, tôi vẫn ra chợ bán cá. Chiều tối, tôi vẫn tập cascadeur, lo việc nhà cửa, đóng phim nếu có dự án. Người nhà dĩ nhiên hãnh diện về tôi nhưng mọi người không thể hiện nhiều.
- Nhờ hiệu ứng của ‘Hai Phượng’, các cơ hội phim ảnh tìm tới với chị như thế nào?
- Sau Hai Phượng, tôi từ chối một số dự án vì không phù hợp. Gần đây, tôi hoàn thành vai chính trong web-drama Bánh bèo hữu dụng, tham gia diễn trong phim ca nhạc Ngược dòng Nguyên Hương 239 của ca sĩ Phương Thanh. Ngoài ra, tôi nhận được hai lời mời phim điện ảnh.
Giống như lúc trước, giờ người ta mướn tôi chỉ để đánh lộn thôi (cười). Có lúc, tôi lo mình bị đóng khung một dạng vai hoặc "chết vai" với nhân vật Thanh Sói. Nhưng nghĩ kỹ lại, mỗi phim là một vai, nên tôi vẫn nhận khi có cơ hội. Tôi không có lợi thế ngoại hình, không qua trường lớp đào tạo về diễn xuất, chưa diễn tâm lý được như các diễn viên khác. Có điều tôi tin mình sẽ tốt dần lên bằng sự tôi luyện. Tôi muốn mình không chỉ mãi "hổ báo" trên màn ảnh, mà có thể biểu đạt nhiều kiểu cảm xúc.
- Vậy chuyển hướng làm diễn viên là ý định của chị từ trước hay nhờ vai Thanh Sói mà chị "thuận nước đẩy thuyền"?
- Thực ra, tôi không nghĩ nhiều đến việc theo đuổi nghề diễn viên. Bây giờ, nhiều người biết đến tôi, mời tôi đóng các vai hành động thì tôi tham gia. Hơn nữa, tôi cũng cần dành dụm tiền để xây nhà. Tôi xuất thân là dân võ, làm cascadeur vì đam mê và đến với diễn xuất vì niềm yêu thích. Nhưng đam mê, yêu thích không có nghĩa là tôi cố sống cố chết làm mà bỏ bê cuộc sống riêng. Tính tôi rất thực tế. Tôi vẫn duy trì việc buôn bán ở chợ và dạy võ để lo kinh tế của gia đình. Mỗi khi nhận phim, tôi đóng cửa hàng hoặc cho người khác thuê lại. Vậy thì, thù lao đóng phim phải đủ để tôi bù lại việc nghỉ buôn bán. Nếu bỏ việc này làm việc kia mà thu nhập không thỏa đáng, tôi không làm được.
- Từ cascadeur thành diễn viên, chị gặp những khó khăn nào?
- Tôi tự thấy mình thiếu kinh nghiệm lựa chọn kịch bản. Với một kịch bản không phù hợp, tôi không dám chê, sợ người ta nói mình chảnh. Nhưng nếu nhận, tôi thấy không thoải mái. Ngày xưa làm cascadeur, tôi không cần bận tâm về cát-xê và hợp đồng, vì anh Quốc Thịnh (người sáng lập CLB cascadeur Quốc Thịnh – PV) lo hết. Còn sau này làm diễn viên độc lập, tôi thấy nhiều thứ phức tạp. Có lúc, tôi muốn tăng cát-xê lại làm phật ý nhà sản xuất. Có lúc, vai diễn phù hợp nhưng điều khoản hợp đồng thiệt thòi cho mình quá, tôi đành lòng từ chối.
Nhiều người tỏ thái độ như muốn nói với tôi: "Chị chỉ là cascadeur, may mắn có chút danh tiếng, bấy nhiêu vậy là được rồi". Đúng, tôi được Tổ thương, từ cascadeur đi lên, nhưng tôi đâu có xin không của ai. Tôi bỏ công bỏ sức và làm việc nghiêm túc, thứ tôi nhận lại phải thỏa đáng.
- Diễn viên là công việc đòi hỏi ngoại hình. Nhiều diễn viên mới vào nghề chịu áp lực khi phải đầu tư quần áo, mỹ phẩm, đầu tóc dù cát-xê không nhiều. Chị có những trải nghiệm nào với chuyện này?
- Đúng là tôi có gặp những bạn trẻ như vậy. Còn với tôi, khán giả thích tôi không phải vì ngoại hình hay hàng hiệu, mà bởi sự mộc mạc, chân thành. Tôi muốn giữ điều đó cho mình. Dĩ nhiên sau khi được công chúng biết đến, tôi biết chăm chút cho bề ngoài của mình hơn, không xuề xòa như trước. Thậm chí, dạo này tôi thấy mình điệu hơn, sắm sửa mỹ phẩm, tập tành make-up (cười). Ngày xưa, tôi là dân võ bền, đâu có biết mấy chuyện này đâu. Khi có khán giả nhận ra mình, xin chụp ảnh cùng, nếu tôi lôi thôi lếch thếch quá cũng kỳ. Hơn nữa dù không phải diễn viên, phụ nữ cũng nên đẹp một chút.
Mấy anh chị đồng nghiệp khuyên tôi giờ có chút tiếng tăm rồi, không nên tiếc tiền mua cho mình những bộ đồ đẹp. Tôi tiếp thu nhưng trong điều kiện của mình thôi. Thay vì những bộ đồ vài triệu đồng, tôi chỉ mặc chiếc áo mấy trăm nghìn nhưng phù hợp với mình, miễn là chỉn chu và lịch sự.
Ấp ủ giấc mơ xây nhà
- Trở thành diễn viên và có chút danh tiếng, đời sống của chị cải thiện thế nào?
- Cát-xê của tôi hiện giờ cao hơn ngày trước. Các em tôi đều đã học xong, đi làm và phụ giúp tôi việc gia đình. Tôi vẫn là trụ cột kinh tế chính, nhưng không cần một mình lo hết như hơn 10 năm qua. Chị em tôi đều đổi được những chiếc xe máy cao cấp hơn. Mục tiêu hiện giờ của chúng tôi là dành dụm để trong ba năm tới có thể xây căn nhà của ba mẹ cao lên, mấy chị em có không gian sống thoải mái.
- Vậy tại sao chị không nghỉ hẳn việc bán cá để tập trung cho nghề diễn?
- Ngày xưa, tôi không thích nghề buôn bán này đâu. Nhưng đó là cái nghề truyền từ bà ngoại sang mẹ tôi. Sau khi mẹ tôi mất, tôi tiếp quản cửa hàng để nuôi ba đứa em. Giờ tôi có điều kiện hơn một chút, cũng đã có bằng sư phạm thể dục thể thao, nhưng tôi vẫn trân trọng cửa hàng của gia đình. Tôi chỉ buôn bán nhỏ thôi, vì ôm đồm nhiều quá mình tôi không kham nổi. Nghề nào cũng cần cái duyên, tới lúc cần thay đổi, tôi sẽ thay đổi.
- Giờ cuộc sống tốt hơn, nhìn lại những ngày vất vả trong quá khứ, chị thấy thế nào?
- Thường ngày vùi đầu vào công việc, tôi không nghĩ gì. Thỉnh thoảng nhớ đến ba mẹ hay nhìn thấy bạn bè sống cùng ba mẹ của họ, tôi lại tủi thân. Nhưng tôi chỉ buồn một mình. Tôi không thích kể lể. Với lại, tôi đón nhận sự đồng cảm của mọi người, nhưng rất sợ người ta thương hại mình.
Nhớ lại chuyện cũ, tôi tự hỏi mình đã vượt qua giai đoạn đó thế nào. Ba tôi mất năm 2007, mẹ tôi mất năm 2009. Khi mẹ mất, tôi không có sự chuẩn bị về tâm lý. Năm đó, tôi 27 tuổi, vừa đăng ký đi học lại lớp 6. Quá đau lòng, tôi từng nghĩ đến việc không học nữa. Nhưng rồi tôi tự nhủ, tôi là chị cả, nếu tôi suy sụp như vậy thì các em tôi biết làm sao.
Tôi lao vào công việc để mưu sinh. Mỗi ngày, tôi ngủ lúc 10 – 11h tối, thức dậy lúc hơn 2h sáng. Buổi sáng, tôi bán hàng. 1h trưa, tôi đi học. Chiều tối, tôi dạy võ. Một thời gian dài, tôi bỏ dở cascadeur. Mấy năm trời, tôi không gặp bạn bè, cũng không tìm hiểu, hẹn hò ai. Cũng may, tôi tập võ nhiều năm nên có sức khỏe.
- Có bao giờ chị nghĩ vì lo cho gia đình, chị bỏ lỡ những mối nhân duyên và cơ hội được hưởng thụ, dựa dẫm như nhiều phụ nữ khác?
- Lúc đó, tôi chẳng nghĩ được gì nhiều ngoài việc kiếm tiền là quan trọng nhất. Chuyện hưởng thụ không quan trọng, còn tình cảm thì tùy duyên. Duyên đi rồi không thể níu kéo. Cái gì không phải của mình thì giành giật cỡ nào cũng không thể là của mình.
Phong Kiều thực hiện