Lấy danh nghĩa người nhà kể về tuổi thơ, thời niên thiếu và giai đoạn trưởng thành của ba anh em không cùng huyết thống nhưng lớn lên bên nhau: Lăng Tiêu, Hạ Tử Thu và Lý Tiêm Tiêm. Tiêm Tiêm mồ côi mẹ từ nhỏ, còn Tử Thu sinh ra đã không có cha. Bố của Tiêm Tiêm và mẹ của Tử Thu được mai mối với nhau nhưng duyên không thành. Một ngày, mẹ của Tử Thu gửi con trai ở nhà Tiêm Tiêm rồi bỏ đi. Gia đình Lăng Tiêu cũng tan vỡ vì những rạn nứt không thể hàn gắn giữa bố mẹ cậu, sau khi em gái của Lăng Tiêu không may không đời. Mẹ của Lăng Tiêu đơn phương ly hôn để lấy người khác, bỏ hai cha con ở lại.
Để bù đắp những thiếu thốn tình thương của ba đứa trẻ, bố của Tiêm Tiêm và bố của Lăng Tiêu cùng nhau nuôi dưỡng ba người. Ba đứa trẻ có chung hai ông bố, gắn kết như anh em ruột thịt. Nhưng cũng đến lúc, Tiêm Tiêm, Lăng Tiêu và Tử Thu phải chia ly, trở về với gia đình thật của mình. Sau này gặp lại, tình cảm giữa ba người không đơn thuần là tình anh em mà đã đơm nở thành tình yêu.
Đúng như tựa đề của phim, hai ông bố và ba anh em Tiêm Tiêm vốn chỉ là người nhà trên danh nghĩa. Họ chẳng hề chung huyết thống, không cùng họ và càng không phải người thân về mặt luật pháp. Tuy nhiên, câu chuyện trong phim đã đưa ra một phản đề đối với lý thuyết này, để khán giả xem xong đặt ra câu hỏi: liệu rằng những người chẳng cùng máu mủ nhưng gắn kết cả chục năm bên nhau và những người máu mủ thực sự nhưng cách biệt về mọi thứ, ai mới là người nhà trên danh nghĩa.
Thành ngữ có câu "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Lấy danh nghĩa người nhà lại đưa ra một định nghĩa về tình thân trái ngược với quan niệm truyền thống này. Bố Lý (bố ruột của Tiêm Tiêm) và bố Lăng (bố ruột của Lăng Tiêu) không sinh ra cả ba người con, nhưng thương yêu và chăm bẵm không đứa nào kém đứa nào. Bố Lý có sự khó tính của một người cha và sự nhạy cảm, đảm đang như một người mẹ. Bố Lăng không tỉ mỉ được đến thế, nhưng lúc nào cũng dõi theo các con. Hai ông bố nỗ lực kiếm tiền và nuôi dạy các con để ba đứa được chu toàn về sức khỏe, nhân cách, đời sống, học hành và không bao giờ phải tủi thân vì những lời ra tiếng vào về thân phận con nuôi.
Với bố Lý, khoảnh khắc Tử Thu cất tiếng gọi ông là bố một cách hồn nhiên và trong trẻo như làm ông khỏa lấp nỗi đau mất mát đứa con trai trong bụng người vợ qua đời vì bạo bệnh. Còn với bố Lăng, sự xuất hiện của Tiêm Tiêm tựa như sự bù đắp ông trời dành cho ông, sau khi đứa con gái bé bỏng ra đi vì tai nạn.
Họ vốn là một gia đình đặc biệt được "chắp vá" từ hai ông bố gà trống nuôi con. Gắn bó và thấu hiểu tâm ý lẫn nhau, họ sống đầm ấm và không khoảng cách. 16 tuổi, Tiêm Tiêm vẫn nằng nặc đòi ngủ chung phòng với hai anh vì sợ hai anh có bí mật riêng mà mình không biết. Ba anh em hay giành đồ ăn, trêu nhau, tính toán chi li với nhau từng đồng mua quà vặt, nhưng luôn đồng lòng khi người ngoài bắt nạt một trong ba người. Hai ông bố cũng gặp những chuyện tương tự, lắm lúc giống như một đôi... vợ chồng khắc khẩu.
Khác với bố ruột kỹ tính, Tiêm Tiêm thoải mái nhõng nhẽo với bố Lăng. Lăng Tiêu và Tử Thu thì già trước tuổi, luôn dùng sự hiếu thuận để báo đáp đức hy sinh của hai người bố. Đối với em gái, Lăng Tiêu và Tử Thu vừa cưng chiều hết mực và nghiêm khắc thay bố dạy em. Về phía Tiêm Tiêm, cô dành cho hai người anh sự tôn sùng và một chút cảm giác sở hữu. Chẳng thế mà khi em gái cùng mẹ khác cha của Lăng Tiêu xuất hiện, Tiêm Tiêm nổi đóa đố kỵ như thể mất anh đến nơi.
Trái lại, với người ruột thịt thực sự của mình, Lăng Tiêu và Tử Thu chẳng thoải mái được đến thế. Gặp dì út, Tử Thu gượng gạo không biết nói chuyện gì. Gặp bố ruột, Tử Thu trong lòng chỉ có lửa hận. Còn Lăng Tiêu cũng chỉ thấy phiền phức khi phải đối diện bà ngoại, mẹ đẻ và em gái cùng mẹ khác cha. Dù có là máu mủ ruột già đi chăng nữa, giữa họ chỉ có sự xa lạ và khách sáo. Điều ấy có nghĩa rằng từ lâu trong lòng Tử Thu và Lăng Tiêu, họ đã lựa chọn ai mới thực sự là gia đình của mình.
Có lần mẹ ruột bảo Lăng Tiêu hãy san sẻ một phần quan tâm cậu dành cho Tiêm Tiêm sang đứa em cùng mẹ khác bố. Lăng Tiêu trả lời mẹ rằng: "Những thứ dành cho Tiêm Tiêm không thể chia cho ai khác". Ân nghĩa, tình thương đối với hai ông bố có lẽ cũng như vậy. So với người cha ruột chưa từng xuất hiện của Tử Thu, người mẹ lạnh lùng rũ bỏ con trai của Lăng Tiêu và người mẹ bặt vô âm tín của Tử Thu, bố Lý và bố Lăng mới là người cha mà hai cậu trân quý thực sự.
Viết nên câu chuyện về một gia đình kỳ lạ đầy ắp tiếng cười, trải nhiều sóng gió và có cả những niềm đau, giọt nước mắt, Lấy danh nghĩa người nhà làm người xem ấm lòng nhưng đôi khi khắc khoải thương cho số phận trớ trêu của nhân vật. Kịch bản phim mộc mạc với những câu chuyện hết sức đời thường trong gia đình và trường học, xoay quanh quan hệ tình thân, những quan điểm nuôi dạy con của cha mẹ hay những trò quậy phá, tị hiềm của tuổi học trò.
Tuy ngoại hình khá trẻ so với vai diễn hai ông bố ở giai đoạn trung niên sau này, hai nam diễn viên Đồ Tùng Nham (vai bố Lý) và Trương Hy Lâm (vai bố Lăng) đều hợp vai, diễn tự nhiên và dung dị, tạo nên hồn cốt nhân vật. Ba sao nhí đóng Tiêm Tiêm, Tử Thu và Lăng Tiêu lúc nhỏ đều lém lỉnh và diễn cảm xúc. Ba diễn viên chính đều hợp vai về ngoại hình. Nhưng về diễn xuất, Tống Uy Long (vai Lăng Tiêu) còn nhiều non nớt, Đàm Tùng Vận (vai Tiêm Tiêm) đôi khi hơi lố. Trương Tân Thành (vai Tử Thu) là nhập vai tốt nhất, xử lý tinh tế các cảnh nội tâm.
Phim dài 40 tập, chiếu mỗi tối song song ở Việt Nam và Trung Quốc.
Phong Kiều