- Chị và Trọng Hiếu quen nhau thế nào?
- Tôi quen Trọng Hiếu tại cuộc thi Vietnam Idol 2015. Lúc đó, tôi bị loại ngay vòng thứ hai, chưa có cơ hội tiếp xúc mà chỉ kịp nhìn thoáng qua và có cảm tình. Về nhà, tôi bắt đầu theo dõi Trọng Hiếu ở cuộc thi lẫn hoạt động nghệ thuật sau đó, thấy chàng trai này thú vị, tư tưởng thoáng, phong độ... Mãi đến chương trình Tình yêu hoàn mỹ gần đây, tôi đăng ký tham gia, gặp lại Trọng Hiếu. Trong show, cả hai bày tỏ sự yêu mến nhau nên nhận được quan tâm của khán giả.
Một thời gian dài từ khi chương trình ghi hình, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Đó là họp báo công bố tôi đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2020. Sau đó, cả hai có đi diễn chung ở trường Lê Hồng Phong, ăn tất niên ở nhà Trọng Hiếu. Nhiều người bảo hai đứa hẹn hò suốt nhưng tôi thấy như vậy vẫn có ít lắm. Trọng Hiếu bận lưu diễn nước ngoài, tôi lại chuẩn bị thi hoa hậu nên chưa có nhiều thời gian dành cho nhau.
- Lần gặp nhau này, anh chị cảm nhận điều gì khác biệt?
- Lúc trước, tôi xem một số clip phỏng vấn của Trọng Hiếu, thấy anh rất thoải mái, vui vẻ. Nhưng khi gặp tôi, Hiếu có phần bị khớp, không tự nhiên. Thấy vậy, tôi mới bảo: "Anh ơi, anh đừng nghiêm túc quá". Lúc ấy, hai đứa mới bớt ngại ngùng, mọi câu chuyện cũng cởi mở, đi sâu hơn. Valentine vừa rồi, Trọng Hiếu bảo dành ngày hôm ấy để thu âm bài hát mới lấy cảm hứng từ tôi và sẽ dành tặng vào tháng ba. Anh muốn chọn ngày đặc biệt để làm điều đặc biệt. Còn tôi cũng lần đầu mua chocolate tặng Trọng Hiếu như một đôi tình nhân thật sự. Nhận được quà, anh bất ngờ và thốt lên: "Dễ thương quá".
Sau thời gian ngắn tìm hiểu, điều tôi quý nhất ở Trọng Hiếu là sự thành thật. Dĩ nhiên, có những điều người ta không muốn nói mình biết thì người ta sẽ giữ kín trong lòng, thay vì chọn cách nói dối. Đó cũng là điểm tương đồng lớn giữa chúng tôi.
- Chị mong chờ gì vào chuyện tình cảm với Trọng Hiếu?
- Mối quan hệ đang dừng lại ở mức tìm hiểu, "thả thính" nhau. Cả hai đều không muốn gấp gáp để trói buộc nhau. Người ta chỉ tỏ tình với mình trên sóng truyền hình, kiểu anh có cảm tình với em thì đó đâu phải tình yêu bền chặt. Trong thời gian này, Trọng Hiếu có thể đi gặp bất cứ cô gái nào, tôi cũng vậy, đơn giản vì hai đứa vẫn là những chàng trai, cô gái độc thân.
Thú thật, tôi muốn tiến xa với Trọng Hiếu. Tôi là một cô gái chủ động nên lạc quan về điều đó. Hy vọng cảm xúc sẽ đến một cách chân thành nhất. Trọng Hiếu cũng hứa cố gắng sang Thái Lan cổ vũ tôi trong đêm chung kết.
- Chị sẽ làm gì nếu bị ngăn cấm trong tình yêu?
- Ai cũng có vấn đề nào đó cho tình yêu của mình, từ người dị tính đến LGBT. Vấn đề của người chuyển giới là họ có một quá khứ khác biệt và định kiến xã hội chưa cởi mở. Nhưng tôi muốn nhìn điều đó ở khía cạnh tích cực. Để một người yêu mình, trước hết mỗi chúng ta tự tin, biết mình có gì, hấp dẫn ở điểm nào. Tôi đã thấy nhiều bạn chuyển giới có tình yêu đẹp vì họ sống với nhau bằng tình cảm thật sự. Có thể định kiến xã hội còn đó, người chuyển giới hiểu và ngày càng tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động làm mọi thứ, làm chủ cuộc sống của mình thì chắc chắn kiếm được tình yêu.
Nếu bị ngăn cản, đầu tiên mình phải tìm cách giải quyết, thuyết phục. Sau mọi cố gắng, nếu gia đình vẫn không hiểu, định kiến quá lớn thì mình nên dừng lại và hiểu cho người ấy. Gia đình, ba mẹ mới là điều thiêng liêng nhất. Do đó, tình yêu không nên có sự ép buộc trong bất cứu hoàn cảnh nào. Suy cho cùng, chính mình quyết định làm người chuyển giới, từ bỏ hình hài trước đây thì mình phải chấp nhận. Chỉ có mình được hưởng cuộc sống hạnh phúc sau chuyển giới, dĩ nhiên phải có sự đánh đổi chứ.
- Chị đã trải qua bao nhiêu mối tình?
- Tôi cũng trải qua nhiều mối tình chứ. Người chuyển giới hầu hết ai cũng mong manh, trái tim dễ rung động. Nhưng sâu đậm nhất là một người đàn ông mà tôi quen trong khoảng một năm rưỡi. Anh ấy không đẹp trai, không có địa vị nhưng luôn quan tâm đối phương. Tôi đi đâu cũng đi theo chăm sóc, động viên. Thấy tôi không có tâm trạng ăn uống, anh nấu cơm mang qua. Anh làm tất cả những gì cơ bản nhất trong cuộc sống cho tôi mà không hề suy nghĩ, đắn đo sẽ được gì. Bây giờ, chúng tôi chia tay nhưng vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về nhau.
- Chị từng đối diện nguy hiểm gì khi chuyển giới?
- Cuối năm 2015, tôi tham gia Miss Beauty - cuộc thi hoa hậu đầu tiên dành cho chuyển giới chưa qua phẫu thuật. May mắn, tôi đoạt vương miện cùng phần thưởng nâng ngực, thẩm mỹ gương mặt. Nhưng đó chưa phải chuyển giới hoàn toàn, tôi như ladyboy và bắt đầu đi làm việc ở các quán bar Tây. Đến năm 2016, tôi lấy tiền tiết kiệm để tiến hành chuyển giới, song mọi thứ không suôn sẻ. Sau ca phẫu thuật khoảng 5 ngày, tôi hết tiền nên phải về nhà. Vết thương còn quá mới, bị bung ra và chảy máu rất nhiều sau đó. Nhìn đống máu dưới sàn, tôi chới với, mắt tối sầm lại, chỉ kịp gọi bạn đưa đi cấp cứu. Ở bệnh viện đầu tiên, bác sĩ chỉ cầm máu rồi cho tôi về. Có lẽ họ không muốn chịu trách nhiệm về những gì tôi trải qua. Phải đến một bệnh viện tư khác, bác sĩ mới tiếp nhận cứu chữa tôi.
Tôi nhớ mãi khoảnh khắc nằm trên giường bệnh, bác sĩ khâu vết thương ở phần kín mà không thể tiêm thuốc tê. Từng mũi khâu như mũi dao đâm xuyên thấu, cảm giác có thể giết chết mình. Chưa kể, tôi phải nằm thêm 15 ngày, nhỏ nước muối sinh lý liên tục 24/24 giúp vệ sinh. Lúc đó, tôi không còn nước mắt để khóc vì đau đớn nữa, chấp nhận đó là số phận mà mình phải kiên cường đương đầu. May mắn, tôi không bị nhiễm trùng. Song kháng sinh vào mỗi ngày khiến da bắt đầu khô, người gầy guộc. Đến cuối năm 2016, mọi thứ mới ổn định, tôi bắt đầu đi làm lại. Qua câu chuyện của mình, tôi hy vọng sớm có quy định về phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam để có thể bảo vệ cho những trường hợp gặp nguy hiểm như tôi. Chuyển giới là khát vọng chính đáng để được sống thật với chính mình.
- Gia đình đón nhận chị ra sao?
- Tôi không sống với ba mẹ từ nhỏ mà được gửi qua người thân nuôi nấng. Đôi lúc tôi nghĩ việc không sống cùng ba mẹ lại hay, mình được sống thật con người mình mà không làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Có thể ba mẹ không hiểu mà buông những lời xúc phạm con cái, ngược lại mình chống đối lại gây tổn thương đấng sinh thành. Thời gian nằm trong viện, mẹ có vào thăm nom, chăm sóc khiến tôi vô cùng hạnh phúc.
Sau này, tôi tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật hơn: The Voice 2018, Chinh phục hoàn mỹ... Ba mẹ thấy vậy cũng vui lắm vì họ đều có máu nghệ thuật. Cả dòng họ cũng chỉ có tôi theo con đường ca hát. Bài báo nào của tôi được đăng, ba mẹ và họ hàng ở dưới quê đều biết. Nếu ngày xưa còn e ngại vì chưa chuyển giới, tôi giờ tự hào về bản thân và thấy được sự thay đổi thái độ đến từ gia đình.
- Chị đặt mục tiêu gì cho cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2020?
- Năm 2016, tôi được chỉ định thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế nhưng bỏ lỡ vì một số lý do. Tại Chinh phục hoàn mỹ 2018, tôi cũng dừng chân ở vị trí á quân 2, không thể thi quốc tế. Tuy nhiên, chị Phương Vy - á quân 1 nhường cơ hội và tôi liền đồng ý. Tôi nghĩ đó là cơ duyên nên quyết tâm thể hiện thật tốt, giành được vương miện năm nay.
Ở lần tổ chức thứ 15 này, Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế tổ chức hoành tráng hơn và sẽ chú trọng tâm hồn, vẻ đẹp bên trong của thí sinh. Ngoài chuẩn bị về trang phục, trình diễn hay tài năng, tôi muốn đem chính con người mình với sự thật thà của người dân miền Tây đến với cuộc thi năm nay. Tôi tin chỉ có chân thành mới chạm được đến trái tim người đối diện.
Bùi Đình Hoài Sa tên thật Bùi Văn Sơn, sinh năm 1991 tại An Giang. Năm 2015, cô đăng quang Miss Beauty - một cuộc thi dành cho cộng đồng người chuyển giới. Cô được công nhận là Hoa hậu Chuyển giới đầu tiên của Việt Nam. Cuối năm 2018, Hoài Sa dự thi Chinh phục hoàn mỹ, đoạt ngôi á quân 2 và được quyền dự thi Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2020 tại Thái Lan. Cô cao 1,72 m, số đo 87-56-90 cm. Việt Nam từng đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 với vương miện của Hương Giang. Năm 2019, người đẹp Đỗ Nhật Hà vào top 6 chung cuộc. |
Anh Tuấn