- Một ngày ở Ba Lan của chị từ khi có lệnh phong toả diễn ra như thế nào?
- Ban đầu, tôi hơi hoảng loạn vì bỗng dưng mắc kẹt theo lệnh phong toả của Ba Lan. Song vì mỗi năm, tôi sang Ba Lan vài lần thăm ông xã nên nếp sống ở đây không quá khó để thích nghi. Giai đoạn này, một ngày của tôi chỉ dành quây quần bên gia đình nhỏ. Chưa khi nào hai vợ chồng được bên cạnh 24/24 với con như vậy nên cả nhà xem đây là khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau. Nếu ở Việt Nam lúc nào cũng có người giúp việc, khi sang Ba Lan tôi phải tự làm tất cả. Buổi sáng, tôi dậy sớm dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, tập yoga rồi nấu nướng, chơi với con, loay hoay đến hết ngày. Một tuần, tôi đi tuần siêu thị khoảng hai lần mua thực phẩm. Thỉnh thoảng, gia đình cùng nhau tìm chỗ vắng để đi dạo một chút cho khuây khoả.
Ngoài ra, gia đình tôi cố gắng giữ khoảng cách 2m khi ra đường, không đi chung thang máy với bất kỳ ai. Nếu đi siêu thị, ba người đều mang bao tay, rửa tay xịt khuẩn. Tôi trữ nhiều trái cây như cam, chanh, táo... trong nhà, tăng cường sức đề kháng bằng dinh dưỡng tốt. Ở Ba Lan, thời tiết khá lạnh nên tôi thường làm món súp cho cả nhà, luôn giữ ấm cổ họng và súc miệng bằng nước muối loãng.
- Khó khăn lớn nhất chị vượt qua giai đoạn này là gì?
- Chính phủ Ba Lan ra lệnh phong toả từ hôm 15/3, đến nay gia đình tôi ở nhà gần một tháng. Điều tôi lo nhất chính là con gái Julia. Trước đây, tôi thường đưa con đi khám phá khắp nơi, từ sở thú, trung tâm thương mại, khu vui chơi đến các lớp ngoại khoá... Bây giờ, hai mẹ con chỉ ở nhà, quanh quẩn bốn góc tường. Thú thật tôi đôi khi stress và mệt lắm. Nhưng nghĩ thương Julia không được ra ngoài, không có bạn bè, sợ con bị ảnh hưởng tâm lý, tôi tự nhủ bản thân phải lạc quan, cố gắng sáng tạo nhiều trò chơi cùng con. Ví dụ khi đi siêu thị về, tôi sẽ cho bé rửa và sắp xếp trái cây, đếm và cộng trừ. Bé thích lắm vì được mẹ khen lại được chơi học toán. Thỉnh thoảng, tôi cho con facetime với các bạn, hoặc tập thể dục, nấu ăn, tô màu với mẹ. Tôi cũng giải thích cho Julia về virus Corona để bé ý thức nhiều hơn, không đòi ra ngoài chơi nhiều như trước.
- Gia đình chị thay đổi gì sau gần một tháng cách ly xã hội?
- Đây là thời điểm mình sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho gia đình. Thú vui của hai vợ chồng bây giờ là được ăn ngon nên tôi tìm tòi hết món này đến món khác để làm. Tôi nấu nướng dần khá hơn. Chưa kể, nhiều lúc tôi không nghĩ mình có thể sáng tạo đến thế khi bày được nhiều trò cho con gái chơi. Tôi đặt mục tiêu khi hết đợt dịch này, tôi có thể huấn luyện Julia tự ăn, ngủ riêng, độc lập hơn. Hiện kế hoạch nhỏ bước đầu thành công khi con chịu ngủ riêng, dần tự ăn.
- Ông xã hỗ trợ chị thế nào trong những ngày ở lại Ba Lan?
- Ban đầu, anh muốn tôi về Việt Nam gấp, trước khi lệnh phong toả có hiệu lực. Nhưng tôi chọn ở lại, cùng anh vượt qua thời điểm dịch bệnh. Biết vợ phải khó khăn đưa ra quyết định này, anh giúp tôi cân bằng tâm lý nhiều, phụ chăm con nên hầu như không còn thời gian cho bản thân. Ở nhà nhiều ngày liền, đôi khi tôi dễ cáu gắt, mỗi lần như thế anh nhẫn nại hỏi thăm, lắng nghe suy nghĩ của vợ. Anh động viên tôi shopping online, gọi điện nhiều hơn cho bố mẹ ở Việt Nam để đỡ cảm thấy bí bách. Mỗi khi trời ấm, anh chủ động đưa cả nhà đi dạo gần nhà. Chưa kể, anh còn là chuột bạch để tôi thử nghiệm nhiều món. Kết quà là bây giờ anh tăng cân hơn hẳn nhờ có vợ nấu ăn mỗi ngày.
- Chị từng chia sẻ việc gia đình bị kỳ thị là người châu Á, hiện tình trạng này còn tiếp diễn?
- Thật ra người Ba Lan rất thân thiện và dễ mến. Năm năm qua, tôi đến đây nhiều lần nhưng chưa bị kỳ thị bao giờ. Riêng trường hợp tôi bị kỳ thị mới đây là khu vực ngoại ô, có lẽ nơi đó họ ít thấy người châu Á. Bị một nhóm thanh niên gọi là virus, vợ chồng tôi lập tức di chuyển, không suy nghĩ nhiều vì không biết họ có say xỉn hay làm gì khác với mình. Lần thứ hai, đôi vợ chồng kỳ thị tôi tại phòng gym cũng chủ động chào hỏi sau đó khiến bản thân cảm thấy an ủi hơn. Tôi còn nhận được cuộc điện thoại của Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam khi biết tôi bị kỳ thị. Cuộc gọi khiến tôi bất ngờ, ấm lòng hơn trong lúc ở nước ngoài. Hiện mọi người hầu như ở nhà, giữ khoảng cách 2m nếu ra ngoài. Khu vực tôi sống ở trung tâm thủ đô nên không gặp phải trường hợp kỳ thị nào xảy ra nữa.
- Chị dự định khi nào về Việt Nam?
- Chính phủ Ba Lan làm ngày càng gắt gao hơn trong việc phong toả, đóng cửa hết tất cả nơi công cộng, hạn chế tụ tập trên hai người. Hiện giờ, tôi chưa có bất kỳ thông báo nào từ hãng về vé quay lại Việt Nam nên kế hoạch trở về cũng bỏ ngỏ. Sang tuần sau, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang được áp dụng tại Ba Lan nên tôi hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát ở đây.
- Vì sao vợ chồng chị vẫn sống xa nhau sau hơn bốn năm kết hôn?
- Nhiều người cũng thắc mắc vấn đề này. Ngày xưa, tôi nói với chồng: "Anh cho em ở lại Việt Nam ba năm rồi sẽ sang Ba Lan", nhưng tôi thất hứa ở lại đến tận bây giờ. Chúng tôi vẫn duy trì hai cuộc sống Việt Nam - Ba Lan. Dĩ nhiên, điều này khá bất tiện cho việc đi lại, tốn kém nhiều chi phí. Nhưng tôi rất yêu Việt Nam và sự nghiệp mình đang ở đây, chịu khó thêm vài năm để quyết định định cư hoàn toàn tại Ba Lan hay không. Vì sống xa nhau, tôi cũng cố gắng hơn chu toàn, vun vén hạnh phúc gia đình.
- Cách nuôi dạy con của anh chị có gì khác nhau?
- Chồng tôi thương con nên hay âu yếm, chiều con. Còn người nghiêm khắc uốn nắn con là tôi. Tôi có thể giỡn vui đùa hết mình cùng bé nhưng tôi rất nghiêm để dạy con về tính kỷ luật. Về chuyện nuôi dạy con, chúng tôi thống nhất tôn trọng đối phương, khi nào tôi dạy con thì anh không xen vào và ngược lại. Nếu có sai, vợ chồng bảo nhau sau chứ không thể hiện trước mặt con. Tôi chăm con là chính vì công việc anh khá bận rộn, di chuyển nhiều nơi. Mỗi khi rảnh, anh dành hết thời gian cho gia đình.
- Nhiều hoa hậu, á hậu hiện nay đều sớm kết hôn, ít có hoạt động nổi bật. Là người trong cuộc, chị nghĩ gì về thực tế này?
- Danh hiệu ở một cuộc thi sắc đẹp không phải là một nghề. Khán giả chú ý nhiều nhất là khi người đó đương nhiệm. Hiện có rất nhiều cuộc thi nhan sắc, các gương mặt mới hơn, trẻ hơn nên sự thay thế diễn ra nhanh chóng. Khi bạn hết nhiệm kỳ, bạn phải có tài năng, câu chuyện để mọi người nhớ đến. Danh hiệu chỉ là bệ phóng, nếu tận dụng tốt thời gian đương nhiệm cùng tài năng, êkíp tốt sẽ cho một sự nghiệp vững vàng hơn.
Riêng tôi nếu không theo đuổi nghề MC, có lẽ tôi đã sang nước ngoài sống với chồng. Tôi vẫn ở Việt Nam vì thật sự yêu thích công việc này. Về lâu dài, tôi muốn định hướng mình làm kinh doanh, ổn định song song nghệ thuật. Chưa kể, tôi thích có đông con mà lại muốn tự tay mình nuôi dạy con nên lại là hạn chế trong việc chạy show. Tôi luôn phải cân nhắc chọn chương trình để tham gia cân bằng gia đình và công việc.
Anh Tuấn