- Khi 15-16 tuổi ông đã một mình vào Sài Gòn sinh sống mà không có ai thân thích. Giữa những bộn bề lo toàn về "cơm áo gạo tiền" ở thời điểm đó thì cơ duyên nào đưa ông đến với nghiệp cầm ca?
- Tôi suy nghĩ thật kỹ để có quyết định trốn gia đình, làng xóm bằng cách dành dụm số tiền mà bố mẹ chu cấp cho việc ăn học, tổng cộng được 1.320 đồng bấy giờ. Tôi thực hiện cuộc hành trình vào Sài Gòn trên chuyến xe lửa tại một ga nhỏ Làng Phú Quý. Khi đi, tôi cũng đã trang bị cho mình những thứ cần thiết như quần áo, một số bánh tráng khô…Chuyến xe định mệnh ấy dừng tại nhà ga lớn Sài Gòn đúng 20h15 phút đêm ngày 3/4/1958. Trời mưa tầm tã, tôi không biết về đâu đành đứng dưới hành lang nhà ga để trú mưa. Một bác xích lô bất chợt đến gần và hỏi "cháu đứng ở đây đợi ai?" (lúc ấy đã hơn 12 giờ đêm). Tôi lúng túng trả lời ông, "cháu ở nơi xa mới về đây và không có thân nhân quen thuộc". Ông hỏi tiếp, "cháu định đi đâu?" Tôi nói: "chờ đến mai trời sáng cháu mới có định hướng"… Nghe vậy, ông cho tôi ngủ nhờ trong chiếc xích lô. Ông còn che kín mui xe lại vì sợ mưa làm ướt cả xe lẫn tôi. Ông còn hỏi tôi có tiền không, tôi nói mình chỉ có 1.320 đồng. Ông kín đáo đưa cho tôi ít tiền, bảo tôi tôi đừng nói lớn và giữ cho thật kỹ. Sau đó, ông cùng với các bác xích lô khác kéo nhau đi, đến trời sáng mới trở lại. Ông kêu tôi dậy, bảo tôi đến fonten nước gần đó rửa mặt. Tôi chào và cúi đầu cảm ơn lòng tốt bụng của ông, rồi lần mò làm quen với các bạn đánh giày và sắm một bộ hộp để đi làm như họ.
5 ngày sau , tôi gặp lại bác xích lô. Ông hỏi tôi đang làm gì, ở đâu, tôi nói, “cháu đi đánh giày, đêm về thì ngủ dưới hiên phòng trà Hòa Bình (khuôn viên Quách Thị Trang bây giờ). Ông bảo tôi lên xe và chở một mạch tới Chợ Lớn, giới thiệu tôi cho một gia đình người Hoa để giữ em và làm việc lặt vặt trong nhà. Thế là tôi có nơi nương thân. Và chính gia đình người Hoa này đã giúp tôi có một cuộc sống tốt.
Trước khi theo đuổi con đường ca hát, Chế Linh đã một cuộc sống đầy khó khăn, vất vả. |
Ba mẹ, gia đình và làng xóm không biết tôi đi đâu, tự dưng mất tích, còn tôi lại không dám quay về, và cũng không có cách nào liên lạc được với họ. Thực lòng, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ và gắn bó với nghề này cho tới tận bây giờ. Hồi nhỏ, tôi biết đàn, hát qua một đàn anh người Chăm tên Đàng Năng Quạ. Tôi thường xuyên hát ca cho mọi người trong làng nghe. Khi bắt đầu nhen nhóm niềm đam mê đứng trên sân khấu, gia đình người Hoa không muốn tôi theo đuổi con đường này, họ chỉ muốn tôi học hành chăm chỉ. Tôi vẫn quyết tâm ra đi vì cho rằng, chỉ có con đường nghệ thuật mới đến gần hơn với mọi người và làm giảm sự phân biệt hơn... Dù tôi chịu ơn gia đình ấy rất nhiều nhưng rồi cũng đến lúc phải tự mình bước đi. Khi tôi đã có được chút thành danh ở Sài Gòn, tôi đã trở lại thăm gia đình người Hoa để tạ công ơn nuôi dưỡng của họ. Với tôi, họ là người cha, người mẹ thứ hai.
Khoảng năm 1975, chúng tôi thất lạc nhau vì gia đình người Hoa đi vượt biên. Tôi có đi tìm họ nhưng không thấy, sau đó tôi cũng sang Canada. Năm 2007, lần đầu tiên về Việt Nam, tôi cố công kiếm họ một lần nữa và cuối cùng cũng tìm được. Tuy nhiên, ông bà đã mất, chỉ còn 6 đứa con mà thôi. Tôi thăm hỏi, gửi lời cảm tạ họ đã giúp đỡ tôi trong thời điểm tôi gặp khó khăn nhất trong cuộc đời. Nếu không có họ, chắc gì đã có một Chế Linh như ngày hôm nay.
- Sang Canada, nơi phương Tây xa lạ, ông làm cách nào để duy trì nghề ca hát?
- Tất nhiên, mấy năm đầu tôi không thể hát được mà tôi đi học nghề khác, kiếm việc làm. Đến tận năm 1982 tôi mới có cơ hội vì khi ấy các sân khấu ca nhạc ở hải ngoại hoạt động trở lại. Từ đó, tôi lại được đi hát ca cho tới tận bây giờ.
Nhìn lại quãng đường ca hát gần 50 năm qua, tôi thấy mình chưa làm điều gì xúc phạm tới các khán thính giả và tôi vẫn là Chế Linh với tiếng hát đó, những bài ca đó. Tôi hạnh phúc vì công chúng vẫn dành cho tôi tình cảm yêu mến. Họ ủng hộ tôi vô điều kiện, mua vé xem tôi diễn, mua đĩa nghe tôi hát... Tôi không biết từ giờ đến cuối đời sẽ xảy ra những chuyện gì, nhưng tôi hy vọng mình mãi giữ được một Chế Linh trong tình thương yêu của khán thính giả.
- Vì lý do nào mà ông lấy nghệ danh là Chế Linh, thay vì tên thật là Chà Len?
- Tôi không biết ai đã dịch tên tôi thành Chà Len, nhưng trong tiếng Chăm, tên tôi là Ya Mlen, trong đó Ya chỉ giới tính nam, còn Mlen là tên. Tôi không trách mọi người gọi sai tên thật của mình, bởi họ có quyền như vậy và họ cũng chưa gặp trực tiếp tôi để hỏi. Còn về nghệ danh, tôi lấy tên Chế Linh vì muốn tạo ấn tượng sâu sắc cho khán giả nhớ đến tôi nhiều hơn, và cái tên này cũng xác định nguồn gốc của tôi. Nghệ danh Chế Linh còn có ý nghĩa nhắc nhở tôi không thể bỏ cuộc giữa chừng và không làm những việc không tốt đến dân tộc mình. Bởi vậy, tôi quyết tâm phải nuôi dưỡng cái tên Chế Linh.
Khi chính thức bước vào con đường ca hát, tôi nghĩ đến chuyện dàn dựng những ca khúc cho chính mình, nghĩa là tự sáng tác nhưng phải giấu tên người viết. Tôi muốn ca sĩ Chế Linh là người chuyên chở tâm sự các bài hát của Tú Nhi (nghệ danh của Chế Linh trong vai trò nhạc sĩ - PV). Điều này cũng giống như việc ca sĩ khác nhờ người may áo quần, còn tôi thì tự may cho chính mình. Từ năm 1960, khi chưa là một ca sĩ thành danh, tôi đã bắt đầu viết nhạc. Sau này, khán giả tìm mọi cách truy tìm ra Tú Nhi là ai nên tôi đã không thể giấu nổi. Cuối cùng thì ai cũng biết Chế Linh và Tú Nhi chỉ là một người.
Ở tuổi 69, ông vẫn giữ được giọng hát ngọt ngào như thời trẻ. Chế Linh chia sẻ, hàng ngày ông đều dành 30 phút để luyện giọng. Thời gian rảnh, ông đi câu cá ở biển để xua tan mọi muộn phiền. Cuộc sống của ông bây giờ lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. |
- Trong âm nhạc Chế Linh và Tú Nhi luôn buồn bã, não nề, còn Chế Linh ngoài đời thực thì có điều gì khác biệt?
- Ở ngoài đời tôi vui tính chứ không nghiêm nghị như trên sân khấu. Mỗi lần đi diễn tôi lại trêu chọc anh em trong đoàn. Ở hải ngoại, chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau nên tôi muốn tạo tiếng cười cho họ và cho chính mình. Chỉ có nụ cười mới có sức khỏe tốt và làm mình trẻ ra.
Còn khi cất tiếng hát, tôi đặt mình vào nhân vật trong lời của mỗi bài ca, để truyền câu chuyện đến với người nghe. Khán giả thì cứ nghĩ tôi phải thất tình nhiều lắm nên mới hát rã rời như vậy. Chắc cũng vì nghĩ tôi lận đận đường tình, họ mới càng thương tôi nhiều hơn. Tuy nhiên, sự thực là tôi chưa bao giờ đau khổ như vậy trong tình yêu, những người phụ nữ trong cuộc đời tôi cứ đến, rồi lại đi một cách rất nhẹ nhàng.
- Vậy ông lấy cảm hứng ở đâu để viết lên những ca khúc sầu bi như vậy, nếu không phải là kinh nghiệm từ chính bản thân mình?
- Xung quanh chúng ta có nhiều lắm những chuyện tình éo le. Tôi nhìn thấy và góp lại để viết thành bài hát với sự mộc mạc nhất. Có cô gái bất chợt đi qua, thu hút và tạo cảm hứng cho tôi. Nhưng vì không gặp lại họ nữa nên tôi chỉ viết được đoạn đầu bài hát. Ví dụ như bài Lời thương chưa ngỏ, tôi chỉ viết được vài dòng: “Người đi quá vội, niềm vui chưa trót vui, mặt gặp mặt rồi lời thương không dám ngỏ. Chưa một câu thưa vội đã chia tay rồi. Nhà em tôi không biết ngõ, biết tìm em nơi đâu…” rồi không thể viết tiếp. Để hoàn thành nó, tôi đành mượn những cuộc tình khác và chắp nối vào. Có ca khúc, tôi sáng tác chỉ trong vòng 20-30 phút, nhưng cũng có bài vẫn nằm mãi trên bàn cho tới tận bây giờ. Nguyên nhân là vì tôi đang chuẩn bị viết câu kết thì cặp tình nhân ấy lại hạnh phúc. Vậy là tôi mất hứng và bỏ qua một bên để làm việc khác. Tôi hy vọng, thông qua âm nhạc, những người gặp phải tình huống tương tự trong tình yêu sẽ thấy rằng, họ có người chia sẻ, cảm thông.
Tôi viết cho xã hội, cho mọi người rất nhiều, còn viết cho riêng mình thì rất hiếm. Đến giờ, tôi chỉ sáng tác duy nhất hai bài hát cho chính nỗi lòng mình, bài thứ nhất cho người vợ đã chết - Người về trong chiêm bao - và bài thứ hai, Xin yêu tôi bằng tình người. Tôi viết ca khúc thứ 2 khi gặp Vương Nga, người vợ hiện tại của mình. Cuộc sống hôn nhân của tôi không mấy yên ả, tôi từng chia tay với vợ thứ nhất và vợ thứ hai, đến người vợ thứ 3 thì lại mất. Bởi vậy, càng đi sâu vào cuộc tình mới, tôi càng lo sợ, sợ sẽ có một ngày, mối tình ấy cũng sẽ tan vỡ hoặc biến mất như những gì đã qua. Tôi viết: "Tình yêu ơi đến nữa mà chi, tình yêu ơi đến nữa làm gì…Tôi sợ rồi một ngày nào đó. Tình đến rồi tình vụt bay đi…''. Đó là những câu chuyện thật của chính tôi.
- Dường như người vợ thứ 4 đã đem đến cảm giác bình yên nhất trong số những người phụ nữ từng đi qua cuộc đời ông. Chính bà cũng là người đã phụ giúp chọn ra danh sách các ca khúc trong liveshow sắp tới cho chồng. Ông có thể chia sẻ thêm về bà xã hiện tại?
- Khi tôi cưới Vương Nga, Nga còn là học sinh (18 tuổi - PV) và chưa biết gì hết. Nhưng sống với nhau lâu, Nga cũng giúp đỡ và thường xuyên hay nhắc nhở tôi. Thi thoảng Nga hỏi, tại sao ca khúc này lâu rồi chưa thấy anh hát lại… khiến tôi giật mình, bởi tôi hát nhiều bài quá nên không thể nhớ hết. Cũng có đôi lần, bạn bè tôi nhắc tôi hát lại một số bài cũ, tôi cứ đưa danh sách để vợ mình tìm trong kho nhạc. Ở nhà tôi như một bảo tàng, đựng tất cả những bài cũ và mới của tôi và các tác gia khác. Nói thực là tôi không nhớ vị trí của từng bài, bà xã tôi thì lại thuộc như lòng bàn tay. Cũng tội nghiệp cho Nga khi tự dưng phải trở thành bộ nhớ cho tôi. Nhưng tôi nghĩ, điều này là tốt vì tôi muốn vợ tôi san sẻ công việc để đầu óc tôi được tỉnh táo, luyện tập phục vụ khán giả.
Chế Linh trong buổi tiếp xúc với báo chí. Tour diễn xuyên Việt của ông sẽ chính thức mở màn tại Hà Nội vào ngày 21/10. Tiếp đó, Chế Linh sẽ đến các thành phố lớn để phục vụ khán giả gồm Đà Nẵng (29/10), Nam Định (2/11), Hải Phòng (5/11), Nha Trang (12/11) và TP HCM (19/11). |
- Có khi nào ông cảm thấy có lỗi với những người vợ, người con của mình khi ông không có nhiều thời gian dành cho họ?
- Ở tuổi này tôi mới nhận ra rằng, mình là người đàn ông hồ đồ quá mức, bởi bao nhiêu người đã tới mà tôi không biết giữ. Thế nhưng, may mắn thay, chưa có người phụ nữ nào than oán hay trách móc tôi một câu. Đa số các bà vợ của tôi đều thông cảm với nghề ca hát của chồng, cho nên họ nuôi dưỡng và chăm sóc rất tốt các con cho tôi. Tôi vô cùng hạnh phúc khi 14 đứa con gồm 7 nam, 7 nữ đều rất ngoan ngoãn và yêu thương lẫn nhau. Tôi quan niệm, nghệ sĩ thuộc về khán giả chứ không phải của riêng gia đình. Công chúng không đòi hỏi gì ở tôi nên tôi không có quyền khắt khe hay giấu giếm chuyện đời tư mà họ cần muốn biết.
- Mặc dù ông nói rằng các con ông rất đoàn kết với nhau, nhưng liệu điều này có đúng, bởi ai cũng có tính ghen tị nếu ông không quan tâm đồng đều đến từng người con?
- Gia đình tôi thì không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Đây cũng là diễm phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Mấy người vợ của tôi dạy dỗ đứa nào cũng thật tốt và không có sự ganh ghét lẫn nhau. Họ cũng tự hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Mỗi khi có dịp, cả đại gia đình tôi lại đoàn tụ quây quần hoặc ở Canada hay Việt Nam. Các con tôi tự tổ chức sinh nhật cho cha và mời các bà mẹ đến chung vui.
- 7 đứa con trai ông đều theo nghiệp cha, vậy tại sao ông không giới thiệu những đứa con của mình trong các liveshow này?
- Đó là chuyện của tương lai, còn trong liveshow sắp tới, tôi chỉ xuất hiện cùng một số người bạn ở hải ngoại như Tuấn Ngọc, Thái Châu, Mạnh Đình, Đức Huy, Hương Lan, Thái Châu, Sơn Tuyền ... Còn với các con, tôi chưa có sự chuẩn bị để ra mắt trước khán giả. Tuy nhiên, chúng cũng ở bên cạnh tôi lo phụ với ban tổ chức chuẩn bị cho đêm nhạc tái ngộ của tôi sau 30 năm xa cách. Nếu lần này tôi ghép các con tôi không khéo, khan giả sẽ cho rằng, tôi đem cả gia đình lên sân khấu để áp đặt người nghe.
Lương Trần thực hiện
Ảnh: Jinn