Vũ trụ Quái vật MonsterVerse được khởi động từ năm 2014, xoay quanh câu chuyện của các Titan - những sinh vật cổ xưa có kích thước khổng lồ mang năng lực đặc biệt. Với 5 tác phẩm điện ảnh và hai phim truyền hình đã ra mắt, MonsterVerse nhận về nhiều lời khen của giới chuyên môn lẫn khán giả, đạt tổng doanh thu hơn 1,9 tỷ USD. Godzilla x Kong: Đế chế mới (Godzilla x Kong: The New Empire) là dự án điện ảnh kỷ niệm 10 năm phát triển thương hiệu này.
Sau màn đối đầu cuối phần phim Godzilla vs. Kong năm 2021, Kong trở về sống tại Trái Đất Rỗng, một thế giới ẩn dưới lòng đất, trong khi Godzilla quay về đại dương tiếp quản khu vực bề mặt Trái Đất. Ở Trái Đất Rỗng, Kong vô tình phát hiện một thế giới nằm sâu hơn nơi mình sinh sống và nhận ra sự tồn tại của loài tinh tinh cậu nghĩ đã tuyệt chủng từ lâu.
Kong bước vào hành trình khám phá nguồn cội song điều này lại dẫn cậu đến mối nguy hại mới mang tên Skar King, vị vua độc tài của vùng đất này đang âm mưu xâm chiếm thế giới và Shimo, loài Titan có khả năng kéo thế giới trở về thời kỳ kỷ băng hà. Với sự giúp sức của cô bé Jia và tổ chức Monarch, Kong tìm đến sự giúp đỡ của kẻ thù năm xưa, Godzilla, để cùng nhau chống lại mối nguy chung.
Rừng thiêng nước độc bước lên phim
Godzilla x Kong: Đế chế mới mang đến nhiều đại cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tạo ấn tượng lớn về thị giác. Trái Đất Rỗng gây choáng ngợp với khung cảnh núi rừng bạt ngàn, hệ sinh thái phong phú với những loài kỳ hoa dị thảo. Ở thế giới mới được khám phá, tác phẩm cho thấy sự tối tăm, ẩn chứa nhiều bí ẩn với dòng dung nham nóng chảy dưới lòng đất.
Giám đốc mỹ thuật Tom Hammock cho biết anh đã áp dụng phương pháp làm phim của các thương hiệu James Bond và Mission: Impossible. Đó là hạn chế sử dụng kỹ xảo cho bối cảnh, xây dựng hơn 60 cảnh trí, tận dụng tối đa không gian thực tế nhằm mang lại cảm giác chân thực cho người xem, đặc biệt khi các nhân vật chính đã được tạo 100% từ vi tính.
Bối cảnh Trái Đất Rỗng được quay tại ba châu lục, bốn quốc gia: Greenland, Iceland, Hawaii và miền Bắc Australia. Rừng Daintree, một trong những cánh rừng nhiệt đới lâu đời nhất hành tinh, được chọn làm bối cảnh chính.
Việc vận chuyển máy móc, thiết bị vào rừng là một bài toán khó. Để có được cảnh quay các nhân vật bước xuống tàu khoảng vài phút, đoàn phim đã phải tách mô hình con tàu ra thành 14 mảnh, dùng xe cần cẩu để mang từng mảnh ghép đến khu vực lòng sông ở trung tâm rừng rồi ghép lại. Ở nơi rừng thiêng nước độc, các diễn viên cũng phải đối mặt với nhiều sinh vật nguy hiểm như đỉa, rắn, trăn, cá sấu và cassowary, một loài chim chung họ hàng với khủng long.
Bên cạnh Trái Đất Rỗng, đạo diễn Adam Wingard còn thể hiện hình ảnh Godzilla đi qua nhiều kỳ quan nổi tiếng trên thế giới, như một cách tri ân những công trình vĩ đại: đấu trường Colosseum ở Italy, Kim Tự Tháp Giza tại Ai Cập và tượng Christ the Redeemer ở Brazil. Không kiến tạo mô hình thu nhỏ, nhà làm phim dùng trực thăng quay toàn cảnh kiến trúc kỳ quan ở độ cao hơn 150 m, sau đó vẽ thêm nhân vật Godzilla ở giai đoạn hậu kỳ.
Quái thú đổi khác diện mạo
Godzilla đã góp mặt trong 38 bộ phim từ khi ra mắt năm 1954. Kong có tuổi đời 91 năm, từ phần phim đầu tiên năm 1933. Với Godzilla x Kong: Đế chế mới, Adam Wingard quyết định cải tiến tạo hình hai nhân vật mang tính biểu tượng. Gần 2.000 nhân viên kỹ xảo đã làm việc liên tục suốt nhiều tháng để mang đến những thước phim thể hiện sức mạnh vô biên của hai quái thú, đồng thời tỉ mỉ vẽ cảm xúc trên gương mặt Godzilla và Kong để phục vụ mạch truyện.
Kong kết nối với người xem bằng ánh mắt buồn, ướt đẫm. Ở nhiều cảnh cận, các chuyển động tinh tế của mi mắt, cách đồng tử giãn ra được thể hiện rõ nét. Adam cho biết anh kết hợp điệu bộ từ loài vượn ở đời thực và tạo hình nhân vật ở các phần phim trước để diễn tả cách Kong di chuyển trên mặt nước hay cách cậu vung tay, lắc đầu.
Về phần Godzilla, Adam tái hiện hình tượng Godzilla trong các cuốn phim Nhật đầu những năm 1970, đồng thời thay đổi màu sắc, thiết kế gai nhọn dọc thân mình trong lần tái xuất này. Adam còn cho biết phân đoạn Godzilla nằm cuộn mình trong đấu trường Colosseum được anh lấy cảm hứng từ hình ảnh chú mèo cưng nhà mình đang say ngủ.
Không giống Kong, Godzilla và các nhân vật phản diện trong các phần phim trước, Skar King là nhân vật được sáng tạo mới hoàn toàn, không dựa theo bất kỳ nguyên mẫu sẵn có nào. Với lông đỏ, gương mặt dữ tợn và giọng gầm trầm, vang, Skar King hiện lên như một hình ảnh trái ngược với Kong.
Khi Kong mang những đặc điểm tốt nhất của nhân loại, được xây dựng nhằm thay thế hình ảnh con người trong loạt phim về quái vật, Skar King lại đại diện cho những bản chất xấu xa nhất: chuyên quyền, bắt nạt kẻ yếu thế và giành lấy quyền lực bằng mọi giá.
Godzilla x Kong: Đế chế mới mang đến trải nghiệm nghe nhìn thú vị qua trận thư hùng hoành tráng giữa những loài Titan. Quy mô trận chiến được mở rộng về mặt thời lượng lẫn số lượng nhân vật. Ở đoạn đại chiến, cảnh tượng Godzilla - Kong đối đầu Shimo - Skar King mãn nhãn, tạo được sự bùng nổ, kích thích sự háo hức nơi người xem.
Con người lép vế
Về mặt chủ đề, Godzilla x Kong: Đế chế mới không chỉ nêu lên các thông điệp quen thuộc về môi trường, mà còn đi sâu vào câu chuyện về căn tính. Cô bé Jia và Kong trải qua hành trình giống nhau: đối mặt sự cô đơn, cố gắng tìm kiếm vị trí trong thế giới và đang tìm kiếm gia đình thực sự của bản thân.
Godzilla x Kong: Đế chế mới liên kết câu chuyện quá khứ - hiện tại sáng tạo, hài hòa. Vào lúc Kong tìm thấy đồng loại, Jia cũng nhận ra bộ tộc Iwi vẫn còn sống sót. Song, các chi tiết trong phim xử lý dễ dãi, dễ đoán, chủ yếu là bàn đạp để dẫn đến màn chiến đấu giữa các gã khổng lồ.
So với câu chuyện của Kong và Godzilla, tuyến truyện về con người hoàn toàn mờ nhạt. Việc con người lùi lại, nhường sân cho các Titan tỏa sáng trong một phim quái vật là điều hợp lý, nhưng cách đan xen thiếu khéo léo khiến tác phẩm mất cân đối giữa hai tuyến nhân vật.
Godzilla x Kong: Đế chế mới có sự góp mặt của cựu diễn viên TVB Trần Pháp Lai trong vai nữ hoàng Iwi. Cô xuất hiện trong khá nhiều phân cảnh. Song, do tộc người Iwi chỉ giao tiếp bằng thủ ngữ nên Á hậu Hoa kiều 2005 không có thoại trên phim. Việc chỉ đơn thuần đi lại, thiếu những cảnh chiến đấu ấn tượng và vai trò không thực sự nổi bật khiến Trần Pháp Lai chưa để lại dấu ấn với khán giả sau khi phim kết thúc.
Đỗ Hoàng