![]() |
Ngân hàng ACB được đánh giá là có tiềm năng phát triển. |
Nhóm chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Gia Quyền (EPS) vừa đưa ra một báo cáo phân tích về ngành ngân hàng. Theo đó, nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần với 35 ngân hàng hiện chiếm số lượng lớn trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Những chỉ số cơ bản của ngành này đều có sự tăng trưởng tốt. Đó là lợi nhuận thuần/Tổng tài sản (ROA) của ngành này trung bình đạt 1% trong giai đoạn 2004-2006. Xu hướng tăng ROA đã thể hiện hiệu quả quản lý ngày càng tăng của khối ngân hàng nói chung.
Bên cạnh đó, lợi nhuận thuần/vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình đạt gần 14% trong giai đoạn 2004-2006. Riêng ROE trung bình ngành năm 2006 đạt 19%. Các chỉ số này cho thấy rằng hiệu quả hoạt động của ngân hàng khá cao. Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng trưởng tương ứng 40% và 35% giai đoạn 2004-2006. Trong đó các ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng cao hơn ngân hàng quốc doanh.
Riêng ngân hàng Sacombank, ACB, Techcombank đã có mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trung bình của cả ngành. Chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu tính đến hiện tại (P/E trailing) trung bình của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 20,7 lần và P/E ước tính cho cả năm 2007 (P/E forward) là 23,8 lần. Riêng đối với hai cổ phiếu ngân hàng đã được niêm yết, STB có P/E trailing đạt 14,4 lần và ACB là 14 lần. Chỉ số P/E forward của STB và ACB tương ứng khoảng 15,2 lần và 16,1 lần.
Trong khi đó, P/E forward cho Techcombank và Eximbank tương ứng là 32,6 lần và 31,1 lần, khá cao so với hai cổ phiếu niêm yết đã đề cập. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán còn cao so với các nước trong khu vực. Song tỷ lệ này đã liên tục giảm qua các năm (năm 2005 chiếm 18,13%; 2004: 20,35%; 2003: 22,03%). Điều này thể hiện sự mở rộng và phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, và đây là cơ hội rất lớn để phát triển các dịch vụ ngân hàng trong tương lai.
Dư nợ tín dụng/Tổng tài sản trung bình của ngành hiện nay chỉ đạt 55,5%. Vì vậy trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ gấp 2 lần tăng trưởng GDP, tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ ngân hàng duy trì tốc độ phát triển. Tuy vậy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mai.
Chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ngày càng bị thu hẹp, làm cho thu nhập của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất (Agribank, Vietcombank, BIDV và Incombank) sẽ tiếp tục thống lĩnh và chi phối thị trường trong tương lai gần. Cho vay khối doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm dần và cho vay khối tư nhân và vay tiêu dùng (vốn có hiệu quả cao hơn) sẽ phát triển mạnh. Điều này tạo cơ hội mở rộng kinh doanh cho các ngân hàng, nhất là khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo ông Đinh Như Đức Thiện, Trưởng phòng Phân tích tài chính của EPS, vấn đề của ngành ngân hàng là phần lớn ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nhiều ngân hàng có vốn dưới 1.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vốn khiêm tốn và hệ thống phân phối còn nhỏ hẹp. Sức cạnh tranh và khả năng thâm nhập thị trường vì vậy còn hạn chế.
Khối ngân hàng thương mại cổ phần chỉ chiếm từ 15-20% thị phần dịch vụ ngân hàng, tập trung vào mảng dịch vụ bán lẻ và cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo quy mô tài sản, thị phần và sức cạnh tranh, dẫn đầu khối này là ACB, Sacombank và ngân hàng Đông Á với thị phần đáng kể, có sức cạnh tranh cao trong mảng bán lẻ và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các ngân hàng khác như Techcombank, Eximbank đang dần có chỗ đứng trong thị trường với sức cạnh tranh tương đối. Phần lớn ngân hàng còn lại, với quy mô vốn và tài sản nhỏ sẽ gặp khó khăn khi quy định về mức vốn tối thiểu mới được áp dụng. Hiện có hơn 30 hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới từ các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thép... Từ 1.4.2007, Việt Nam mở cửa lĩnh vực NH. HSBC, ANZ và Standard Chartered Bank đã nộp hồ sơ xin thành lập NH con 100% vốn nước ngoài.
Bốn ngân hàng khác ở châu Á cũng đã đưa ra đề nghị lập ngân hàng tại Việt Nam. Việc gia nhập của các ngân hàng mới và sự trưởng thành các ngân hàng nhóm dưới làm cho cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng tăng. Chỉ có những ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả mới có khả năng tồn tại và phát triển.
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại TP HCM nhận định mặc dù giá các loại cổ phiếu ngân hàng đang khá hấp dẫn nhưng cũng khó có thể tăng mạnh trở lại như sự kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Hơn nữa, không phải tất cả cổ phiếu đều có sự hứa hẹn tăng trưởng tốt trong tương lai mà nhà đầu tư cần có sự lựa chọn, phân loại cổ phiếu để đầu tư. Theo ông, cổ phiếu này cũng chịu ảnh hưởng chung của thị trường nên sẽ diễn biến theo hình răng cưa.
(Theo Thanh Niên)