Cuối tháng 1 cách đây 4 năm, một bé gái sinh được 2 ngày bị mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cuba - Đồng Hới (Quảng Bình). Cân nặng khi lọt lòng 3,1 kg, nhưng bé bị nhiều dị tật bẩm sinh, như: đảo lộn phủ tạng với trái tim nằm bên phải, chân tay co quắp, không có phản xạ bú nuốt…
Thương bé không có người thân, các y bác sĩ tại khoa Nhi đã chăm sóc cháu từng miếng ăn giấc ngủ. “Bé được đặt tên là Nhi, tức nói đến khoa Nhi. Mọi người mong cháu thùy mị, dễ thương nên đặt chữ lót là Thùy, kèm họ Phan của bác sĩ điều trị cho cháu những ngày mới lọt lòng”, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân chia sẻ.
Từ đó, 20 y bác sĩ ở khoa Nhi trở thành ông bố, bà mẹ của cháu, nơi làm việc và nghỉ ngơi chật hẹp có thêm thành viên bé bỏng. Căn phòng chỉ rộng vừa đủ chiếc giường đơn thành nơi ngủ của Thùy Nhi. Không gian sống của bé gắn với bệnh án, những tiếng tút tút của máy móc.
Điều dưỡng trưởng khoa Nhi Trần Thị Hoài Thông bộc bạch, 6 tháng đầu Nhi thường xuyên đờm dãi, thở không được, buộc y bác sĩ phải dùng ống xông hút sạch, kết hợp điều trị thuốc men.
Việc ăn uống phải qua ống xông bơm xuống dạ dày chứ Nhi không tự nuốt được. Điều này kéo dài đến khi bé lên 2 tuổi. Đến nay, Nhi có thể tự nuốt, nhai từ tốn nhưng chỉ có thể ăn cháo. Để giúp bé ăn tốt hơn, những y bác sĩ tại đây dùng máy sinh tố xay nhuyễn thức ăn.
Chuẩn bị bữa ăn cho Nhi rất cầu kỳ, thực phẩm phải luôn tươi ngon, cá tôm được róc kỹ, lóc từng cái xương, bà Thông cho hay. Mỗi ca trực tối có 3 người thì những người này vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa được phân công nhiệm vụ trông giữ giấc ngủ cho Nhi.
“Nuôi một đứa trẻ đã vất vả, nuôi dưỡng Nhi vất vả gấp bội. Gắn bó với Nhi lâu nay, tất cả mọi người trong khoa đều xem bé như con cháu ruột thịt”, bà Thông nói.
Những ngày cuối tuần hay dịp lễ Tết, Nhi được các “bố mẹ” trong khoa dẫn đi công viên, uống cà phê hay về nhà “bố mẹ” chơi, nghỉ lại qua đêm. Tên tuổi của từng người trong khoa đều được Nhi kể lại rành mạch.
Do chân tay co quắp nên Nhi chưa chủ động đi lại mà cần có một vật để vịn vào mới di chuyển được. Chiếc ghế xếp ở gian làm việc trở thành “chân chống” để Nhi lần từng bước, đến bàn tài liệu lấy giúp các mẹ giấy tờ khi được nhờ.
Hai năm trước, một bác sĩ Việt kiều Pháp đến bệnh viện thực hiện ca mổ, giúp nắn lại chân tay của Nhi nhưng không thành công. “Chúng tôi bó bột, nắn, mổ, vật lý trị liệu nhưng đều không khả quan”, bà Thông nói và hy vọng khi Nhi lớn thêm, có thể đi lại với sự trợ giúp của đôi nạng.
Trong quá trình nuôi Nhi, nhiều cá nhân, tổ chức biết thông tin ủng hộ cả vật chất và tiền mặt giúp cháu. Y bác sĩ tại đây trích một phần tiền này làm sổ tiết kiệm, nhằm lo lâu dài cho Nhi.
Hiện Nhi khoẻ mạnh, vui vẻ, thông minh. Muốn cháu được đi học, có bạn cùng trang lứa, có tuổi thơ như bao đứa trẻ khác, các y bác sĩ đang hoàn thành hồ sơ để chuyển Nhi sang trung tâm bảo trợ của tỉnh.
“Chúng tôi giờ đã yên tâm về cháu, chỉ cần hướng dẫn thêm các mẹ bên trung tâm cách chăm sóc nữa thôi”, bà Thông nói và kể một năm trước từng có ý định chuyển giao Nhi sang trung tâm nhưng cháu không chịu đi. Đến nay vẫn thế, khi được hỏi, Nhi trả lời muốn đi học mẫu giáo nhưng không muốn xa các bố mẹ ở khoa Nhi.
Theo VnExpress