... Tuy là một trường ĐH dạy tiếng Trung phổ thông, nhưng cư dân ở đây chủ yếu lại là người Choang, họ nói tiếng Quảng Đông, do vậy vốn tiếng Trung của họ rất khó nghe. Chúng tôi được lưu ý là hạn chế giao tiếp với họ để có thể phát âm được chuẩn hơn.
Trong quá trình học tiếng Trung, người ta chia làm 8 cấp. Bạn đạt cấp nào, các trường ĐH sẽ dựa vào đó để xét xem có nhận bạn hay không (đối với du học sinh). Các trường ĐH nghệ thuật chỉ yêu cầu đạt cấp 3-4 nhưng các trường kỹ thuật đòi hỏi rất cao, thường là cấp 7-8.
Học tiếng Trung với 4 phần nghe, nói, đọc, viết tách biệt và độc lập. Vì thế có nhiều người nói được nhưng không viết được, hoặc nghe được mà không nói được.
Trong trường, đọc báo cũng là một môn học rất khó. Với những bài báo mang tính thông tấn thì còn dễ, những bài mang tính xã luận thì đến người Trung Quốc mà không giỏi từ vựng thì cũng... chịu. Bởi vì trong một câu có 10 chữ, có thể hiểu hết nghĩa 10 chữ nhưng khi chúng đứng cạnh nhau thì không phải ai cũng luận được ra.
Tiếng Trung giao tiếp đã khó, học vào tiếng chuyên ngành còn khó gấp bội vì có vô số từ không có trong từ điển bạn đã học. Chính vì thế bạn phải liên tục, liên tục tự trau dồi từ vựng. Chỉ cần lơ đễnh, bạn sẽ nhanh chóng bị rớt lại phía sau.
Sau 2 năm "tu luyện" ở Nam Ninh, cuối cùng chúng tôi cũng toại nguyện là được vào học tại ĐH Dược Nam Kinh. Nam Kinh nơi chúng tôi học là một thành phố cổ rất đẹp và thanh bình. Nơi đây không phải là thành phố buôn bán dù chỉ cách Thượng Hải có 3 giờ tàu hỏa.
Nam Kinh không chỉ là một trong những điểm du lịch đẹp nhất Trung Quốc, mà còn là nơi tập trung của các trường ĐH hàng đầu như: ĐH Dược Nam Kinh (của bộ giáo dục Trung Quốc), ĐH Sư phạm Nam Kinh (1 trong 2 trường sư phạm lớn nhất Trung Quốc)...
Không khí mát mẻ và yên tĩnh khiến Nam Kinh trở thành một địa điểm lý tưởng cho việc học tập, nghiên cứu...
Năm đầu tiên, chúng tôi học 3 môn chính là Toán, Lý và Hoá. Riêng Lý và Hoá được thí nghiệm rất nhiều nên rất dễ vào và dễ nhớ.
Năm thứ 2 đi sâu vào hoá sinh, Hoá lý và Toán cao cấp. Trong Hoá thì có: Hoá hữu cơ, phân tích. Đây là những môn thí nghiệm rất nhiều, mỗi bài học là một chuỗi những thí nghiệm rất phức tạp.
Điều kiện tiên quyết để theo học ngành Dược tại TQ là phải tập trung, kiên trì cộng với thể lực tốt. Một chuỗi thí nghiệm, nếu chỉ sai số một chút cũng có thể mang lại kết quả không mong muốn, bạn có thể phải làm lại toàn bộ.
Có những buổi thí nghiệm kéo dài đến 6 tiếng là chuyện bình thường, SV vừa nhai bánh mì, vừa quan sát và thay nhau thực hành.
Có lẽ vì Dược là môn học khó và nặng nên rất ít SV người Việt theo học. Ở trường chúng tôi, chỉ có 5 người VN, trong khi trường Sư phạm có đến 30 người Việt.
Tuy là trường Y, nhưng các hoạt động ngoại khoá ở đây vô cùng phong phú. Các môn giáo dục thể chất, nghệ thuật cũng được tính vào đơn vị học trình.
Không như tại VN, ở đây SV được quyền chọn môn thể dục, nghệ thuật mà mình thích như: bóng đá, bóng rổ, cầu lông, múa, hát... thậm chí cả chơi cờ tướng, đánh mạt chược. Chính nhờ đó mà phong trào ngoại khoá, thể dục ở đây luôn sôi động vì đúng "khẩu vị" của từng SV hơn.
SV người Trung Quốc nói chung và tại Nam Kinh nói riêng đều hiếu học một cách hiếm thấy. Tình trạng bỏ học, trốn tiết là rất hy hữu, còn việc bỏ thí nghiệm thì chúng tôi khẳng định là không bao giờ.
Dù thời tiết có xuống đến âm 15 độ thì lớp thí nghiệm luôn đủ 100%. Sự ham thích là một lẽ, ngoài ra nếu bạn bỏ một giờ thí nghiệm, bạn sẽ mất hàng tuần để có thể hiểu được nó trên sách vở, mà thời gian thì không đợi ai cả.
Người Trung Quốc coi việc học là việc vô cùng nghiêm túc, ngoài ra họ cũng rất tự tin. Nếu "vớ" được một người nước ngoài nào, họ sẽ "nhảy bổ" vào luyện tiếng Anh đến khi mệt mới thôi.
Ở đây, các giảng đường rộng mênh mông và được thắp đèn 24/24. SV có thói quen là 5h sáng dậy ra sân KTX ôn bài, đi học cho đến 23h mới chịu về ngủ.
Chẳng thế mà trường chúng tôi, SV nhìn ai cũng già hơn tuổi, có những chú nhóc 18-19 tuổi mà tóc đã bạc...
SV Việt bên này chủ yếu làm thêm cho các cửa hàng bán đồ ăn Việt - nơi họ được ưu tiên tuyển vào. Là SV trường Y nhưng tôi có chút năng khiếu về âm nhạc nên kiếm được việc hát tại các quán bar, nhà hàng. Công việc này tuy không nhàn hạ, lương cũng không cao nhưng được cái là việc rất đều và đúng sở thích của mình.
Một tuần, tôi đi hát 3 tối, mỗi tối 6 bài hát và được trả 80 tệ. Cứ 2 tuần đổi bài hát một lần. Để thuần thục và hát được các bài hát Trung Quốc, tôi mua các đĩa karaoke về luyện. Thi thoảng cũng xướng vài bài hát VN như "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", người Trung Quốc rất thích thú bởi giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào của nó.
Việc đi hát không chỉ giúp tôi thêm thu nhập, trau dồi ngôn ngữ mà còn được tiếp xúc với một thế hệ Trung Quốc hiện đại. Người chủ quán hơn tôi khá nhiều tuổi nhưng đối xử với tôi như một người bạn. Kể cả khi không có giờ hát, bất cứ lúc nào tôi đến chơi, ông ấy đều mời ăn cơm và nghe nhạc thoải mái.
Việc đi lại cũng rất thuận tiện. Chúng tôi đã đi du lịch Bắc Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, Quảng Đông... nhưng đẹp nhất là Quế Lâm. Đây là một liên hợp nhưng ngọn núi đẹp và cao chọc trời.
Ánh nắng ở đây đẹp một cách lạ lùng - theo cách mà bạn chỉ có thể thấy được trong các bộ phim thần thoại. Những ngọn núi này đan xen nhau, đan xen trong mây như để chứng tỏ cho chúng tôi thấy đất trời này rộng lớn đến nhường nào...
(Theo Học Bổng Toàn Cầu)