Trước đây, nghe nói đến môi giới hôn nhân, nhiều người nhăn mặt bảo “có sứt môi lồi rốn” đâu mà “đại hạ giá” mình thế. Nhưng rồi tuổi xuân cứ trôi vèo vèo như tên bắn, thoắt cái đã “băm vài nhát”, mấy anh trai trẻ hay cưa cẩm bỗng “lặn” mất tăm. Biết tìm đâu trong thế giới mênh mông này “một nửa quả táo” của mình.
Lúc đó, người ta mới nhận ra rằng mai mối hôn nhân tưởng chỉ cần ở thời phong kiến, hoá ra lại quan trọng biết bao trong cuộc sống hiện đại này.
Gặp vợ chồng Vân Huệ cùng cô con gái đi siêu thị. Trông gia đình nhỏ ấy thật hạnh phúc biết bao. Huệ xinh đẹp, là con của một gia đình khá giả ở Hà Nội. Đang học đại học năm thứ nhất, Huệ bắt đầu để ý chàng trai trên cô một khoá. Cô kể: “Anh ấy đẹp trai như công tử”. Không kiềm chế được tình cảm của mình, Huệ viết thư ngỏ lời. Chỉ sau hai lần thư, anh chàng hẹn gặp Huệ để tâm sự tại một nhà trọ.
Kết cục mối tình đầu của cô cũng giống hệt những cô gái trẻ bồng bột khác, trao thân gửi phận và choáng váng khi phát hiện sự bội bạc của “chàng công tử”. Đau đớn hơn là anh ta đã bỏ cô, bỏ Hà Nội, nơi gắn bó những kỷ niệm tình yêu ngọt ngào để vào TP HCM theo cô bạn cũ của Huệ.
Rồi nỗi đau cũng nguôi ngoai, 3 năm sau, Huệ nhận lời yêu người đàn ông khác. Tình yêu ấy thật đẹp nhưng anh đã không vượt qua được sức ép gia đình. Anh rời bỏ cô để lấy người con gái mà mẹ anh chọn sẵn, giúp anh thuận lợi hơn trên con đường công danh. Huệ tâm sự: “Lúc ấy tôi mới ra trường. Cú sốc quá lớn khiến tôi như hoá đá. Khi yêu anh, gia đình tôi cũng ngăn cấm, bởi chúng tôi không môn đăng hộ đối. Vậy mà tôi lại bị họ từ chối, đau thật”.
Dù đã nhiều năm trôi qua, mỗi lần nghĩ lại, Huệ vẫn thấy lòng quặn thắt. Sau chuyện buồn đó, cô vẫn sống, vẫn vui nhưng trái tim giờ không còn chút cảm xúc yêu đưong.
Rồi công việc ngập đầu, tối về chỉ làm bạn với tivi, sách báo, không bạn bè, không có thêm các mối quan hệ. Những lúc buồn, cô đơn hay bị áp lực công việc, Huệ lại chơi đàn hoặc lang thang ngoài chợ. Có lúc, cô vác ba lô đi xa vài ngày cho tâm hồn thanh thản.
Hành trình đi tìm hạnh phúc bao giờ cũng là cuộc hành trình gian nan, khó khăn nhất trong cuộc đời.
Thương Huệ, đám bạn gái đã âm thầm gửi hồ sơ của cô vào Câu lạc bộ kết bạn H.M. Huệ kể: “Thú thực, ban đầu tôi rất dị ứng với kiểu tìm hiểu như vậy. Nhưng rồi những buổi sinh hoạt ngoại khoá, thư từ và những buổi online, tôi đã tìm ra anh ấy”.
Cô hồ hởi tham gia những cuộc thi thú vị do câu lạc bộ tổ chức như: “Cãi nhau không quá 3 phút” hay “Vật tay xem ai làm người khoẻ hơn”. Rồi họ đến với nhau, trong Huệ sống lại tình cảm yêu đương tưởng chừng đã chết từ lâu.
Người bình thường tìm được “một nửa” vốn không dễ, với người khuyết tật còn khó khăn hơn nhiều. Gặp Kiên, người đàn ông đầy nghị lực. Anh quê ở Hà Bắc, bị sốt bại liệt từ nhỏ, cánh tay phải bị teo cơ, nhưng bù lại, anh có khuôn mặt khá điển trai. Trong căn phòng ấm cúng của hai vợ chồng tại khu tập thể Trung Tự, nghe họ kể lại mối tình của mình như mới vừa hôm qua.
Năm 1984, Kiên tốt nghiệp Đại học Sư phạm và trở thành giáo viên cấp III. Tuổi ngoài “băm”, nhận thấy cơ hội có người bạn đời ngày càng hiếm ở nơi “đất nhiều hơn người” này, nên Kiên rời quê đến dạy học tại một trường ở Hà Nội.
Tuy nhiên, anh vẫn không vượt qua được sự tự ti do khiếm khuyết của cơ thể để tính chuyện “cưa cẩm”. Để đơn giản hoá công đoạn tìm hiểu, Kiên quyết định đăng ký tham gia vào Câu lạc bộ kết bạn H.A..
Ngay những lần đầu tiên, Kiên tưởng chừng như đã tìm được ý trung nhân. Chuyện là chỉ sau vài ngày đăng ký, khi xem ảnh anh trong bộ hồ sơ, đã có khá nhiều cô gái gọi điện muốn gặp. Nhưng khi tận mắt nhìn thấy cánh tay phải của Kiên luôn thu lại bất động, họ đều lảng tránh và ậm ờ cho qua chuyện...
Khi chàng trai tật nguyền gần như thất vọng thì có một cú điện thoại gọi đến nhà vào đêm khuya. Người phụ nữ tự giới thiệu là cùng sinh hoạt với anh trong câu lạc bộ. Cô nhận thấy anh có nhiều điểm tương đồng với mình nên muốn kết bạn.
Mới đầu, anh không mặn mà lắm với người phụ nữ này. Nhưng dần dần, anh bị lôi cuốn bởi giọng nói dịu dàng, ấm áp. Kiên bắt đầu ngóng đợi những hồi chuông thường rung lên vào một giờ khuya quen thuộc.
Những đêm dài trăn trở dường như ngắn lại, giấc ngủ bớt đi tiếng thở dài. Người phụ nữ kia tuy chưa một lần gặp mặt, nhưng giống như tia chớp xé tan lớp mây mù đen đặc đang bao phủ cuộc sống của anh. Kiên tha thiết mong gặp con người ấy, gương mặt ấy, được nghe giọng nói ấy xiết bao...
Và sau vài lần đi picnic do trung tâm tổ chức, hai người xích lại gần nhau hơn. Thoắt cái đã 4 năm, nhìn bé Bông bi bô và căn phòng rộn tiếng cười mới cảm nhận được niềm hạnh phúc mà đôi vợ chồng khó khăn lắm mới có được.
Giám đốc một công ty môi giới nhân duyên tâm sự: “Thật ra, không phải chuyện mai mối đối với cặp nào cũng đều xuôi chèo mát mái cả. Có trường hợp một khách hàng nam chỉ cao 1m50, nhưng lại đưa tiêu chuẩn người vợ tương lai phải đẹp và có 3 vòng như hoa hậu. Hay một nữ khách hàng nhan sắc trung bình lại nhất định “nửa kia” phải đẹp trai như tài tử xi-nê. Gặp những trường hợp như vậy thì trung tâm cũng đành bó tay”.
Thực tế, tại các trung tâm môi giới hôn nhân, có nhiều trường hợp “xôi hỏng bỏng không”. Không ít trong số đó là những phụ nữ thành đạt, có vị trí trong xã hội như giáo viên, luật sư, công chức hay doanh nhân. Nhiều trường hợp nữ trong bảng đăng ký đã phải khai giảm trình độ học vấn, vậy mà “đánh trống ghi tên” suốt 3 năm vẫn không tìm được người phù hợp.
Gặp Mai Lan, một cô gái có vẻ đẹp mặn mà. Trông cô thật trẻ trung trong trang phục công chức khá hợp thời.
Nhìn người phụ nữ ngồi trước mặt, không tin chuyện tình duyên của cô lại lận đận đến thế. Lan vào đề bằng tâm sự khá bạo miệng: “Tôi là phụ nữ đã qua tuổi 30, cái tuổi ai cũng cho rằng ế đến nơi rồi. Tôi không biết “ai đó” của mình có tồn tại không và tôi cũng không biết anh ta đang ở đâu nữa. Tôi quyết định sẽ có một đứa con bằng phương pháp khoa học nếu như “nửa kia” không xuất hiện trong một năm nữa”.
Sinh năm 1972, tốt nghiệp đại học, Lan quyết định học lên thạc sĩ. Con đường sự nghiệp mở rộng trước mắt. Cô nhanh chóng có việc làm tại một công ty đa quốc gia với mức lương cao ngất. Lan cười buồn: “Nhiều người, kể cả đồng nghiệp đều nhìn tôi với ánh mắt ghen tị, nhưng họ đâu hiểu rằng tôi luôn cảm thấy cô đơn, trống trải vô cùng”.
“Người ta cho rằng tôi chưa thể có bạn trai vì quá “kén cá chọn canh”, hay đặt tiêu chuẩn cao mà thôi. Không ai hiểu rằng tình yêu thật sự chưa bao giờ đến với tôi”.
Lan ngày càng cảm thấy cuộc sống của mình vô vị, tẻ nhạt. Hàng ngày đi làm, khoảng 19h về nhà, cô chỉ biết đọc sách, xem tivi, nghe nhạc, thỉnh thoảng đi lang thang mua sắm.
Bạn bè thời đại học cũng đã yên bề gia thất, bạn học thạc sĩ phần lớn là người nước ngoài đã kết hôn, đồng nghiệp trong công ty cũng không ai dám theo đuổi vì họ cảm thấy Lan “quá cao” so với mình.
Đó là những chuỗi ngày tẻ nhạt giống nhau. Điều Lan sợ nhất là những lúc phải về nhà, đối diện với cái khoá cửa còng queo, lạnh ngắt.
Cực chẳng đã, Lan quyết đi tìm “một nửa” ở các trung tâm môi giới hôn nhân.
Dù đã có địa chỉ mà vài người bạn giới thiệu, nhưng phải mất cả buổi sáng cô mới quyết định đến đó.
Sau một loạt thủ tục khai báo về nghề nghiệp, sở thích, thu nhập, số điện thoại, nộp hai ảnh chân dung cùng với số tiền lệ phí là 100.000 đồng, cô nhân viên trẻ cười tươi kèm theo câu cổ vũ: “Thế nhá. Chị cứ yên tâm bởi đã đến đây đăng ký thì không lấy được chồng mới lạ”.
Vài ngày sau đó, điện thoại của Lan cứ rung lên với những con số lạ hoắc. Thì ra, đó là số điện thoại của các quý ông mà trung tâm cung cấp. Nhưng để tiết kiệm, họ chỉ nhá máy để nếu cô gọi lại thì sẽ bắt đầu làm quen.
Rồi cũng có người “mạnh tay” hơn, gọi điện đàng hoàng nhưng những buổi gặp thường chẳng đi đến đâu.
Có trường hợp được trung tâm giới thiệu là kỹ sư giao thông công chính, cao 1m70, mạnh mẽ, hình thức khá... nhưng sau này Lan mới biết đối tượng chỉ là nhân viên môi trường đô thị. Ngay buổi gặp đầu tiên, anh ta đã trình bày thẳng thắn và nhờ Lan xin hộ một công việc mà lương cao. Cô cay đắng: “Hoá ra còn có những đức ông chồng không muốn làm gì cả. Anh ta coi tôi như nguồn lợi tức duy nhất của gia đình”.
Người mà Lan ưng ý hơn cô 8 tuổi, có học thức, địa vị, tính tình lại điềm đạm. Chỉ đến buổi gặp cuối cùng, cô mới “té ngửa” khi anh thành thật thú nhận đã có gia đình. Anh đến với cô chỉ là trong thời điểm giận vợ và muốn chứng minh “năng lực bản thân”.
Trong buổi chiều mưa liêu xiêu, vẫn nghe đâu đó bài thơ mà anh chàng nọ gửi cho Lan trước khi chia tay: Em đừng hỏi sao mắt anh buồn thế/Có những người sinh ra không phải để cho nhau.
Vừa buồn vừa giận, Lan quay lại trung tâm để định làm cho ra lẽ. Thế mà vừa đến nơi, cô nhân viên đã ỡm ờ: “Cứ từ từ, chuyện trăm năm mà chị làm như đi mua mớ rau không bằng”.
Sau đó, trung tâm cố níu kéo cô bằng một “danh sách của Schindler” mới. Nhưng như con chim nhầm cành cây cong, suốt thời gian dài sau đó, hễ thấy số điện thoại lạ là Lan tắt máy ngay vì sợ phải “khởi động” lại mối quan hệ mới.
Cô cười: “Điều tôi có được sau mấy bận đóng “tình phí” là lời khuyên của mọt cô mặt trẻ măng: “Cau già khéo bổ thì non”. Vậy cứ để tôi tự bổ, có khi lại tốt hơn”.
Trước đây, việc lập gia đình muộn thường bị coi là một trong những tội bất hiếu. Và bây giờ, cái sự bất hiếu ấy đang biến tướng ở dạng lười yêu.
Tại các trung tâm môi giới hôn nhân, nhiều bạn trẻ thành đạt tâm sự: Vì đam mê sự nghiệp, vì thiếu thốn thời gian nên họ để tuổi trẻ vụt qua, đến khi có tuổi lại nảy sinh tâm lý đắn đo, ngại ngùng.
Chính vì vậy, đã xuất hiện không ít những trung tâm môi giới trong thời gian qua. Kể cả những phương tiện thông tin hiện đại cũng vào cuộc. Bên cạnh những mô hình câu lạc bộ kết bạn có uy tín, hiệu quả thì vẫn có không ít những công ty “cò tình” móc túi khách hàng hay trá tình để môi giới hôn nhân bất hợp pháp.
Tuy ra đời cách đây chưa lâu, nhưng các công ty loại này đã thu về một khoản lợi nhuận đáng kể thông qua việc thu lệ phí hội viên và trốn thuế.
Nhận thấy đây là lĩnh vực làm ăn béo bở, nhiều kẻ cơ hội vội lao vào thành lập công ty, trung tâm, văn phòng để kinh doanh như Công ty HS (Phan Chu Trinh), Công ty TNHH XT (Lạc Long Quân), HA (Giang Văn Minh, Hà Nội)...
Nhiều công ty núp dưới danh nghĩa buôn bán mỹ phẩm, quần áo. Có công ty khi đã nhiều hội viên rồi thì thay đổi địa chỉ liên lạc để trốn thuế. Công ty D.T.H. đến nay đã đổi chỗ hoạt động đến 3 lần. Giờ thì trụ sở chỉ bé như văn phòng với một bàn đăng ký, vài cuốn sổ ghi địa chỉ, một album ảnh, dàn máy vi tính và điện thoại để giao dịch. Tất cả đều thầm lặng, kín đáo để tránh sự dòm ngó.
Lệ phí đăng ký mà các công ty thường đưa ra là 100.000 đồng, đó là mức giá chung. Để cạnh tranh, có nơi giảm giá chỉ còn một nửa. Thoạt nhìn mức thu đó là quá nhỏ so với việc tìm được một ý trung nhân.
Tuy nhiên, một trung tâm chỉ cần gom đủ 5 nghìn hội viên là đã bỏ túi nửa tỷ đồng. Công việc lại quá nhẹ nhàng: Ngồi một chỗ nhận đăng ký của khách hàng, sau đó tráo đổi để các hội viên lựa chọn mã số phù hợp với mình. Việc còn lại là khách hàng phải tự tìm hiểu, liên lạc với “đối tác”. Nếu có trục trặc, công ty lại cung cấp địa chỉ khác theo kiểu “tình cảm quay vòng”.
Cuộc sống hiện đại ngày càng hối hả, gấp gáp. Câu lạc bộ kết bạn chính là nơi giúp họ có cơ hội tiếp xúc và chọn lựa “nửa còn lại” nhanh hơn. Trong danh mục ngành, nghề kinh doanh, ban hành kèo theo Thông tư liên tịch số 07/2001 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổng cục Thống kê cũng có mục: “Dịch vụ tư vấn hôn nhân” và “Dịch vụ môi giới kết hôn”.
Rõ ràng, đó là một nghề hợp pháp và con người thời nào cũng vậy, luôn có nhu cầu tìm đến người bạn đời để chia sẻ. Nhưng không ai dám chắc mình tìm được ý trung nhân như mong muốn khi tham gia các câu lạc bộ này.
Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng ký, bởi có thể trong lúc tìm “một nửa” của mình, bạn lại rước thêm những phiền toái, bực dọc, thất vọng khi gặp phải “công ty ma” hay những anh chàng không ra gì.
(Theo Phong Cách)