![]() |
Trung tâm Los Angeles về đêm. |
5h sáng, trời vẫn còn lờ mờ. Sandra Foster, 42 tuổi, lờ đờ bước lên xe buýt, kiếm một chỗ ngồi và tranh thủ chợp mắt, bắt đầu cuộc “hành trình” 85 dặm kéo dài 2 tiếng để tới được trung tâm Manhattan, New York, nơi chị đang làm nhân viên tuyển dụng của một công ty công nghệ truyền thông.
Ở Mỹ, có hơn 3,4 triệu công chức như S. Foster, “hành trình” đi làm của họ đều không dưới 90 phút. Thậm chí, quãng đường tới công sở của nhiều người còn xa đến nỗi chỉ trong một buổi sáng, họ phải vượt qua vài ba vùng thời tiết khác nhau. Số người như vậy ngày càng tăng. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt và các điều kiện khác ở thành phố quá đắt đỏ cũng tạo nên một làn sóng ngày càng nhiều người dân chuyển về các vùng phụ cận.
Đối với nhiều người, sống ở vùng phụ cận, thậm chí nông thôn không phải là không thoải mái. Họ cho rằng ở đây trường học cũng tốt, tỷ lệ phạm tội không đáng kể, không khí yên bình, hơn hẳn cuộc sống nơi đô thị. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục giữ những công việc được trả lương cao ở trung tâm thành phố.
Quả vậy, cứ 1 dặm cách xa trung tâm thành phố thì giá nhà ở giảm xuống hàng nghìn USD. Theo số liệu của Hiệp hội nhà đất California, giá một căn nhà “tệ nhất” ở trung tâm Los Angeles vào khoảng 405.000 USD. Trong khi đó, một căn nhà tốt hơn nhiều ở Palmdale, cách trung tâm Los Angeles khoảng 65 dặm, chỉ có 275.000 USD. Chính mức chênh lệch quá lớn này đã khiến một bộ phận dân chúng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ngày ngày đi hàng chục dặm đường vì miếng cơm manh áo.
Trong cuốn sách “Đi làm bằng phương tiện công cộng ở Hoa Kỳ” (Commute in America), tác giả Alan Pisarski cho biết có hơn 60 triệu dân sống ở vùng phụ cận. Và phần đông trong số họ đều sẵn sàng đi những quãng đường cực dài hàng ngày để tới cơ quan. Điều này là tín hiệu nhắc những nhà chức trách phải có những kế hoạch hợp lý giúp đỡ người dân. A. Pisarski cũng khuyến cáo rằng càng nhiều con đường mới được xây dựng, mở rộng, thêm nhiều lựa chọn về phương tiện công cộng thì chỉ khuyến khích thêm số người sử dụng chúng.
Giải pháp của ông là phải có nhiều công ty được xây dựng ở xa những khu trung tâm. Hãng American Online (AOL) là một ví dụ điển hình. Một văn phòng của hãng đã được khai trương ở Dulles, Virginia, cách Washington DC 25 dặm về phía tây đã thu hút được rất nhiều lao động, những người trước đây cũng phải thường xuyên thực hiện những cuộc “hành trình” đi làm mấy tiếng đồng hồ. Mặc dù vậy, những trường hợp như AOL kể trên không phải là phổ biến.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, đáng ngạc nhiên là đối với nhiều người, việc ngày ngày phải di chuyển những quãng đường xa xôi như vậy không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế. Trở lại với trường hợp của Sandra Foster nói trên, buổi sáng chị phải thức dậy lúc 4h, bắt đầu lên xe buýt lúc 5h, tới Manhattan lúc 7h và mãi tới tận 6h30 tối chị mới về đến nhà.
1 năm trước đây, chị mới chuyển từ New York về căn nhà rộng 1,5 mẫu tọa lạc trên đồi Pocono, vùng gần trung tâm nhất mà vợ chồng chị có thể sở hữu riêng một căn nhà. Chị tâm sự: “Nhiều người không làm như tôi thì không hiểu. Quãng đường tôi đi làm chỉ dài thêm chừng 60 phút nữa nhưng bù lại, tôi có một ngôi nhà riêng. Điều này chẳng phải xứng đáng hay sao?”.
Và cũng chẳng có việc gì là không thể làm quen được. Đối với S. Foster, quãng thời gian trở về nhà sau một ngày làm việc bận rộn thật nhẹ nhàng và thư thái, dẫu sao thì đó cũng là những giây phút hiếm hoi chị dành cho riêng mình.