Trong phim đang phát sóng truyền hình Thương con cá rô đồng, NSƯT Hạnh Thúy vào vai dì tư của năm chị em Thương, Nhớ, Thiệt, Lắm, Lành. Cha mẹ mất sớm, mấy chị em Thương (Lê Phương đóng) về ở cùng dì tư. Ngoại trừ Thiệt mất tích từ nhỏ, Lành được dì tư cưng như con ruột, Thương, Nhớ và Lắm chịu đủ thứ đòn roi, chèn ép, bóc lột của người dì ham mê bài bạc.
Khán giả chửi, con gái trêu
Phim mới chiếu vài tập đầu, nhiều cảnh dì tư đánh đập mấy đứa cháu lúc nhỏ và khi lớn đều đã hé lộ. Nhân vật gây phẫn nộ trong phim khiến NSƯT Hạnh Thúy nhận nhiều phản ứng thú vị từ khán giả. Nhiều người khen chị đóng đạt. Nhiều người khác nhầm lẫn giữa vai diễn và người nghệ sĩ, chửi nhân vật và mắng luôn cả Hạnh Thúy.
Trò chuyện với Ngoisao.net, NSƯT Hạnh Thúy kể một khán giả lạ mặt nhắn tin cho chị: "Bà đóng vai ác như vậy, con bà sẽ mang nghiệp". Câu bình luận khiến chị hơi chạnh lòng nhưng thấy buồn cười. Phản hồi tin nhắn, Hạnh Thúy cảm ơn khán giả góp ý, đồng thời giải thích với người này rằng đây chỉ là câu chuyện trong phim. Chị bật cười kể lại: "Bạn khán giả đó nhắn lần nữa: 'Bà bị khùng hả? Tôi chửi mà bà còn cảm ơn?'. Tôi phân biệt rất rạch ròi phim là phim, đời là đời. Cho dù ngoài đời tôi có ác như dì tư, tôi cũng tự gánh nghiệp chứ không phải con tôi".
NSƯT Hạnh Thúy bảo con gái lớn của chị tỏ vẻ "hả hê" khi thấy mẹ nhận chỉ trích như vậy. Bé trêu mẹ: "Bình thường mẹ mắng con, giờ người ta mắng mẹ đó". Hạnh Thúy giải thích thêm: "Thực ra, các con tôi không phải hỗn láo. Tụi nhỏ rất tinh quái. Mấy mẹ con tôi thân nhau, hay trêu nhau vậy thôi".
Trước mỗi buổi chiếu phim Thương con cá rô đồng trên VTV chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, Hạnh Thúy đều nhắc người thân mở tivi xem để tăng rating cho phim. Xem xong, chị nhờ cả nhà cho nhận xét về phim và về diễn xuất của mình. Nhiều người quen, bạn bè của chị ở quê nhà Bến Tre cũng theo dõi bộ phim và bình luận với Hạnh Thúy: "Bà đóng vai gì ác mà ác thế!".
Vai diễn dì tư trong Thương con cá rô đồng khác hoàn toàn NSƯT Hạnh Thúy ngoài đời. Không ủng hộ cách bà dì này cư xử với các cháu, nhưng Hạnh Thúy tìm thấy sự thông cảm sau mấy tháng sống chung với nhân vật. Chị lý giải: "Hồi trẻ, dì tư chưa chồng con gì đã phải thay chị gái nuôi bốn đứa cháu. Cái nghèo và số phận nghiệt ngã đẩy người đàn bà này vào cảnh quẫn trí. Hơn nữa, dì tư không hoàn toàn xấu. Dì thương con bé út Lành thật lòng, thậm chí sau này còn bị út Lành làm khổ không ít".
Đóng phim này, NSƯT Hạnh Thúy càng thêm xót xa những đứa trẻ không cha không mẹ, thiếu thốn tình thương gia đình. Nhiều cảnh trong phim cũng khiến chị bồi hồi nhớ về ký ức chăn vịt, ngồi ghe của mình thời thơ ấu.
Kẻ đánh người lại là kẻ bị đau
Hạnh Thúy cho biết ngày xưa chị từng đóng một vài vai phản diện. Nhưng liên tiếp năm năm qua, chị chỉ nhận các vai hiền lành và lam lũ. Trở lại làm người ác trên màn ảnh với Thương con cá rô đồng, chị sung sướng vì được biến hóa cảm xúc. Đây là một trong những vai diễn giàu năng lượng nhất của nữ nghệ sĩ. Đóng hàng loạt cảnh la hét, chửi mắng, đánh người trong phim, Hạnh Thúy có lợi thế giọng khỏe và cao, thoải mái làm bùng nổ cảm xúc mà không sợ mệt.
Dù đóng vai đánh người, Hạnh Thúy chịu không ít thương tích. Ở các cảnh dì tư đánh các cháu, Hạnh Thúy luôn tận dụng lối đánh hình thể để tránh làm đau các diễn viên nhí. Chị lấy tay đỡ đầu các bé, đập tay mình vào tường, vào cột nhà, xuống sàn vì không dám để đầu các bé va đập. Xong phim, các đốt ngón tay của chị sưng phồng lên, đến giờ vẫn chưa khỏi hẳn.
"Ăn sung mặc sướng nhất phim"
Đó là kết luận NSƯT Hạnh Thúy đưa ra cho nhân vật dì tư của mình. Trong khi dàn diễn viên nhí cùng Lê Phương, Quang Thái... liên tục dầm mưa dãi nắng, lội ruộng, lùa vịt, thậm chí phải lăn dưới đất cho lem luốc cơ thể, quần áo, riêng NSƯT Hạnh Thúy chủ yếu quay trong nhà, ngồi ở quán cafe, tụ điểm bài bạc. Thời tiết ở Đồng Tháp rất dễ chịu trong những ngày đoàn quay phim, ngày mát mẻ, tối se lạnh. Đợt quay ở Củ Chi, êkíp chịu cái nắng rát da, nhưng Hạnh Thúy khá thoải mái vì ít ngoại cảnh. Chị tâm sự: "Má Phi Điểu gần 90 tuổi vẫn tự chạy xe máy đi quay. Các bé diễn viên nhí quay ngoài đồng, ngoài trời. Họ chịu được thì tôi cũng phải chịu được!".
Tất bật làm cũ đồ mới
Hạnh Thúy bảo điều thích nhất khi đóng vai nghèo ở bối cảnh nông thôn như Thương con cá rô đồng là đầu tư phục trang cho nhân vật không tốn kém. Chị và diễn viên Quang Thái (vai Lắm) hay hỏi đùa nhau mua bộ đồ này, bộ đồ kia hết mấy chục nghìn đồng. Chuẩn bị cho nhân vật dì tư, Hạnh Thúy chọn mua các bộ kín đáo, có cổ, tay không quá ngắn. Chị mua đồ mới rồi đem đổi cho người quen, lấy đồ cũ để mặc; hoặc bỏ vào máy giặt năm, sáu lượt cho đồ cũ, xỉn màu đi, phù hợp với phim.
Đóng phim nào, Hạnh Thúy cũng tự đầu tư quần áo. Đến nay, tủ đồ đóng phim của chị có cả trăm bộ. Nhưng thường khi quay xong một bộ phim, chị đem trang phục tặng cho đồng nghiệp quay phim của họ. Đến lúc quay phim mới, Hạnh Thúy lại mua đồ mới. Nhiều khi, đồ mới mua y hệt những bộ đã đem cho.
Phong Kiều