Trận mưa xối xả kéo dài hơn 3 ngày qua gây ra lũ lụt "ngàn năm có một" ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố, nhà cửa, ô tô đều bị nhấn chìm. "Trận đại hồng thủy" này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 25 người, trong đó có 12 người chết khi mắc kẹt trong các khoang tàu điện ngầm, 7 người khác được báo cáo mất tích và 200.000 người phải di tản.
"Chúng tôi đã quen với những trận mưa như trút nước vào mùa hè", một người bị mắc kẹt trong tàu điện ngầm may mắn sống sót nói. "Nhưng trận lụt này ở Trịnh Châu không giống như những lần trước, nó đã cuốn trôi mọi thứ, kể cả sinh mệnh của nhiều người".
Theo chính quyền Trịnh Châu, hơn 500 hành khách đã được giải cứu sau khi tất cả các dịch vụ đường tàu điện của thành phố tạm đình chỉ lúc 18h ngày 20/7. Tuy nhiên tình trạng hỗn loạn vẫn tiếp diễn khi nước tràn vào các ga tàu điện ngầm và nhiều người tuyệt vọng lên mạng xã hội kêu cứu.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là trên tuyến số 5 của tàu điện ngầm, nơi nhiều hành khách được thông báo bị mắc kẹt hàng giờ trong các khoang tàu ngập nước, chờ đợi lực lượng cứu hộ. Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hành khách lo lắng, đứng trong tình trạng ngập nước cao đến ngực, bên ngoài cửa sổ tàu nước đã cao quá đầu người.
Vào lúc 19h30 ngày 20/7, khi tuyệt vọng dâng trào, một phụ nữ tên Xiaopei, người được truyền thông Trung Quốc đưa tin là người dẫn chương trình của Đài truyền hình quốc gia CCTV, đã gửi lời kêu cứu qua mạng xã hội.
"Tất cả các đơn vị cứu hộ khẩn cấp và lính cứu hỏa, hãy đến cứu chúng tôi" cô đăng tin trên mạng xã hội lúc 19h32. "Chúng tôi bị mắc kẹt trong đường hầm tuyến số 5. Nước bên trong tàu đã ngập sâu đến ngực. Tôi không thể nói được nữa, xin hãy giúp đỡ chúng tôi".
Một phút sau, cô tiếp tục đăng tin: "Có hàng trăm người chúng tôi đang mặc kẹt, đây là giây phút sinh tử, xin hãy giúp chúng tôi".
Cô phát bài đăng cuối cùng lúc 19h46, trước khi pin điện thoại cạn cùng nỗi hoảng loạn: "Nước đã đến cổ chúng tôi". Nỗi kinh hoàng sẽ kéo dài thêm một giờ trước khi cô và các hành khách được giải cứu vào khoảng 20h50.
Một hành khách khác bị mắc kẹt của tuyến 5 may mắn sống sót kể lại: "Những người mắc kẹt xung quanh tôi đều bật khóc. Chúng tôi đã cùng nhau lập một hiệp ước rằng đừng ai nói bất cứ điều gì xui xẻo trong tình huống này. Hầu hết chúng tôi đều im lặng và nỗ lực cố gắng kết nối với bên ngoài để cầu cứu sự giúp đỡ".
"Rất may, một phụ nữ đã tiếp cận được lực lượng cứu hộ bên ngoài và cô ấy liên tục cập nhật cho lực lượng cứu hộ về tình hình của chúng tôi. Nhưng khoảnh khắc tồi tệ nhất đến vào khoảng 21h khi mực nước ngoài cửa sổ tàu cao quá đầu người. Khi chúng tôi nhìn về phía đuôi tàu, hầu hết các khoang đã hoàn toàn chìm trong nước", người phụ nữ kể.
Thời gian không còn nhiều, cũng như hy vọng "một số người run rẩy, thở hổn hển và nôn mửa, trong số chúng tôi có cả trẻ em, phụ nữ mang thai và người già" cô nói. "Nhiều người trong chúng tôi đã kiệt sức vì bị ngâm mình trong nước hàng giờ đồng hồ".
"Tôi cảm thấy tuyệt vọng, chuẩn bị tinh thần cho sự thật rằng tôi sẽ không thể sống sót. Khi tôi nhìn thấy mực nước đã ngập đến đầu chúng tôi, tôi bắt đầu gửi những tin nhắn tạm biệt cuối cùng và sắp xếp công việc sau khi tôi qua đời với những người thân yêu. Không khí đã nhanh chóng cạn kiệt. Chúng tôi nảy ra ý tưởng mở các cửa sổ cao hơn ở phía trần nhà, nơi mực nước không quá cao. Việc thông gió được cải thiện ngay sau đó, và lực lượng cứu hộ đã đến kịp", người phụ nữ run rẩy kể về khoảnh khắc sinh tử.
Một hành khách khác đã lên tàu trên Tuyến số 1 vào khoảng 17h ở ngoại ô Trịnh Châu, nói rằng họ bị mắc kẹt bên trong ga Boxue Road cùng một số người già và trẻ em lúc quá nửa đêm vì lối ra của các ga bị chặn.
"Nước chảy xiết bắt đầu tràn vào khi chúng tôi chuẩn bị đến ga Trịnh Châu Đông, vì vậy đoàn tàu không dừng lại mà tiếp tục đi về phía trước. Đi được nửa đường, đoàn tàu dừng lại và bắt đầu quay ngược trở lại ga trước đó và đó là nơi chúng tôi bị mắc kẹt", hành khách trên kể lại.
Không may mắn như những người sống sót trên, một phụ nữ ở Trịnh Châu đã lên mạng kêu gọi giúp đỡ khi chồng mất tích trên đường đi làm về bằng tàu điện ngầm. "Bất cứ ai đã nhìn thấy anh ấy trong bệnh viện hoặc trên đường đến bệnh viện, xin vui lòng liên hệ với tôi. Tôi và con của chúng tôi đang đợi anh ấy về".
Tuy nhiên theo SCMP, hiện hầu hết các video hay bài viết cầu cứu trên mạng xã hội Trung Quốc đã bị gỡ bỏ.
Hiện chính quyền Trịnh Châu vẫn thực hiện công việc cứu hộ, sơ tán để ngăn chặn các vụ vỡ đập, khôi phục nguồn điện bị mất, đánh giá lại con đường bị sập. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức đẩy mạnh các biện pháp cứu trợ thiên tai, nói rằng thành phố đang phải hứng chịu một trận lũ vô cùng nghiêm trọng.
Sơn Nam (Theo SCMP)