12 tiếng sau vụ tai nạn đêm 10/3, bà Hoàng Thị Kim vẫn chưa hoàn hồn. Hai vợ chồng bà dẫn theo cháu nhỏ lên tàu SE5 từ ga Thanh Hóa hành trình vào Biên Hòa (Đồng Nai). Ngồi ghế mềm ở toa số một, bà đang ru cháu ngủ trong âm thanh xình xịch đều đều thì bỗng nghe tiếng rít, tàu rung lắc mạnh. "Tôi hốt hoảng đập ông nhà hỏi có phải tàu trật bánh, thì thấy toa tàu nảy lên, cửa sổ rơi ra đập vào lưng tôi, chưa kịp định thần thì mọi thứ chồm về phía trước rồi người đổ dồn về một phía", bà nhớ lại giây phút tàu hỏa gặp nạn khi tông vào chiếc xe ben.
Bà chỉ biết ôm chặt đứa cháu và kêu cứu, khoảng 10 phút sau, nhiều người đàn ông đập cửa kính đưa mọi người ra ngoài. "Thấy máu dính trên áo quần cháu gái, vợ chồng tôi hốt hoảng sờ nắn khắp người nó, hóa ra máu từ vết thương ở lưng tôi chảy xuống. Thấy nó không sao, tôi mừng vì thoát nạn nhưng lưng thì đau nhức. Lúc đó run sợ quá mức, tỉnh lại mới biết mình thoát chết", bà Kim nói thêm.
Còn ông Lê Việt Thành bị thương ở đầu phải nhập viện, choáng váng suốt 30 phút sau tai nạn. "Tôi ngồi ở toa số một. Tàu đang chạy bình thường thì một tiếng rít lớn vang lên, tôi văng về phía trước, trong tích tắc toa nghiêng hẳn sang một bên. Người và hành lý văng khắp nơi, chồng cả lên nhau. Thấy ướt, ôi sờ lên trán mới biết mình chảy máu", ông Thành kể.
"Sau cú va chạm, trong toa lặng đi một lát rồi tiếng kêu la vang lên. Mọi người náo loạn gọi hỏi nhau. Khi một số người từ bên ngoài đập vỡ cửa kính, hành khách trong toa hô nhau bò ra ngoài. Nhìn cảnh đoàn tàu ngổn ngang, tôi lấy điện thoại để báo cho gia đình mà tay run không bấm được số", ông Thành nhớ lại.
Ông Thành được nhân viên đường sắt sơ cứu rồi được cảnh sát giao thông đưa đến Bệnh viện đa khoa Triệu Hải. Nhân viên y tế khâu vết thương và băng bó rồi cho ông xuất viện để theo đoàn tàu về ga Quảng Trị. Đến sáng nay, ông vẫn đi lại chưa vững vì chấn động sau tai nạn.
Bà Phạm Thị Thắm (53 tuổi, Thanh Hóa) ngồi cùng toa số một cũng thốt lên: "Mình thoát chết thật may mắn". Bà Thắm cùng 6 người trong đó có 2 trẻ em đang trên đường vào Sài Gòn làm ăn.
Trong khi đó, nhân viên Đỗ Thúy Hằng phục vụ ở toa số 2 và 3 đang ngồi với khách thì nghe tiếng phanh rít. "Mọi thứ sau đó nẩy tưng tưng rồi đổ ụp xuống. Tôi hét lên Mọi người bình tĩnh mà không biết tay phải bị thương lúc nào", chị nói. Sau đó, chị cố gắng bình tình để hướng dẫn khách xuống tàu qua cửa sổ. May mắn trên toa có nhiều nam giới nên mọi người nhanh chóng trấn an nhau.
Một nhân viên khác cho hay, ngay sau tai nạn, họ lập tức động viên hành khách tại hiện trường, lên kế hoạch sơ cứu khách bị thương, bảo vệ hành lý nên tình trạng hoảng loạn đã không xảy ra.
Nhà ở đối diện đường sắt trên quốc lộ 1, bà Hoa đang xem TV thì giật mình vì tiếng động lớn. Chạy vội ra, bà thấy tàu đổ ngổn ngang, người từ các toa ùa ra ngoài.
Theo ngành đường sắt, vụ tai nạn làm hư hỏng đầu máy, ba toa xe, 100 mét đường ray bị cày xới, 100 mét lan can và thiết bị cảnh báo tự động đường ngang hư hỏng.
Đến đầu giờ chiều 11/3, công tác cứu hộ cần trục bị lật vẫn được tiến hành gấp rút. Do một phần cần trục này vươn ra nên phải tháo dầu thủy lực, đồng thời huy động một máy xúc dùng lực ép để thu bớt cần trục này lại với hy vọng tạo thuận lợi cho việc cứu hộ.
Ngành đường sắt chưa đưa ra tiến độ cuối cùng cho việc giải phóng hiện trường và khắc phục hậu quả tai nạn.
Trước đó, gần 22h ngày 10/3, tàu khách SE5 chạy hướng Bắc - Nam khi đến thôn Thượng Xá (xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) đã đâm vào một xe ben đang băng ngang đường dân sinh. Vụ tai nạn khiến lái tàu tử vong, ba toa xe trật bánh, giao thông trên đường sắt tê liệt hoàn toàn. Sáng hôm sau, một chiếc cần trục đến hiện trường để cứu hộ tàu hỏa cũng bị lật nghiêng, khiến công tác khắc phục hậu quả thêm phần khó khăn.
VnExpress