Ngày 24/9, ông Nguyễn Tiến Đức (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Nghệ An) cho biết, đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực địa tại nhiều vườn cam ở huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn... đang bị rụng quả hàng loạt.
Nông dân Quỳ Hợp thu gom cam rụng. Video: Anh Thư.
Thực tế, nhiều diện tích cam trồng ngay trên các khu đất trước đây đã từng xuất hiện bệnh, song không thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh kỹ. Sau một thời gian những mảnh đất này sẽ thoái hóa khiến bộ rễ cây cam không thể phát triển để hút chất dinh dưỡng, dẫn tới cây bị rối loạn sinh lý khiến quả rụng.
Thứ hai, do quy trình chăm sóc của người dân không đúng cách, phần lớn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, ít ứng dụng vào khoa học kỹ thuật. Từ đó, mất cân đối dinh dưỡng (có thừa chất và ngược lại) đều gây rụng quả.
Thứ ba, nhiều diện tích bị các bệnh như Vàng lá gân xanh (hay còn gọi là bệnh Greening); một số loại nấm. Bên cạnh đó, ruồi đục quả, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rầy chổng cánh... là những thủ phạm tấn công quả cam.
Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi cũng là tác nhân khiến cam bị rụng quả. Cụ thể, sau một thời gian hạn hán khốc liệt thì vừa qua lại có các đợt mưa to khiến cây bị thừa nước.

Hàng tấn cam rụng tấp bên lề đường. Ảnh: Anh Thư.
Dự báo hiện tượng cam rụng trong thời gian tới vẫn gia tăng, Chi cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương và chủ vườn phải thực hiện tiêu thoát nước, không để bị ngập úng. Không bón phân ngay sau khi trời mưa, bởi sau thời gian năng hạn kéo dài thì bộ rễ tơ của cây bị tổn thương, sẽ dễ gây thối khi gặp mưa. Cần phải sử dụng các chế phẩm kích thích rễ để cây ra rễ mới thì mới chăm bón.
Với vườn cam bị mất cân đối về dinh dưỡng, cần tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm bón và phòng trừ sâu bệnh của Sở Nông nghiẹp và Phát triển Nông thôn.
Với các vườn bị nấm thì sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Với vườn bị bệnh Vàng lá gân xanh thì sau khi tận thu quả, buộc phải chặt bỏ để hạn chế nguồn lây lan.

Nhiều hộ trồng cam thiệt hại vì cam rụng. Ảnh: Anh Thư.
Toàn tỉnh Nghệ An có hơn 6.100 ha cam, trong đó các huyện như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành chiếm phần lớn diện tích. Mặc dù sắp đến kỳ thu hoạch, nửa tháng qua nhiều nơi xảy ra hiện tượng rụng quả hàng loạt. Ước tính hàng trăm tấn cam đã phải chôn lấp.