Thứ bảy, 11/9/2021, 12:48 (GMT+7)

Hàng trăm bà bầu 'vùng đỏ' xếp hàng tiêm vaccine Covid-19

Hà NộiSáng 11/9, 520 sản phụ thuộc quận Hoàng Mai đến Bệnh viện Thanh Nhàn tiêm phòng vaccine Covid-19.

Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Trưởng Khoa sản 1 bệnh Viện Thanh Nhàn, cho biết trong hai ngày 11 và 12/9, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn tổ chức tiêm phòng cho 1.020 sản phụ thuộc quận Hoàng Mai.

“Ngày 11/9 chúng tôi sẽ tiêm 520 sản phụ, 500 người còn lại được tiêm trong ngày 12”, bác sĩ Thắng nói và cho biết việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho sản phụ trên 13 tuần là vô cùng cần thiết trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Theo bác sĩ Thắng, phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm virus như nhau nhưng phụ nữ mang thai khi nhiễm dễ diễn tiến nặng. Trong trường hợp sản phụ không may mắc phải, vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh.

“Nếu sản phụ không tiêm vaccine, mắc Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, em bé có thể chậm phát triển trong tử cung, khả năng sinh non cao và sức khỏe người mẹ cũng không được đảm bảo. Trong khi đó, sản phụ mắc Covid-19 đã được tiêm thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, con ra khỏe mạnh hơn so với em bé có mẹ mắc Covid-19 không tiêm”, Bác sĩ Thắng cho hay.

Tuy nhiên đối với sản phụ dưới 13 tuần, bác sĩ Thắng cho biết chưa được tiêm vaccine vì dễ dẫn đến trường hợp sảy thai, dị tật thai do tác dụng phụ của thuốc.

Sản phụ đến tiêm phòng khai báo y tế từ cổng, sau đó được đưa đi siêu âm thai nhi trước tiêm. Để đảm bảo, quá trình kiểm tra tim thai tốt, nước ối đầy đủ, thai nhi và mẹ nếu đạt chỉ số khỏe mạnh thì mới đủ điều kiện tiêm phòng.

"Những trường hợp bất thường về thai nhi và nước ối sẽ theo dõi thêm rồi mới tiến hành cho tiêm vaccine", bác sĩ Thắng nói.

Sau khi khám sàng lọc thai nhi, sản phụ được đưa đi đo huyết áp trước khi tiến hành tiêm chủng.

Vaccine được lựa chọn tiêm phòng cho các sản phụ là Pfizer.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (Định Công, Hoàng Mai) được chồng đưa đến Bệnh Viện Thanh Nhàn chờ tiêm vaccine Covid-19. Sau khai báo y tế, chị Thảo được đưa vào phòng siêu âm, khám sàng lọc. Khi màn hình siêu âm báo chỉ số thai nhi bình thường, chị được tiến hành đo huyết áp và tiêm vaccine.

Chị Thảo cho biết mình mang thai ở tuần thứ 28, nhà lại thuộc vùng đỏ có dịch nên nhiều lo lắng khi tiêm phòng vaccine vì sợ những tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến em bé. Nhưng khi được bác sĩ tư vấn, chị quyết định tiêm để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

“Mình ở khu vực vùng đỏ, khả năng nhiễm bệnh cao nên để đảm bảo trong trường hợp không may nhiễm Covid-19, vaccine có thể bảo vệ con mình”, chị Thảo nói.

Cùng đi tiêm vaccine như chị Thảo, sản phụ Nguyễn Thị Hương chia sẻ mình mang thai ở tuần thứ 22, vừa tiêm vaccine được 30 phút. Trạng thái cơ thể bình thường, trước tiêm chị có tìm hiểu về tác dụng phụ của vaccine và có hơi lo lắng nhưng việc tiêm Pfizer khiến chị yên tâm phần nào.

Sau tiêm, sản phụ được theo dõi một tiếng tại bệnh viện, sau đó được điều dưỡng viên hướng dẫn theo dõi tại nhà, nếu có dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện như sốt cao, tím tái, thở dốc... cần liên hệ y tế ngay. Đặc biệt, sau tiêm một đến hai tuần, thai phụ cần đi khám thai để kiểm tra em bé.

Thời gian qua, khi triển khai tiêm vaccine toàn dân, đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú nằm trong nhóm trì hoãn. Trong tình hình dịch bùng phát, số thai phụ mắc Covid-19 tăng cao như hiện nay, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn ngày 10/8. Theo đó, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên thuộc nhóm cần thận trọng tiêm chủng, cơ sở y tế phải giải thích lợi ích - nguy cơ và ký cam kết đồng ý tiêm, chuyển đến cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm. Phụ nữ mang thai hơn 13 tuần là một trong ba nhóm người Hà Nội được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Hà Nội đặt mục tiêu tới ngày 15/9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi.

Hà Nội tiêm cho bà bầu
 
 

Hà Nội tiêm vaccine cho bà bầu

Nguyễn Ngoan

Đánh giá phiên bản mới