Chiều ngày 27/10, anh Vũ Văn Hùng, chủ một quán cà phê trên đường Lê Văn Sĩ (quận Tân Bình) cùng ba nhân viên đến quán lau rửa bàn ghế, ly tách và chuẩn bị nguyên liệu để phục vụ khách tại chỗ. Sau nhiều tháng chỉ bán mang đi, bàn ghế và nhiều ngóc ngách khác trong quán phủ bụi. Tất bật cùng nhân viên dọn dẹp, anh Hùng cho biết rất vui vì được mở bán tại chỗ sau hơn 5 tháng gần như đóng băng hoạt động kinh doanh.
Cách đó khoảng 300 m, chị Huỳnh Hoa, chủ một tiệm phở cũng đang lau dọn bàn ghế và kiểm tra bát, đũa chuẩn bị đón khách trở lại. "Hồi đầu tháng, chúng tôi đã mở bán mang đi nhưng số lượng bán ra ít hơn hẳn so với trước vì đa phần là khách quen và mong muốn ăn tại chỗ. Nếu được bán tại chỗ trở lại thì doanh số sẽ tăng mạnh hơn", chị Hoa nói.
Ngay trong chiều 27/10, chị Hoa đã tăng số lượng nguyên liệu cần nhập và bổ sung hai nhân sự. Chị Hoa cho biết tất cả nhân viên quán đã đã hoàn thành hai mũi vaccine phòng Covid-19 và bàn ghế cũng đã sắp xếp lại để đảm bảo tiêu chí giãn cách theo quy định.
Ngày 27/10, UBND TP HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10 và phải đảm bảo một số điều kiện. Theo đó, các hàng quán được mở bán tại chỗ nếu đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo điều kiện: đóng cửa trước 21h hàng ngày, công suất phục vụ tối đa 50% và không được bán đồ uống có cồn (trừ các nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ khách du lịch).
Ngoài các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở cần thực hiện 5K, kiểm tra thẻ vaccine và triển khai quét mã QR nghiêm ngặt. Các cơ sở phải có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở trong cùng một thời điểm và có bảng thông báo rõ tại cơ sở. Mỗi hàng quán phải đảm bảo số lượng khách đến ăn uống không vượt quá số lượng đã thông báo trong cùng một thời điểm.
Anh Huỳnh Văn Tân, chủ một quán lẩu, nướng trên đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp) cho biết việc phải đóng cửa trong suốt thời gian dài khiến cơ sở kinh doanh của anh thiệt hại nặng. Để chuẩn bị mở bán tại chỗ, anh Tân đã chuẩn bị đầy đủ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; trang bị nước rửa tay sát khuẩn và thiết bị, dụng cụ làm khô tay, nhân viên 100% đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19.
"Ngay từ đầu tháng 10 khi thành phố nới lỏng cho phép nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động trở lại, đã có nhiều khách quen gọi điện hỏi chúng tôi về lịch mở cửa cho thấy nhu cầu ăn uống tại chỗ luôn cao. Việc được phép bán tại chỗ hứa hẹn sẽ giúp chúng tôi tăng doanh thu. Tuy nhiên việc không được bán đồ uống có cồn cũng là thách thức không nhỏ đối với quán nhậu, khi khách hàng đến quán với nhu cầu uống bia rượu giải trí cùng bạn bè", anh Tân nói.
Trong khi nhiều hàng, quán phấn khởi chuẩn bị mở cửa trở lại, chị Trần Yến Hoa, chủ một quán lẩu trên đường Vĩnh Khánh (quận 4) vẫn lo lắng vì không có nhân sự. Nhân viên của chị đã về quê khi quán đóng cửa từ 5 tháng trước. Chị cho biết hiện chỉ có thể mở bán ở quy mô nhỏ, huy động người nhà "tới đâu hay tới đó".
Trong khi đó, một chuỗi nhà hàng hải sản tại TP HCM cho biết sẽ mở cửa 5 nhà hàng đón khách tại chỗ vào ngày 1/11. Chị Đoàn Thị Anh Thư, CEO chuỗi nhà hàng này cho biết: "Chúng tôi không vội vàng mở cửa ngay mà đang đào tạo nhân sự mới để nhân viên nắm bắt quy trình đón khách và đảm bảo quy định phòng dịch, bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế và kết nối chặt chẽ và cơ quan quản lý".
Theo chị Thư, việc mở bán tại chỗ sẽ cải thiện doanh thu nhưng trong giai đoạn này khó thể bù đắp chi phí vận hành. Khó khăn với ngành F&B vẫn còn kéo dài và tiếp tục khi khách hàng thắt chặt chi tiêu, thị trường thu hẹp, nguồn nhân lực khó tuyển, khách cũng sẽ không còn đông như trước dịch do tâm lý lo ngại dịch bệnh vẫn hiện hữu. Do đó, chuỗi nhà hàng này vẫn duy trì và phát triển mảng thực phẩm đông lạnh và giao thức ăn tận nhà.
Sơn Nam