![]() |
Agu Casmir được nhập quốc tịch Singapore năm ngoái. |
Tích cực nhất trong việc nhập khẩu cầu thủ chính là Singapore. Trước đây, đội tuyển nước này từng phải ngậm ngùi với 3 cầu thủ ngoại nhập ở Tiger Cup 2002. Đó là trung vệ người Anh Daniel Bennett, cùng hai tiền đạo người Croatia và Brazil là Mirko Grabovac và Egmar Goncalves, nhưng chất lượng lại chẳng ra gì.
Nhưng chẳng vì thế mà Singapore nản lòng, vì nền thể thao của họ đã được hưởng lợi rất lớn từ hàng nhập khẩu. Với các tay vợt gốc Trung Quốc, Singapore đã giữ được vị thế số một bóng bàn Đông Nam Á khá lâu. Chính với niềm tin ấy, nước này gần đây đã nhập quốc tịch cho 2 cầu thủ Nigeria là Agu Casmir và Itimi Dickson. Thậm chí, họ vẫn muốn quyến rũ thêm vài cầu thủ gốc Phi nữa với mục tiêu lọt vào World Cup 2010.
Là nền bóng đá gần như đội sổ ở vùng trũng Đông Nam Á, Campuchia cũng đã biết tận dụng nguồn lực ngoại. Đó là 2 cầu thủ người Pháp gốc Campuchia. Stefan Pet, 18 tuổi, con trai của cựu tuyển thủ Pen Phet nổi tiếng một thời của Campuchia, và Hing Darith, 24 tuổi đã đều đã có tên trong danh sách đăng ký sơ bộ dự Tiger Cup. Việt Nam cũng đã tính chuyện thu hút các tài năng Việt kiều về thi đấu cho Tổ quốc, nhưng chỉ tiếc, Ludovic và một số cầu thủ khác đã không kịp có thời gian để thử sức tại Tiger Cup 2004.
Tới ngay Thái Lan, vua bóng đá khu vực, cũng chẳng chê hàng ngoại. Thái Lan từng rất thành công với trường hợp của tiền đạo Natipong Sritong-In. Tuy mang dòng máu Thái, nhưng cầu thủ này lại không hề biết tiếng Thái Lan và xa lạ với nền văn hoá của nước này.
Gần đây, theo VnExpress, Thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra, cũng gợi ý các CLB nước này nên thuê các tuyển thủ nước ngoài để cải thiện trình độ của giải trong nước. Ông Thaksin còn tuyên bố, chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện nhập quốc tịch cho những cầu thủ giỏi để họ có thể chơi cho ĐTQG Thái Lan.