Sinh viên Khánh Ly và Thùy Nhung học dưới mái tôn che tạm. |
Quận Liên Chiểu là nơi thiệt hại nặng nhất trong bão Xangsane và cũng là nơi có nhiều sinh viên ngoại tỉnh cư trú. Khu nhà trọ của chị Phạm Thị Hải Dương (tổ 29, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) có gần 20 sinh viên tạm trú ở đây ăn, ngủ, sinh hoạt và học tập lay lắt ngay dưới khu hành lang được bắc qua bằng mấy tấm tôn.
Nguyễn Thị Khánh Ly (lớp 05 SK2, khoa Sư phạm kỹ thuật, ĐH Bách khoa) nói: “Nhà em ở Đại Lộc (Quảng Nam) cũng bị sập hoàn toàn, làm sao có tiền để cho em sắm lại những đồ đạc bị mất trong bão?”.
Trần Thị Thùy Nhung (khoa Hóa, ĐH Bách khoa) chán nản: “Học cho có thế thôi, chẳng vào đầu được chút nào”. Gần trưa, nhóm sinh viên trọ ở đây chuẩn bị bữa ăn đạm bạc, chỉ có cơm trắng, nước mắm và rau. Ly cười: “Thế này là sướng lắm rồi, mấy bữa vừa rồi mỳ tôm cũng chẳng có mà ăn”.
Đi sâu vào “xóm nhà trọ” ở phường Hòa Minh, những tân cử nhân ngồi bó gối trong những căn phòng trọ đã toang hoác. Em Trần Thùy Linh (lớp 05/KNP 04, Đại học Ngoại ngữ) buồn bã: “Nhà em tận Bắc Giang, nếu có tiền thì em cũng về rồi. Ở lại đây đói quá. Bao nhiêu chăn màn, đồ dùng cá nhân bị hư hỏng hết rồi”.
Tại Ký túc xá Đại học Bách khoa, hàng trăm SV đều lâm vào cảnh “đứt bữa” vì giá cơm bình dân tăng vọt. Ông Mai Anh Tuấn, Phó Giám đốc quản lý Ký túc xá, cho biết: “Hiện mỗi phòng đều tăng thêm khoảng 10 sinh viên ngoại trú vào ở nhờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhận sinh viên cho đến lúc nào các em ổn định chỗ ở ngoại trú". Theo thống kê của Đại học Đà Nẵng, tài sản lớn nhất của sinh viên bị mất hoặc hư hỏng là máy tính và quần áo, tư trang.
Hiện có hơn 17.000 sinh viên ngoại trú trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó, quận Liên Chiểu chiếm khoảng 14.000 sinh viên. Theo ông Trần Đình Mai, Trưởng Ban công tác HSSV (ĐH Đà Nẵng), có đến 95% số sinh viên này có máy tính. Vì thế, số máy tính của các em mất trắng không dưới 10.000 máy.
Trên quốc lộ 1A đoạn Hòa Khánh, hàng trăm sinh viên tiếp tục đứng bên đường, bắt xe về quê. Em Nguyễn Chí Bình (quê Quảng Trị, khoa Điện, ĐH Bách khoa), nói: “Chưa biết lúc nào có thể vào học lại”.
Sinh viên Giao Văn Hương bị thương ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. |
Giao Văn Hương (Cao đẳng TDTT TƯ 3), người bị thương trong bão hôm 1/10 vẫn đang cấp cứu tại bênh viện Đà Nẵng, bùi ngùi: “Quá khủng khiếp, giờ đây em chỉ muốn được về nhà”. Thống kê mới nhất cho biết số sinh viên tử nạn trong bão là 2 em, bị thương khoảng 10 em.
Đại học Đà Nẵng có gần 30.000 sinh viên thì có khoảng 10.000 sinh viên gặp cảnh “trắng tay” sau bão. Số bỏ về quê theo ghi nhận của phóng viên là trên 5.000 sinh viên.
Ông Trần Đình Mai cho biết: “Số sinh viên bỏ học về quê là do các em không có chỗ ở, bị mất hết đồ dùng cá nhân. Còn một lý do khác nữa là hiện nhiều phòng học của 6 đại học thành viên bị cuốn tốc mái, không thể sử dụng được. Hiện có gần 100 phòng thuộc 6 trường bị hư hỏng hoàn toàn”.
Ông Mai cũng cho biết thêm, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng sẽ quyết tâm khôi phục các phòng học trong khoảng thời gian 2 tuần bắt đầu từ ngày 6/10.
Hiện nay, số sinh viên bỏ học về quê tập trung chủ yếu ở Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm, bởi cơn bão Xangsane hầu như đã quét toàn bộ những khu nhà trọ ở quận Liên Chiểu.
PGS.TS. Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa, cho biết: “Nhà trường đang kêu gọi các em nỗ lực trở lại trường. Những em nào chưa về thì cố gắng ở lại trong ký túc xá”. Ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, nói: “Chúng tôi luôn coi sinh viên ngoại tỉnh như người dân địa phương. Tất cả những chế độ hỗ trợ sau bão Xangsane của sinh viên và người dân là như nhau. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng khuyến khích người dân nhanh chóng sửa lại các khu nhà trọ để đón sinh viên”.
Ông Huỳnh Bọng, Phó ban công tác Học sinh Sinh viên (Đại học Đà Nẵng), cũng cho biết: “Sắp tới, Đại học Đà Nẵng sẽ làm việc với lãnh đạo các quận để cùng phối hợp, đôn đốc người dân nhanh chóng sửa sang, hoàn thành các khu nhà trọ”.
(Theo Tiền Phong)