Giá này "chát" thật nhưng vấn đề bãi xe chỉ là mấy cái dây buộc nhì nhằng vào thân cây và mới chỉ có nhõn nhột chiếc, chẳng có gì tin được khi giao xe. Bà chủ dài giọng: "Bọn chị phải thuê bãi 300.000 đồng một tối đấy, lại phải thuê 5-6 người mới trông cho xuể". Thôi đành liều, gửi xe, lấy vé xe là một tấm bìa trắng, chị Phụng, ở khu Kim Liên, dắt thằng con trai 3 tuổi vào xem chợ. Đã cẩn thận, cho chiếc di động Samsung vào túi quần trước, thế mà mắt trước mắt sau, vừa mua được cho con cái đèn lồng thì chiếc điện thoại biến mất. Chưa xem được gì mà người đông như nêm, chị lại đành dắt con về.
Thu Trang, sinh viên Bách Khoa, mấy ngày nay, ngày nào cũng phải lượn qua Hàng Mã một vòng. Hôm thì mua cho đứa cháu đôi cánh thiên thần, hôm chẳng mua gì thì cũng trốn học tiếng Anh buổi tối đi xem cho vui. Cô tâm sự: "Trống, mặt nạ, đèn ông sao năm nay có vẻ ít đi, chắc không nhiều người mua, chủ yếu là các loại đèn lồng có nhạc của Trung Quốc và các loại thú nhả xà phòng...".
Diệu Linh, 11 tuổi, học sinh trường Tiểu học Dân Lập Thái Hà cũng được bố mẹ đưa lên phố Hàng Mã mua sắm đồ Trung thu. Năm ngoái, mẹ mua tặng Linh một bộ búp bê Barbie, nhưng năm nay cô bé thích một chiếc đèn lồng, mặt nạ và một chiếc vương miện.
![]() |
Đèn lồng trung thu. |
Năm nay không còn thấy bày bán kiểu mũ công chúa Hàm Hương nhiều, thay vào đó là vương miện hoàng hậu, hoặc đơn giản là một chiếc bờm có dáng hình con thỏ. Riêng về mặt nạ thì có vẻ không còn nhiều kiểu dáng kinh dị, thay vào đó là các kiểu mặt nạ dạ hội. Mặt nạ có loại làm bằng giấy, nhưng đa phần làm bằng nhựa.
Sạp hàng của chị Lan (phố Hàng Mã cắt ngang phố Hàng Lược) có lẽ là cửa hàng bán duy nhất riêng một loại, đó là đèn ông sao. Chị cho biết: "Đa số những người kinh doanh ở đây đều muốn bán xen kẽ nhiều mặt hàng khác nhau. Nhưng tôi chỉ buôn đèn ông sao. Qua nhiều năm bán, tôi thấy người dân mình dường như không thể bỏ qua được thứ hàng này".
Hàng hóa chị Lan chất đầy trong căn nhà cổ chật chội, nhỏ có, to có. Chị nói, ngoài việc đưa buôn, chị bán lẻ cũng quay chóng cả mặt. Cứ đến mùa trung thu, cả nhà đều tập trung vào bán mấy ngày. Năm nay, chồng chị bị bệnh nên phải gọi mấy đứa cháu ở quê lên phụ giúp cùng đỡ vất vả.
Bên cạnh các chủ sạp hàng lớn, còn có những người bán dạo. Trong đó có bé Nam, 11 tuổi, nhà ngay dưới bến sông Hồng. Mấy ngày nay, Nam cùng tốp bạn dưới khu bãi lăn lộn từ sáng đến tối bán những chiếc kèn gấp thổi ra thổi vào, hình Đô-rê-mon trên phố Hàng Mã. Cậu bé "nhập hàng" giá 2.000 đồng rồi bán ra 5.000 đồng/cái. Hàng ngày Nam cũng kiếm được từ 50 đến 70 nghìn đồng tiền lãi.
![]() |
Bé Nam đang chào khách mua kèn. |
Nam nói, chỗ cậu cũng tổ chức Trung thu cho trẻ em sống ở bãi sông. Nhưng vì em phải đi bán hàng nên không tham gia vui chơi với các bạn cùng xóm được. Hôm trước, mấy anh em Nam được các cô trong hội phụ nữ phường Phúc Tân mang quà đến cho "ăn bánh nướng, bánh dẻo ngon lắm", cậu bé khoe.
Ngoài những mặt hàng truyền thống đó, ôtô, xe tăng, siêu nhân cũng được các ông bố, bà mẹ mua sắm nhiều cho con mình. Giá của mỗi chiếc ôtô từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Nhưng nói chung giá cả không cao hơn năm ngoái là mấy, chỉ xê dịch vài từ 5 đến 20 nghìn đồng.
Những năm trước, mặt hàng súng, lựu đạn được bán công khai thì năm nay không thấy trưng bán. Song, nếu có nhu cầu, khách hàng chỉ cần hỏi một chủ tiệm trên phố Lương Văn Can cũng có thể mua được. "Sở dĩ không bày ra là vì nhân viên thị trường đi kiểm tra gắt gao quá", một chủ cửa hàng kinh doanh lâu năm trên Lương Văn Can cho biết.
Quang Việt