![]() |
Đàn bò lậu được đưa qua biên giới Vĩnh Hưng. |
Tại ranh giới tiếp giáp giữa xã Vĩnh Xương và Omxàno, hàng chục người đang nằm phục chờ đưa hàng qua biên giới. Một cán bộ ở Vĩnh Xương nói: “Khi lực lượng kiểm tra xuất hiện là họ biến mất, nhưng lơi lỏng một chút hàng hóa lại tràn qua”.
Tại Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc), đối diện Gò Tà Mâu có nhiều kho đang nhập hàng đầy ắp, chờ ngày đưa sang biên giới. Từ nhiều năm nay, Vĩnh Ngươn là một trong những “điểm nóng” về buôn lậu. Tuyến biên giới này dài 9 km, điều kiện đi lại thuận lợi; dân buôn lậu chỉ cần lọt qua Vĩnh Ngươn là đưa hàng vào chợ Châu Đốc dễ dàng. Vì thế, việc ngăn hàng lậu ở khu vực này rất khó khăn.Vượt sông Tiền, qua biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp), tại đây, tình hình vận chuyển hàng lậu không ồn ào, nhưng lúc nào cũng có.
Cách Hải quan Thường Phước không xa, có gần chục kho hàng đóng trên đất Campuchia. Các mặt hàng như ly, chén kiểu, đồ điện, đường Thái Lan… được xuất từ đây “chảy nhỏ giọt” qua biên giới. Trong khi đó, trên tuyến biên giới Long An, hàng lậu có chiều hướng tăng vào cuối năm. Tại các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng… gần đây xảy ra tình trạng “chảy máu” xăng dầu qua Campuchia. Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Chúng tôi rất đau đầu về việc này, phần lớn họ dùng can nhựa (30 lít/can), vận chuyển nhỏ lẻ bằng ghe xuồng vào buổi chiều hoặc tối qua biên giới. Do đó, việc ngăn chặn rất khó khăn”. Hiện tại, phía Campuchia đang vào vụ sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng cao. Trong khi xăng dầu bên đó khó mua và giá cao gần gấp đôi Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng (Long An) bắt trên 41 vụ vận chuyển hàng lậu, trị giá hơn 300 triệu đồng, Tân Châu (An Giang) phát hiện trên 100 vụ trị giá gần 1,5 tỷ đồng… Tuy nhiên, số vụ đi trót lọt qua biên giới lớn hơn rất nhiều, mà lực lượng kiểm tra không tài nào ngăn hết được.
Cùng với các mặt hàng tiêu dùng, gần đây xuất hiện nhiều thương lái đua nhau nhập trâu - bò qua biên giới. Tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn - An Giang), một số thương lái vô tư đưa bò lậu từ Tà Keo (Campuchia) vượt biên về Việt Nam. Tại Vĩnh Gia, Lạc Quới… có hẳn các chuồng trại tiếp nhận bò. Nhiều hôm, khu vực này đưa về từ 200 – 300 con bò. Ông Minh, thương lái bò chuyên nghiệp ở Tri Tôn cho biết: “Ở Campuchia, trâu, bò nhiều, giá lại rẻ; bình quân thấp hơn bên này từ 20% đến 40%/con. Chỉ cần mua về vỗ béo vài tháng là bán được giá”. Ông Hai Xuân, lái bò ở Vĩnh Hưng (Long An) nói: “Nhờ đi lái bò mà bây giờ gia đình sống khỏe”.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, hiện, dọc theo các tuyến biên giới từ Long An, sang Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… nơi nào cũng có trâu, bò lậu vượt biên, đổ bộ vào Việt Nam. Ở Campuchia, có nhiều người chuyên thu gom trâu - bò cung cấp cho thương lái Việt Nam. Nếu gấp rút, chỉ cần a lô một tiếng là có hàng ngay.
Điều đáng ngại là nguy cơ dịch cúm gia cầm hiện nay không thể xem thường, ai biết được trong số trâu, bò ấy không mang mầm bệnh. Nhưng sự kiểm dịch của các ngành chức năng còn lơi lỏng. Những thương lái dọc biên giới tiết lộ: chỉ cần “biết điều” với các ông “chức năng” một tí là xong ngay.
Chuyện chống buôn lậu ở biên giới Tây Nam làm đau đầu các cấp thẩm quyền từ nhiều năm nay. Hàng loạt giải pháp được đưa ra, kể cả bắt người, truy cứu trách nhiệm hình sự… nhưng cuối cùng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Cách đây vài năm, một cán bộ biên phòng ở Thường Phước (Đồng Tháp) từng bị dân buôn lậu đánh vỡ đầu, bất tỉnh, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ở An Giang, tình trạng đánh lại lực lượng kiểm tra cũng không phải hiếm…
Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, tình hình có phần tạm lắng xuống. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Bí thư Huyện ủy Tân Châu (An Giang) phân tích: “Truy bắt đầu nậu rất khó khăn, bởi họ núp bóng - thuê dân nghèo đai vác. Thả ra, họ lại đai vác tiếp”. Mấy người nghèo này có bắt rồi cũng không xử lý được. Giải quyết bài toán này, cách nay hơn 1 năm, Tân Châu là huyện đầu tiên ở ĐBSCL thí điểm cho dân buôn lậu vay vốn chuyển nghề.
Gần 100 hộ ở 2 xã biên giới Vĩnh Xương và Phú Lộc được giải ngân 2 triệu đồng/ hộ, kèm theo đó cam kết bỏ nghề buôn lậu. Mới đây, khi khảo sát lại, gần 50% số hộ vay vốn sử dụng không đúng mục đích hoặc làm ăn thất bại… và thu hồi vốn rất khó khăn.