Bún riêu nằm trong top những món ăn tinh hoa, làm nên danh tiếng của ẩm thực Hà thành hàng trăm năm qua. Ở thủ đô, không khó kiếm được một quán bún riêu ở bất kỳ khu chợ hay góc phố nào. Người Hà Nội ăn bún riêu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, từ những ngày sau Tết ngán ngẩm bánh chưng thịt mỡ, đến những ngày hè oi ức, chỉ cần ăn một bát bún chua thanh, thơm mùi giấm bỗng cũng đủ làm dịu bớt cái nắng tháng 6.
Không chỉ những địa chỉ nổi tiếng, đông khách mới có bát bún chất lượng mà ngay cả những quán nhỏ, đơn sơ cũng có thể níu chân thực khách bằng sự chỉn chu, tinh tế trong từng khâu chế biến. Quán Thu bún riêu nằm trong ngõ Thọ Xương là một trong số những điểm đến không tiếng tăm nhưng lại được lòng hầu hết những ai từng thử qua.
Quán toạ lạc ở vị trí đắc địa, ngay sát Nhà thờ Lớn, khách ăn có thể vừa thưởng thức món đặc sản Hà Nội, vừa lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga, điểm từng hồi. Tiệm ăn nhỏ, không có mái che hay chỗ ngồi trong nhà mà phần lớn thực khách đều ngồi dưới dạng "lộ thiên" với bàn ghế nhựa, ngồi dọc theo bức tường của ngõ. Biển hiệu cũng nhỏ và khuất tới nỗi đi lướt qua sẽ không nhận thấy. Bởi vậy, hầu như khách ăn của quán là người dân sống trong khu vực này, thi thoảng mới có khách vãng lai.
Bún riêu ở đây bán kiểu "full topping" với đầy đủ riêu cua, đậu rán, thịt bò chần, ốc và cả trứng vịt lộn. Cách ăn "hổ lốn" này khá mới mẻ với món bún riêu truyền thống, tuy nhiên lại được lòng thực khách trẻ. Nếu thích ăn kiểu thanh đạm, bạn cũng có thể gọi bún riêu cua đậu đơn giản để cảm nhận rõ hương vị của từng nguyên liệu.
Nhìn chung, bát bún có khá ít riêu cua nhưng được thực khách nhận xét là "riêu cua thật", ăn cảm nhận rõ vị thơm cua đồng chứ không phải bị "độn" như nhiều nơi khác. Bởi vậy, riêu cua được đánh giá là ít nhưng chất lượng.
Để có bát bún riêu ngon, cua đồng nhất thiết phải giã bằng tay thì váng thịt cua mới mềm mịn và giữ được mùi đặc trưng, nếu xay máy thì ăn thường có sạn và xốp, người ăn tinh tế có thể nhận ra ngay. Cua thường được ngâm khoảng một giờ để loại bỏ cát rồi xả lại nước, lột yếm và mai cua để riêng. Gạch cua được nạo bằng thìa, cho vào chén, ướp với ít tiêu xay, gia vị, yếm cua giã nhỏ. Sau đó, cho cua xay vào tô, ướp với muối, hoà nước, dùng tay bóp nhẹ cho thịt cua bong ra rồi gạn đổ nước lẫn thịt cua vào nồi từ 2 - 3 lần, đến khi trong bát chỉ còn phần vỏ cứng. Sau đó, cho một ít muối, hạt nêm vào nồi nước cua vừa lọc, đặt lên bếp đun nóng với mức lửa vừa. Vừa đun, vừa dùng đũa khuấy nhẹ tay để riêu cua kết lại và nổi lên hết trên mặt nước.
Đậu rán tưởng như là thành phần "vô danh tiểu tốt" của bát bún nhưng nếu được chế biến cẩn thận, tinh tế thì cũng có thể góp phần giúp bát bún ghi điểm với thực khách. Đậu ở đây cũng không quá nhiều nhưng vị beo béo, bùi bùi, ăn rất "vào". Thịt bò chần vừa đủ tai tái, mềm ngọt. Đặc biệt, để ăn chắc dạ và làm nước dùng ngọt hơn, nhiều khách yêu cầu thêm một quả trứng vịt lộn luộc cho lên trên cùng.
Tuy nhiên, nước dùng của quán hơi thiếu vị chua, chủ yếu là vị ngọt của cua đồng và thịt bò. Do đó, với những ai thích vị chua của bún riêu cua sẽ không thể "chấm điểm tuyệt đối". Mức giá khoảng 35.000 trở lên, tuy cao so với nhiều nơi nhưng lại ở mức trung bình tại khu vực đắt đỏ như phố cổ Hà Nội.