Cùng với sự du nhập của ẩm thực bốn phương, các món ăn Hà Nội cũng dần được biến tấu để phù hợp khẩu vị hơn với giới trẻ, trong đó có bánh mì. Tuy nhiên, một số thực khách thủ đô vẫn trung thành với hương vị xưa cũ, truyền thống, gắn liền với tuổi thơ. Nếu như bánh mì Sài Gòn có nhiều loại xốt béo ngậy hay các loại chả lụa, thịt nguội, bánh mì miền Trung thường kèm thịt quay hay bánh bột lọc thì bánh mì Hà Nội nổi bật với vị pate gia truyền.
Quán bánh mì Lâm nằm trên đường Khương Hạ từ lâu đã là địa chỉ ăn sáng quen thuộc của học sinh sinh viên khu vực lân cận. Trên đoạn phố ngắn có tới ba hàng bánh mì, mỗi hàng một hương vị nhưng chỉ có quán Lâm mang đặc trưng truyền thống của bánh mì Hà Nội. Mỗi sáng, học sinh, dân công sở xếp hàng rất đông chờ tới lượt mua mang đi học, đi làm. Trên mạng xã hội, một số reviewer còn đặt cho địa chỉ này danh hiệu "hàng bánh mì pate ngon nhất quận Thanh Xuân".
Một chiếc bánh mì ở đây khá đầy đặn, người ăn ít có thể no cả buổi. Phần nhân giữ nguyên các thành phần truyền thống bao gồm pate, ruốc, xúc xích đỏ và tương ớt cay xé, ăn kèm rau mùi và dưa chuột thái mỏng. Ngoài các topping kinh điển này, quán có thêm thịt xá xíu thái mỏng và trứng rán nhưng không bỏ thêm các loại xốt quen thuộc như mayonnaise hay các loại xốt chua ngọt "nịnh miệng" khác. Chính bởi vậy, hương vị bánh mì ở đây khá đặc biệt, gợi nhớ về những ổ bánh mì ăn vội nơi cổng trường thời đi học.
Xúc xích đỏ là thành phần dường như chỉ có ở bánh mì Hà Nội, làm mất công nên nhiều nơi đã thay xúc xích đỏ bằng xúc xích mua sẵn, thịt xá xíu hoặc chả hay ruốc. Với dân sành ăn, giò chả hay ruốc không thể thay thế được xúc xích đỏ. Xúc xích đỏ có hương vị rất riêng nó làm nhân bánh mì có độ thơm và dẻo đặc biệt, ăn "rất dính".
Khách tới đây chủ yếu gọi một chiếc bánh mì truyền thống với giá 25.000 đồng. Phần pate béo thơm, không quá ngấy mỡ, quyện với vị mặn của ruốc, dẻo dính của xúc xích đỏ, vị đậm đà của thịt xá xíu. Đặc biệt, tương ớt của quán là loại sệt nhà làm nên có vị cay "bùng nổ" và rất thơm, chỉ một chút xíu quết vào cũng đủ khiến người ăn toát mồ hôi. Đây mới là tương ớt của bánh mì Hà Nội ngày xưa, không phải loại tương ớt lỏng đóng chai hiện giờ nhiều hàng sử dụng. Chủ quán Lâm đã tham khảo hương vị bánh mì nhiều nơi nhưng vẫn quyết định trung thành với vị bánh mì truyền thống.
Quán có chỗ ngồi lại nhưng ở ngay vỉa hè, mặt đường, đôi khi khá bụi nên khách chủ yếu mua mang đi. Quầy hàng được bày ngay phía ngoài, khá sạch sẽ. Ngoài bánh mì truyền thống, cửa hàng còn có bánh bao, bánh giò và trứng vịt lộn để đổi món. Thực khách thường ghé mua bánh mì đi kèm với đồ uống như trà chanh, sữa đậu, cà phê sữa, một số loại nước ép tươi như dứa, ổi, dưa hấu, cần tây. Đặc biệt, quán có thêm loại kem hộp được khách hàng đánh giá cao, đặc biệt là các em nhỏ.