![]() |
Rất dễ dàng mua được hàn the và các loại hóa chất hương liệu khác tại chợ Kim Biên, quận 5, TP HCM. |
Tại một tiệm bán hóa chất đường Kim Biên, TP HCM, chị Tr., nhân viên bán hàng, cho biết: “Có hai loại cho giò chả giòn dai: một loại chuyên dùng trong thực phẩm giá 68.000 đồng/hộp của Thái Lan và hàn the”. Khi khách lắc đầu chê: “Giá bột giòn dai dùng trong thực phẩm mắc quá, làm chả bán không có lời!” thì chị Tr. tư vấn: “Vậy mua hàn the của Mỹ đi, 8.000 đồng/kg. Loại này bán đắt hàng lắm”. Theo nhiều người bán hàng, gần tết việc mua bán hóa chất, phẩm màu, hàn the có nhộn nhịp hơn; còn bình thường mặt hàng này vẫn bán chạy quanh năm.
Theo ông Trần Quang Trung, chánh thanh tra Bộ Y tế, tỷ lệ hàn the được sử dụng trong giò chả năm 2005 vẫn chiếm khoảng 40%. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Khánh Trâm, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, đã có cơ sở nghiên cứu đưa ra một số chất phụ gia có đặc tính giống hàn the (tạo độ giòn, dai cho thực phẩm) nhưng không gây hại cho sức khỏe được chiết xuất từ vỏ tôm, cua, mai mực... được Bộ Y tế cho phép lưu hành. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến thực phẩm chưa “mặn mà” lắm với các loại phụ gia này vì giá thành đắt hơn và tính ổn định không bằng hàn the.
Ngày 27/12, ông Trần Văn Nhật - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng - cho biết bắt đầu từ ngày 2-1-2006, thành phố sẽ thành lập ba đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chất lượng thực phẩm, trong đó chủ yếu là các mặt hàng có sử dụng đến hàn the. Thanh tra Sở Y tế sẽ cập nhật thông tin từ các đoàn kiểm tra về hằng ngày và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những mặt hàng không đạt chất lượng. |
Khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng thực hiện trong ba năm (2003-2005) tại TP HCM trên chả lụa, bò viên, cá viên chiên, mì sợi tươi, bánh su sê, bánh da lợn ở các chợ, quầy bán lẻ, bán rong cho thấy đến 135/200 mẫu có sử dụng hàn the, chiếm tỷ lệ 67,5%. Các mẫu chả lụa và mì sợi tươi có tỷ lệ sử dụng hàn the cao nhất. Trong đó, 100% mẫu giò chả kiểm tra năm 2004 có hàn the. 100% mẫu mì sợi tươi kiểm tra năm 2005 có hàn the.
Riêng tỷ lệ có sử dụng hàn the trong bánh da lợn, bánh su sê từ 43,33-70%. Đáng lưu ý là hàm lượng hàn the được cho thêm vào thực phẩm ngày càng cao. Năm 2003 và 2004 lượng hàn the cho vào thực phẩm là 1.000-3.000 mg/kg thì năm 2005 là hơn 3.000 mg/kg.
Qua kiểm tra, xét nghiệm 3.000 mẫu thực phẩm từ năm 2004-2005, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng đã phát hiện việc sử dụng hàn the, chất phụ gia độc hại trong bốn loại thực phẩm (giò chả, bánh giò, mì sợi) tại các nhóm như cơ sở sản xuất, chợ, đường phố, hàng rong. Kết quả hàn the có trong: 47-49% giò sống, chả lụa tại các cơ sở sản xuất; 70-74% chả lụa, mì sợi bán tại các chợ; 62-68% giò sống, chả lụa, mì sợi bày bán ở các đường phố; 77% chả lụa bán rong...
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng, cho biết, khoa học đã chứng minh hàn the có độc tính khá lớn với cơ thể. Liều từ 5 gam trở lên đã gây ngộ độc cấp tính (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, vật vã cơn động kinh, suy thận, nhịp tim nhanh, sốc trụy mạch, trướng bụng, hôn mê, nặng có thể gây tử vong). Ăn với liều lượng thấp kéo dài, hàn the tích lũy trong cơ thể không chỉ gây các bệnh ung thư mà còn để hậu quả xấu cho nhiều thế hệ sau.
Nhiều năm nay, các nhà quản lý vẫn chưa thể trả lời cho người dân câu hỏi: “Đâu là thực phẩm không hàn the?”. Trước một “rừng” thực phẩm, người dân vẫn thường được khuyên một câu chung chung “chọn những sản phẩm có thương hiệu!” và “quan trọng là ý thức của người tiêu dùng và người sản xuất!”. Trong khi đó, cái gốc của vấn đề là việc buôn bán hàn the lại diễn ra tự do ở chợ.
TS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, bức xúc cho rằng nên có một quy định là các chất phụ gia dùng trong thực phẩm phải được bán ở cửa hàng thực phẩm (như thuốc tây phải được bán trong nhà thuốc) do ngành y tế quản lý. Những cửa hàng này chỉ được bán những loại hóa chất được phép dùng trong thực phẩm.
(Theo Tuổi Trẻ)