Kiểm tra 15 mẫu thực phẩm đều thấy dùng hàn the làm phụ gia. |
Với bộ kit phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm vừa được Viện Công nghệ Hóa học thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam “trình làng”, chỉ cần 4-5 phút cho mỗi mẫu thử là có thể “soi” được hàn the ngay.
Thạc sĩ Trung, tác giả của bộ kit thử, đưa ra quy trình thử nhanh hàn the hết sức đơn giản gồm một lọ đựng giấy thử, một lọ đựng acid, một khay nhôm, hai mẫu giò chả.
Ông Trung lấy một miếng chả mua ở trước cổng Viện Công nghệ Hóa học rồi lấy dung dịch acid hiện màu nhỏ hai giọt lên. Chờ dung dịch đủ ngấm, anh lấy một mẩu giấy thử màu vàng cam ấn vào miếng chả. Chỉ vài chục giây, nửa mẩu giấy tiếp xúc với miếng chả đã chuyển sang màu vàng nghệ, loang lổ. 5 phút sau, kết luận được đưa ra: “Mẫu thực phẩm này chứa hàn the lên tới 3g/kg sản phẩm”.
Người viết bài đã trực tiếp đi mua 30 mẫu thực phẩm ở các chợ, các sạp thực phẩm vỉa hè để thử nhanh hàn the. Chúng tôi tiến hành thử nhanh 3 mẫu giò chả mua tại cửa hàng giò chả Ngọc Phượng trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), thì cả ba mẫu này đều “dính” hàn the đậm đặc.
Trong các mẫu thịt nguội, thịt quay và 3 mẫu đậu phụ mua ở chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) khi thử cũng đều cho kết quả tương tự. Đặc biệt, thử nhanh 2 mẫu bánh giò và 1 mẫu lạp xưởng, 1 mẫu rau câu, 1 mẫu bánh pía, 1 mẫu nem chua, 1 mẫu bánh mì mua tại cửa hàng thực phẩm đặc sản Hà Nội có tên Thanh Hao, ở đường Điện Biên Phủ (quận 1), đều cho thấy lượng hàn the còn đậm trên mức mẫu thử 3 g/kg do ông Trung đã thí nghiệm trước đó.
15 mẫu gồm: giò chả, giò sống, chả quế, chả lụa, nem chua ở các điểm bán vệ đường tại khu vực chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình), Chợ An Lạc và chả lụa ở chợ Bình Tây (quận 6) khi đưa vào thử nhanh đều cho thấy lượng hàn the đậm đặc không kém.
Hàn the: 3.000 mg/kg thực phẩm
Mỗi lần Sở Y tế đi kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm đều phát hiện ra sai phạm liên quan đến sử dụng hàn the.
Các loại giò, chả, thực phẩm chế biến sẵn được bày bán tại siêu thị. |
Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên đối với 2.500 mẫu giò chả, giò sống, mì sợi tại các cơ sở sản xuất, nơi kinh doanh, hàng rong trên địa bàn TP HCM được Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM thực hiện gần đây nhất, cho thấy chả lụa có tỷ lệ sử dụng hàn the lớn nhất với gần 70%, kế đến là mì sợi - 60%, giò sống - 45% và bánh giò - 25%.
Hàn the cũng được tìm thấy trong gần 70% các sản phẩm giò sống, chả lụa, mì sợi bán trên các xe bánh mì, quán mì, bánh cuốn, quán ăn uống bình dân và 50% sản phẩm tại các cơ sở sản xuất. Hàn the còn có trong các loại bánh giò, phu thê, da lợn, bánh đúc...
Điều đáng ngại là có tới 80% sản phẩm có chứa hàn the không có địa chỉ nơi sản xuất, hầu hết được bày bán trôi nổi ở khắp các chợ, vỉa hè, ngõ hẻm, khu dân cư.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, kết quả những mẫu thử hàn the do cơ quan này tiến hành cho thấy: nếu như năm 2004 lượng hàn the cho vào thực phẩm trung bình khoảng 1.000 - 2.000 mg/kg thì năm 2006 con số này lên đến hơn 3.000 mg/kg.
Thạc sĩ Đào Bích Thanh, Trưởng phòng VSATTP - Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết: Hàn the khi vào cơ thể được đào thải phần lớn qua nước tiểu và các tuyến mồ hôi, còn khoảng 15% tích lũy trong các mô, tập trung nhiều nhất ở gan, óc, tim, phổi, dạ dày, thận, ruột... Ăn nhiều có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Cơ thể tích lũy hàn the nhiều sẽ gây khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi do ngộ độc mãn tính; nếu nặng sẽ làm thoái hóa cơ quan sinh dục, gây suy yếu khả năng sinh sản và tổn thương bào thai, gây nên căn bệnh ung thư. |
(Theo Tiền Phong)